
Vật lý trị liệu & Hội chứng Down
Patricia C. Winders, PT
Chuyên gia vật lý trị liệu cao cấp, chuyên khoa hội chứng down
Trung tâm SIE cho hội chứng down, Bệnh viện nhi, Aurora, CO
Những thách thức trong sự phát triển vận động nói chung của trẻ có hội chứng down là gì?
Trẻ em có hội chứng Down muốn làm những gì mà tất cả trẻ em muốn làm: trẻ muốn ngồi, bò, đi bộ, khám phá môi trường xung quanh, và giao tiếp với những người xung quanh. Để làm được điều đó, trẻ cần phải phát triển các kỹ năng vận động của mình. Do một số đặc điểm vật lý, như việc giảm trương lực (nhược cơ), dây chằng lỏng lẻo, và sức bền kém khiến trẻ em có hội chứng Down không phát triển các kỹ năng vận động theo cách mà trẻ bình thường phát triển. Trẻ tìm cách để bổ khuyết vào sự khác biệt về thể chất của mình, và một số phát triển theo phương hướng bổ khuyết tự động đó có thể dẫn đến các biến chứng lâu dài, chẳng hạn như đau ở bàn chân hoặc đi lệch người về một phía.
Mục tiêu của vật lý trị liệu cho trẻ không phải là để đẩy nhanh tốc độ phát triển của trẻ, như ta thường nghĩ, mà để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các vận động một cách tối ưu nhất. Điều này có nghĩa rằng trong dài hạn, bạn muốn giúp trẻ phát triển để có được một tư thế tốt, bước chân thẳng hàng, đi đứng vững vàng, và có một thể lực tốt làm nền tảng cho việc tập luyện trong suốt cuộc đời.
Bạn phải làm gì trong một buổi vật lý trị liệu?
– Trước tiên, tôi quan sát những kỹ năng mà trẻ đã làm chủ được (những kỹ năng trẻ đã thành thạo). Sau đó, tôi xác định xem kỹ năng nào con sẵn sàng học tiếp. Điều quan trọng là chúng tôi dạy trẻ những gì mà trẻ sẵn sàng học trong vòng một tháng tiếp theo chứ không phải là dạy những điều quá sức đối với trẻ.
– Khi tôi xác định được loại kỹ năng mà trẻ sẵn sàng học, tôi phát triển/thiết kế phương pháp phù hợp để dạy cho trẻ kỹ năng đó. Tôi phân chia kỹ năng thành nhiều phần, và sau đó tôi thực hành kỹ năng với nhiều phương pháp khác nhau để tìm ra phương pháp dạy trẻ thành công nhất. Các phương pháp được dựa trên khả năng học tập cũng như thể chất của trẻ.
– Cuối cùng và quan trọng nhất, tôi dạy cho các bậc cha mẹ làm thế nào để thực hành các kỹ năng với con của họ. Các bậc cha mẹ có thể thực hành các kỹ năng khi trẻ cảm thấy thoải mái và khỏe mạnh, các kỹ năng có thể được kết hợp với nhau và trở thành công việc làm hàng ngày. Thông qua thực hành và sự lặp lại, trẻ sẽ phát triển sức mạnh và dần làm chủ các kỹ năng.
Bạn viết rằng thông thường có hai dạng trẻ hoặc là “tăng động” hoặc “thụ động”. Tính cách đó của trẻ tác động như thế nào đến công việc thực hành của vật lý trị liệu?
Tính cách là điểm đặc trưng của một người bao gồm suy nghĩ, hành động và phản ứng. Tôi tìm hiểu những suy nghĩ, quan sát hành động và phản ứng của trẻ khi trẻ học các kỹ năng vận động. Từ những nghiên cứu và quan sát của mình, tôi cho rằng trẻ em có hội chứng Down thường có hai xu hướng cơ bản của tính cách: tăng động và thụ động. Những trẻ tăng động có xu hướng mạo hiểm. Trẻ thích chuyển động nhanh và thích nghi với chuyển động mới cũng như vị trí mới. Trẻ không muốn ở một nơi và không thích ở yên một chỗ. Trẻ thụ động là thì thận trọng hơn, cẩn thận, và muốn được người khác chỉ huy. Trẻ thích ở yên một chỗ và dễ cảm thấy sợ hãi khi phải học thêm một chuyển động mới.
Ví dụ: Khi trẻ có tính tăng động tập đi, trẻ sẵn sàng mạo hiểm để tự bước đi độc lập và sẽ không nản lòng chỉ vì bị té ngã thường xuyên. Trẻ có tính cách thụ động thường thận trọng hơn và chỉ tự bước những bước đi độc lập khi trẻ chắc chắn về sự cân bằng của mình.
Hiểu biết về tính cách của con quý vị và động lực khiến trẻ thích vận động sẽ giúp bạn có hiệu quả hơn trong việc hướng dẫn trẻ học các kỹ năng vận động. Bạn sẽ biết trước hoạt động nào trẻ thích thú khi thực hiện và hoạt động nào khiến cho trẻ chống đối lại. Biết được điều này, bạn có thể bắt đầu với các hoạt động mà trẻ thích thú và chỉ chuyển tiếp đến các hoạt động khó hơn khi trẻ thấy thoải mái và muốn được học.
Một số lời khuyên dành cho các vị phu huynh khi giúp con mình rèn luyện các kỹ năng vận động.
Sự phát triển các kỹ năng vận động là nhiệm vụ cần phải thực hiện trước tiên mà trẻ có hội chứng Down và cha mẹ của bé cùng phải thực hiện. Đây là cơ hội để phụ huynh bắt đầu hiểu con em mình học như thế nào. Sử dụng những lời khuyên dưới đây như một điểm khởi đầu để bắt đầu khám phá cách thức học tập của con em quý vị.
- Xác định động lực thúc đẩy con bạn là gì. Con của bạn thích chuyển động khi có một cái gì đó, một điều gì đó là động cơ thúc đảy bé. Ví dụ, bé có thể bò hoặc trườn để lấy đồ chơi yêu thích. Khi thực hành các kỹ năng vận động, sự thành công và sự thích thú của con bạn trong suốt quá trình luyện tập sẽ phụ thuộc vào cách thực hiện của bạn, những loại đồ chơi mà bạn sử dụng và vị trí bạn đặt đồ chơi.
- Tìm hiểu ý thích, suy nghĩ của con bạn. Tìm xem loại kỹ năng vận động nào khiến con bạn thích và muốn thực hiện; sau đó bạn xây dựng bài tập cho những kỹ năng đó. Ví dụ, nếu con bạn thích các vận động bằng bụng, dạy cho bé xoay vòng, bò và trườn, nếu bé thích ngồi, dạy cho bé di chuyển và tự ngồi một mình. Trẻ em thường được khuyến khích học các kỹ năng theo một thứ tự khác nhau và sẽ là rất tốt nếu bạn nương theo con bạn bằng cách bạn chỉ hướng dẫn bé luyện tập những động tác mà bé đã sẵn sàng học hỏi.
- Muốn việc luyện tập của con bạn đi tới thành công, bạn phải thực hành những kỹ năng mà con của bạn đã sẵn sàng cho việc luyện tập, do đó trẻ mới có thể đạt tới kết quả cuối cùng của bài luyện tập. Thực hành việc luyện tập khi thể chất của bé ở trạng thái tốt nhất, khi đó bé mới có đủ năng lượng, có đủ sự tập trung và kiên nhẫn để thực hiện những kỹ năng mới. Biết tư thế nào là tốt nhất với bé và động cơ nào là tốt nhất để thúc đẩy bé. Cuối cùng, biết khi nào để dừng buổi luyện tập. Điều quan trọng là hiệu quả của việc luyện tập chứ không phải là độ dài của buổi tập. Chỉ một chút thời gian mà con bạn hiểu được kỹ năng vận động mới và hoàn thành việc luyện tập kỹ năng đó còn giá trị hơn rất nhiều so với một giờ vật lộn khiến cả bạn và bé đều thất vọng và buồn bã.
- Phán đoán và hiểu được các dấu hiệu của con quý vị. Hãy chú ý đến những phản ứng của con bạn trong việc thực hành các kỹ năng. Nếu nó là quá khó, làm cho nó trở nên dễ dàng hơn bằng cách thay đổi thiết kế bào tập hoặc hỗ trợ cho bé nhiều hơn. Thực hiện bài tập cho đến khi con bạn làm được một cách tốt nhất theo khả năng của bé. Chất lượng của buổi thực hành các kỹ năng vận động luôn quan trọng hơn số lượng thời gian bạn bỏ ra.
- Biến quá trình tập luyện thành một trò chơi. Để làm điều này, trước tiên, bạn giới thiệu “ trò chơi” để trẻ cảm nhận và không phản ứng việc phải chuyển động. Thứ hai, giúp con của bạn làm quen với trò chơi và hiểu được những điều bạn muốn bé làm. Thứ ba, bạn cùng bé thực hành trò chơi cùng nhau và dần dần giảm bớt sự hỗ trợ của bạn. Thứ tư, tăng tiến độ cho bé thực hiện một cách độc lập. Mục tiêu cuối cùng là cho con của bạn làm chủ trò chơi và có thể tự làm điều đó một mình.
Trẻ em có hội chứng Down có một phong cách học tập độc đáo, nên chúng ta cần phải hiểu và tôn trọng điều này. Một nhà tâm lý học có tên là Jennifer Wishart đã viết nhiều về chủ đề này. Cô nói rằng chúng ta “có thể thay đổi những hạn chế của việc học tập chậm chạp của trẻ nhưng sẽ đưa trẻ tới trạng thái bị cướng ép và lảng tránh việc luyện tập”. Thông thường tôi thay đổi và điều chỉnh lại phương pháp luyện tập cho mỗi trẻ. Tôi phải chắc chắn được rằng mỗi buổi vật lý trị liệu mang tới một không gian học tập thú vị cho trẻ để trẻ hào hứng với việc học tập, và tôi khuyến khích các bậc cha mẹ cũng làm như vậy ở nhà. Nếu con bạn cảm thấy bị áp đặt, bé sẽ tìm cách để chống lại và lảng tránh việc học.
Traimoxanh dịch từ www.ndss.org, đề nghị ghi rõ nguồn khi trích dẫn bài dịch