Vai trò của gia đình trong việc nuôi dạy trẻ khuyết tật

Traimoxanh: Anh chị Quang+Duyên có cô con gái có hội chứng down và một cậu con trai tự kỷ.  Với tình yêu con vô bờ bến, anh chị đã vượt qua bao khó khăn vất vả để giúp các con có được những phát triển tốt nhất.

Anh chị chính là người đã sáng lập ra Nhóm Tương Trợ Phụ Huynh VN có Con Khuyết Tật và Chậm Phát Triển tại Úc , địa chỉ website: http://chamevoiconkhuyettat.org.au/index.html

Traimoxanh trân trọng giới thiệu những tâm sự của chị Duyên đăng trên báo điện tử bayvut tại Úc châu. Mời các bạn đọc tham khảo.

* * * * *

Tâm sự của một người mẹ có hai con bị khuyết tật – con gái bị bệnh Down, con trai bị bệnh tự kỉ dạng có khả năng cao. Sau 30 năm kiên trì dạy dỗ với tất cả tình yêu thương của người làm cha mẹ, hai con đã có thể đi học, đi làm và hòa nhập vào xã hội.

Nỗi đau người mẹ

Anh chi Quang Duyen va Ba Toan Quyen NSW Maria Basiar sau khi nhan Huan Chuong OAM 24-09-2004

“Ba mươi năm trước, chúng tôi cho ra đời một mầm hạnh phúc và cũng như những cha mẹ khác, chúng tôi đã đặt hết kỳ vọng lẫn mơ ước vào con. Thế nhưng, chúng tôi lại ngẩn ngơ, hoang mang khi bác sĩ cho biết con gái đầu lòng của mình bị bệnh Down. Lúc đó, tôi không hiểu biết gì và bản thân bác sĩ cũng không có nhiều kinh nghiệm. Ông chỉ động viên tôi ráng nuôi con rồi đến năm 16 tuổi, cháu sẽ bình thường. Tin lời bác sĩ, tôi chỉ nuôi con bằng giác quan, linh tính và niềm yêu thương vô bờ của một người mẹ.”

“Nỗi buồn triền miên chưa bao giờ vơi đi thì tôi biết thêm con trai bị bệnh tự kỉ dạng có khả năng cao. Từ nhỏ, cháu chỉ chạy chứ không đi, toàn ăn bốc bằng tay, không bao giờ nhìn vào mắt người khác khi nói chuyện, giờ giấc rất chính xác mặc dù không đeo đồng hồ, thích nghịch nước và đặc biệt là rất nóng tính, sẵn sàng có các hành vi chống trả. Lúc lên bảy tuổi, tôi cho cháu học đàn piano. Có một lần cháu đi học sớm và cô giáo vẫn đang dạy một học trò khác. Cháu chỉ ngồi bên ngoài lắng nghe mà sau đó tự đánh lại được đúng bản nhạc cô vừa dạy. Cô giáo ngạc nhiên tột độ và ngay lập tức khuyên tôi đưa con đi khám bác sĩ vì cô nghĩ cháu bị bệnh tự kỉ dạng có khả năng cao. Người bị bệnh này rất hung hăng, thậm chí có thể phá tan nhà, tan cửa khi nổi nóng.”

“Ba mươi năm trời nuôi dạy con khuyết tật, tôi buồn nhiều hơn vui. Buồn nhất là con còn khờ dại, còn quấn quýt bên mình trong khi bạn bè đồng lứa đã có công ăn việc làm, gia đình và nhà cửa ổn định. Hơn nữa, không biết sau này khi tôi nằm xuống thì các con tôi sẽ đi về đâu?

Không đầu hàng số phận

“Sau 19 năm chứ không phải 16 năm chờ đợi con gái trở lại bình thường theo lời bác sĩ, tôi như người chợt bừng tỉnh cơn mơ. Tôi tin vào số phận nhưng tôi không chấp nhận hoàn cảnh mà phải nghĩ cách để thay đổi nó.”

“Tôi bèn liên lạc lên cơ quan truyền thông để hỏi họ về bệnh Down. Có thêm hiểu biết, tôi quyết tâm dạy con học nói và học chữ. Mỗi một chữ cái, con số, cháu phải mất vài tháng để học. Để đọc và viết được hết bảng chữ cái cùng 10 con số, tôi phải ròng rã dạy trong 10 năm trời. Bên cạnh đó, tôi còn mua một cây đàn piano đồ chơi bằng gỗ về để dạy cháu. Tôi kiên trì cầm từng ngón tay của cháu đặt lên bàn phím mặc dù chỉ đánh được hai, ba phím là cháu bỏ chạy. Thế nhưng tôi không bỏ cuộc và ngày nào tôi cũng kiên nhẫn ngồi dạy con như vậy. Những nốt nhạc con tôi học được không phải tính bằng ngày, bằng giờ mà là cả năm trời ròng rã. Rồi tôi dạy cháu làm các công việc trong gia đình như lau nhà, hút bụi, rửa xe, gấp chăn màn, làm bánh mì… Hơn nữa, tôi còn dạy cháu cách tự vệ sinh thân thể và tính từ lúc tôi bắt đầu dạy cho đến khi cháu làm thành thục cũng mất đến hơn ba năm.”

“Đối với con trai, từ khi có kiến thức về khuyết tật, tôi hiểu tâm tính của cháu hơn. Thay vì mắng mỏ khi cháu có thái độ và hành động đập phá, chống trả thì tôi lại bình tĩnh, lẳng lặng đi ra ngoài, chờ cho cháu nguôi cơn kích động. Sau rất nhiều lần như thế, sự nhẫn nại của tôi cũng đã được đáp trả. Con tôi đã biết nhận lỗi và xin lỗi tôi cũng như dần ý thức được hành động của mình hơn.”

Niềm vui vỡ oà

Thieu nu DS danh dan keyboard va hat cho cha me tham du ngay KT the gioi nghe 

“Sau 30 năm kiên trì dạy dỗ, những nỗ lực của tôi đã được đáp trả xứng đáng. Vui nhất là hiện nay, con gái tôi học rất nhanh những gì tôi dạy chứ không lâu như trước đây.”

“Giờ đây, con gái tôi có thể làm mọi việc trong gia đình, biết tự đi xe buýt tới trường, ra ngoài phố để mua đồ ăn. Nhiều người không ngờ cháu còn nghe được điện thoại và ghi lại tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại của người gọi để đưa cho mẹ. Hàng tuần, cháu đi làm thêm trong nhà trẻ để lấy kinh nghiệm và đợi nhập học trường nghề về nuôi dạy trẻ dành cho người khuyết tật.”

“Cháu còn có thể đánh được đàn piano cũng như keyboard. Trong những buổi sinh hoạt của người khuyết tật, thỉnh thoảng cháu được mời đi trình diễn. Đặc biệt nhất là cháu có khả năng nói cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, mặc dù cho tới lúc này thì các nhà khoa học trên thế giới còn đang nghiên cứu khả năng đa ngôn ngữ của người khuyết tật. Tôi dự định sẽ gửi đĩa CD cháu nói chuyện bằng hai thứ tiếng sang Anh cho các giáo sư nghiên cứu.”

“Với con trai, vợ chồng tôi cũng luôn theo dõi sát sao từng bước đi của cháu. Điều may mắn là tuy cháu có bệnh nhưng lại nằm ở nhóm có khả năng cao và có óc trừu tượng rất tốt. Bây giờ, cháu tự học và sáng tác nhạc. Cháu cũng vẽ tranh rất nhanh. Có lần, vợ chồng tôi ngồi kể cho cháu nghe quá trình rời xa quê hương sang Úc sinh sống. Khi kết thúc câu chuyện thì cũng là lúc cháu vẽ xong năm bức tranh mô tả lại quá trình di cư của gia đình. Tôi treo chúng trong nhà và mỗi lần có khách tới thăm, cháu có thể giảng giải ý nghĩa của chúng cho họ hiểu mặc dù ngôn ngữ của cháu rất hạn chế.”

“Con trai tôi đã tốt nghiệp trung học, cũng đi làm, tiết kiệm tiền và có bạn gái như những người bình thường. Vợ chồng tôi khuyên cháu nên tìm công việc nào có thể làm độc lập vì tôi hiểu người tự kỉ không có khả năng làm việc theo nhóm. Hiện nay, cháu đang làm công việc bán đồ điện gia dụng, hàng ngày nói chuyện với khách qua điện thoại rồi làm hoá đơn, gửi sản phẩm cho họ nếu có yêu cầu. Ngày nào tôi cũng quan tâm, hỏi han xem công việc có gây áp lực cho cháu hay không vì nếu người tự kỉ phải chịu sức ép thì hậu quả sẽ rất tồi tệ. Tuy vẫn có thể làm một số công việc nhất định nhưng khuyết điểm trọn đời của cháu là không biết cách gợi chuyện cũng như giao tiếp với người khác.”

“Tôi tự hào vì không phải người khuyết tật nào cũng có thể làm được những việc như các con tôi. Nếu ngày ấy tôi không kiên trì, nỗ lực thì cho đến bây giờ, các con tôi cũng chỉ như những đứa trẻ khuyết tật khác bị gia đình bỏ bê.”

“Tôi cho rằng đã dạy con khuyết tật thì không nên quản ngại thời gian, công sức bởi nó vô cùng gian khổ và không thể đo đếm được bằng ngày, bằng tháng. Tuy nó không phải con đường rộng trải dài nhưng cũng không hẳn là ngõ cụt trong cuộc đời những người làm cha, làm mẹ.”

Nguồn: bayvut.com.au

Print Friendly, PDF & Email

Leave a Reply