
Trường phục hồi chức năng Khoái Châu: Nơi gửi gắm niềm tin cho trẻ em khuyết tật
Dẫn tôi tham quan các lớp học, nhà xưởng và khu ký túc xá của trường cô Dung tâm sự: Được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh nên trường của chúng tôi đã có một cơ ngơi khá khang trang với khu nhà 3 tầng kiên cố dùng để làm phòng làm việc và làm phòng học văn hóa. Ngoài ra còn có 3 xưởng là xưởng may công nghiệp, mộc và xưởng gò hàn nhằm giúp các em có được một nghề phù hợp với khả năng cho cuộc sống tương lai. Trường phục hồi chức năng Khoái Châu hiện nay đang dạy và nuôi dưỡng 100 em khuyết tật của 5 huyện phía bắc tỉnh là Khoái Châu, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Văn Giang và Văn Lâm. Trong số đó có 43 em khiếm thính và 57 em bị thiểu năng trí tuệ với độ tuổi từ 8 đến 18, các em được phân thành 10 lớp (7 lớp học văn hóa và 3 lớp chuyên học nghề). Lứa tuổi của các em ở mỗi lớp không đồng đều, mức độ nhận thức cũng rất khác nhau, hầu hết các em đều chậm nhớ và mau quên, nhiều em còn không làm chủ được hành vi của mình, do vậy để dạy được các em ngoài lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm các thầy giáo, cô giáo ở đây phải kiên trì tìm hiểu tâm lý của từng em từ đó sẽ tạo ra phương pháp giảng dạy phù hợp. Tất cả các em khi đến trường đều được các thầy cô giáo dạy học văn hóa. Từ 13 tuổi trở lên hàng ngày các em sẽ học văn hóa nửa buổi còn nửa buổi các em được học nghề. Phụ thuộc vào sức khỏe cũng như khả năng của từng em mà các thầy cô giáo định hướng cho các em những nghề phù hợp như thêu ren, may dân dụng, may công nghiệp, cắt tóc, gò hàn hoặc làm mộc… Chính nhờ lòng nhân ái và tình thương yêu của tập thể cán bộ và các thầy cô giáo trong trường mà từ năm 1990 đến nay đã có 115 em khuyết tật học xong văn hóa bậc tiểu học và khi ra trường đã có được một nghề vững chắc, trong đó hơn một nửa hiện đang có việc làm ổn định với mức thu nhập từ 400 – 800 nghìn đồng.
Để giúp cho một trẻ khuyết tật đặc biệt là trẻ bị thiểu năng trí tuệ có thể đọc, viết và làm được một nghề thì phải mất khoảng 8 năm, thậm chí còn lâu hơn nữa. Trong khoảng thời gian ấy các thầy cô giáo của Trường phục hồi chức năng Khoái Châu không chỉ đơn thuần là người dạy chữ, dạy nghề mà các thầy cô giáo còn là những người cha, người mẹ thứ hai của các em, chăm sóc cho các em từ miếng ăn đến giấc ngủ cũng như những sinh hoạt thường ngày. Ngoài đào tạo cho trẻ em khuyết tật, trong những năm qua trường còn mở được 3 khoá đào tạo nghề may công nghiệp cho 186 trẻ em nghèo và trẻ em lang thang hồi gia, sau đó giới thiệu các em với các công ty may đóng trên địa bàn tỉnh nhằm giúp các em có việc làm và thu nhập ổn định.
Những kết quả mà Trường phục hồi chức năng Khoái Châu trong những năm gần đây đã làm được cho trẻ khuyết tật là rất lớn. Tuy nhiên trường đang gặp khó khăn về đội ngũ cán bộ, giáo viên. Quy định một lớp của trẻ khuyết tật chỉ khoảng 10 đến 12 học sinh nhưng do số lượng giáo viên còn thiếu nên có lớp lên tới gần 20 em. Những người là bảo vệ, quản sinh và một số nhân viên khác phải làm việc ở trường 24/24 giờ nhưng chỉ được hưởng mức lương 400 nghìn đồng/tháng. Các em học tại trường đều được hưởng phụ cấp, tuy nhiên với mức 120 nghìn đồng/tháng cũng là điều mà cán bộ nhà trường phải tính toán.. Khó khăn là vậy nhưng các cán bộ, giáo viên nhà trường đã đoàn kết, cùng nhau khắc phục vượt qua. Tất cả đều vì tương lai của những trẻ em vốn đã chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Điều vẫn làm các cán bộ, giáo viên của trường còn băn khoăn day dứt là quy mô của trường hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của số trẻ khuyết tật tại 5 huyện phía bắc của tỉnh. Hàng năm còn nhiều cháu đến xin vào học tại trường nhưng không được nhận vì thiếu phòng học, thiếu giáo viên giảng dạy. Mong muốn của trường là tiếp nhận được tất cả trẻ khuyết tật, tạo cho các em có được một nghề ổn định để các em có thể tự tin trong cuộc sống.
Có thể nói Trường phục hồi chức năng Khoái Châu chính là “ngôi nhà” mơ ước, là nơi tìm lại nguồn hạnh phúc và là nơi gửi gắm tương lai của trẻ em khuyết tật. Niềm tin mà trẻ em khuyết tật gửi vào đây đã được cán bộ, giáo viên nhà trường đáp lại bằng tình thương yêu, bằng trách nhiệm phù hợp với đạo lý tương thân tương ái cũng như các chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Hy vọng rằng ngày sẽ ngày sẽ càng có thêm nhiều tương lai tốt đẹp mở ra với trẻ em khuyết tật qua ngôi trường thân yêu này.
Nguồn: Theo website của trường http://truongphcnkhoaichau.com