Tình thương chiến thắng bệnh đao

Đây là hội chứng không thể chữa khỏi được. Nhưng tình yêu thương lại chính là một phương pháp chữa bệnh diệu kỳ.

Cho đến nay, vẫn chưa có một kết luận khoa học nào về hiện tượng hàng chục người tại khu vực Ngã Sáu, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng mắc hội chứng Đao (Down). Riêng tại phố Võ Thị Sáu, một con phố nhỏ dài hơn 200m mà đã có đến 7 người mắc hội chứng này.

Đây là hội chứng không thể chữa khỏi được. Nhưng tình yêu thương lại chính là một phương pháp chữa bệnh diệu kỳ. Đó là trường hợp của chị Luyện Thu Hằng dưới sự chăm sóc, dạy dỗ của cả gia đình bà Sửu, ông Hàm (bố mẹ chị Hằng) khiến trí lực một người mắc bệnh Đao bẩm sinh như chị đã được cải thiện đáng kể.

Hằng là con gái út trong gia đình 8 anh chị em của ông bà Hàm. “Sinh ra đã bị bệnh nên cả nhà thương nó nhất nên bây giờ mới được thế này đấy” – Chị Hiền, chị cả trong nhà cười nói. Bị bệnh bẩm sinh, Hằng bị coi là khuyết tật và đương nhiên không được nhận vào học lớp 1. Thế là chị Hiền, giáo viên trường tiểu học Thái Phiên bắt đầu những năm tháng dạy vỡ lòng cho em.

Những năm 1990 là thời điểm kinh tế còn khó khăn, nhà bà Sửu cũng không khá giả gì, ai cũng vất vả trên con đường mưu sinh nhưng các anh chị vẫn dành thời gian dạy học cho Hằng. Bà Sửu, kể: “Khổ thân cái Hiền, dạy nó mấy năm trời lớp vỡ lòng, có cả sách vở hẳn hoi. Nhưng nó đã bị bệnh rồi nên học không vào. Nhất là chị cả Hiền, vất vả nhất nhưng lúc nào cũng thương em.

Nghe nó mắng làm cái Hằng khóc, tôi lại thấy tội quá”. Chị Hoa thì luôn coi Hằng là một “học sinh cưng”: “Dạy cái Hằng nhà mình còn sướng hơn bác Hiền dạy mấy học sinh hư ở trường. Nó học chậm thật nhưng rất chăm chỉ và thích học. Có điều, học hôm nay nhớ rồi, mai học bài khác lại quên luôn. Thế nên, cứ phải dạy đi dạy lại mới nhớ”.

Đến nay đã 27 tuổi, các anh chị không còn dạy học nữa nhưng ngày nào, chị Hằng cũng mang sách vở ra học bài. Chị làm việc này rất đều đặn, một ngày học 2 buổi vào sáng và chiều, mỗi buổi khoảng 1 tiếng đồng hồ. Chị cũng tự thưởng cho mình một ngày nghỉ vào Chủ nhật như các học sinh ở trường.

Dù không thể đánh vần tiếng Việt được nhưng chị Hằng cũng nhớ, đọc viết được hết bảng chữ cái và viết được một số từ đơn giản như tên mình, tên các anh chị và các đại từ xưng hô. Chị cũng có thể đọc số, làm các phép cộng đơn giản và thuộc cả bảng cửu chương.

Bà Sửu có vài chõ xôi, bán ở đầu Ngã Sáu để có đồng ra đồng vào cùng với phần lương hưu ít ỏi. Nhờ biết đọc số, đếm tiền mà Hằng có thể phụ giúp cho hàng xôi lúc nào cũng đông khách của bà. Ở khu này nhiều công nhân của nhà máy cá hộp (nhà máy đồ hộp Hạ Long – PV) rồi học sinh trường Sao Sáng nữa nên đông lắm. Nếu không có nó, chắc tôi phải thuê thêm người làm đấy” – bà Sửu khoe.

Đó là kết quả của việc chăm sóc, dạy bảo của gia đình ông bà Hàm. Cả nhà luôn tập cho Hằng ý thức tự lập, coi công việc là niềm vui và sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Trừ những lúc ốm đau, chị Hằng đều tự mình làm các công việc cá nhân và việc nhà như giặt giũ, rửa bát, lau nhà, phụ mẹ nấu cơm.

Vào những ngày cuối tuần, chị Hằng còn kiêm luôn nhiệm vụ làm bảo mẫu cho em bé mới 16 tháng tuổi là con chị gái. “Cái cò cái vạc cái nông/Ba con cùng béo vặt lông con nào…” – lời chị Hằng hát ru cho bé ngủ hay chính là những lời yêu thương của gia đình đã ngấm vào chị!

Ngọc Dung

Nguồn: Tiền phong online

Print Friendly, PDF & Email

Leave a Reply