
Thiêng liêng tình mẫu tử
Những chiều cuối tháng 10 thêm thật nhiều mưa do ảnh hưởng từ cơn bão số 11. Ai cũng vội vàng để chạy mưa, tránh mưa. Một nhóm phụ nữ đang dừng xe đứng trước cổng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tất tả chạy vào bên trong trường, nơi dãy nhà để xe cũ kỹ, nhưng dù sao cũng có mái che. Mưa, gió, trời sập tối, bụng đói, da lạnh tê tái nhưng họ vẫn đợi chờ, chờ hết giờ học, giờ luyện tập phục hồi chức năng của những đứa con thân yêu đang học tại trường này.
Đã thành lệ, cứ sáng sáng, một nhóm các bà mẹ dưới huyện, tận trong những xã nông thôn sâu chở con đến Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật để học, để được chăm sóc vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Có em bị câm điếc, khiếm thị, có em bị teo cơ, lại có em thiểu năng trí tuệ… Những người mẹ sáng sớm đưa con đến trường, và trước đó phải đỏ đèn nấu cơm, chuẩn bị thức ăn cho vào cặp lồng mang theo. Đến trưa, cho con ăn, chăm sóc, dặn dò con, rồi đến chiều họ lại chờ đợi lúc con tan học để rước về nhà. Tuần vài ngày, cứ thế, cứ thế trôi qua… Cảnh mẹ nghèo, con khuyết tật song tình mẫu tử có bao giờ phai, ngược lại càng sâu nặng, âm thầm, bền bỉ, để mẹ bù đắp cho con những gì không công bằng của tạo hoá.
Trong những người sống quanh ta, có nhiều bà mẹ như vậy. Những người mẹ của miền quê thôn dã, nghèo khó, tần tảo, trái tim giàu lòng trắc ẩn với bao nỗi lo toan đời thường trong những hoàn cảnh không bình thường. Con khuyết tật vẫn là con của mẹ! Con khuyết tật nhưng tình mẹ và sự hỗ trợ của xã hội sẽ giúp con hoà nhập cộng đồng, biết đứng lên từ nghịch cảnh, để sống và không ngừng khát vọng về những điều tốt đẹp.
Người xưa có câu “Mẫu tử tình thâm”, tức ý nói tình mẹ con sâu nặng vô ngần. Đó là giá trị nhân văn trong truyền thống đạo lý dân tộc và gia đình Việt. Người mẹ luôn là thần tượng, điểm tựa cho con cái. Mỗi lần nghe ca khúc “Mẹ yêu” vang lên da diết, ta càng thấm thía những gì mà mẹ đã nặng lòng hy sinh thầm lặng vì ta:
Dắt con đi qua bao nỗi đau là mẹ yêu./Tiếng con yêu gọi tới suốt đời là mẹ yêu./Mẹ đừng mãi ra đi cho con mồ côi, ơi mẹ yêu.
Lễ Vu Lan báo hiếu đã đi qua từ lâu, nhưng dịp tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam không dừng lại ở một ngày. Vẫn rất có thể, khi các em khuyết tật được học, chăm sóc tại trường dành cho trẻ em không lành lặn, đến một thời điểm trong đời,
các em không chỉ khoẻ lên về thể chất, mà còn “ngộ” ra những điều thiêng liêng và mong muốn thể hiện tình cảm của người con với mẹ. Các em khuyết tật tự hào mà cài lên ngực áo của mình đoá hoa hồng tươi thắm để “thông điệp” đến mọi người: “Con là người hạnh phúc bởi vẫn có mẹ trên đời!”.
Tình mẹ có sức mạnh, khai tâm, khai đức cho con cái và cả bao người đời trong xã hội. Mạnh mẽ trong sự bền bỉ, nhân ái và bao dung, khả năng chịu đựng vô bờ bến là những giá trị bền vững của người phụ nữ đã tạo nên khả năng làm “nội tướng” và chỗ dựa của cả gia đình.
Hình ảnh những bà mẹ đưa con khuyết tật đến trường học buộc chúng ta phải suy nghĩ. Ở đây, không chỉ là tấm gương soi về tình mẫu tử mà còn là ngọn lửa vô hình giữa đời thường mà mỗi người mẹ muốn thắp lên ý chí tiến thủ của con phải tiến bước trên con đường học vấn. Cái chữ, tri thức và ngọn lửa hy vọng mãnh liệt vươn lên có thể làm thay đổi số phận con người. Có nhiều trang sách làm thay đổi cuộc đời bao người. Trang sách cuộc đời mà các bà mẹ có con khuyết tật đang sống quanh ta chính là trang sách cần đọc, phải đọc đầu tiên khi trong cuộc sống ta hụt hẫng, ta mệt mỏi và cả những điều thiệt thòi không tên, không tuổi… Trong một trang sách, ai đó đã từng viết với ý rằng: hình như khi con người ta phải bị mất mát điều gì đó thiêng liêng thì mới hiểu rằng những gì được coi là bình thường là có giá trị đến nhường nào!
Lê Hải
Nguồn: www.baodongkhoi.com.vn