
P.A – Hơn cả một nghề nghiệp
Khôi Nguyên
Đối với nhiều bạn trẻ , nghề PA không đơn thuần chỉ là một công việc để kiếm sống mà hơn thế nữa công việc này còn mang đậm tính nhân văn sâu sắc mà không phải ai cũng đủ sức để thử.
Các bạn PA thực hành giúp người khuyết tật đi chợ (Nguồn: Khôi Nguyên)
Nghề của những người trẻ nhiệt huyết
PA (Personal Assistant)- người hỗ trợ cá nhân là một nghề khá phổ biển trên thế giới. Ở Anh, tổ chức Những lựa chọn sống độc lập (ILA) được thành lập từ tháng 5/1989 nhằm cung cấp những dịch vụ hỗ trợ cá nhân đa dạng cho người khuyết tật. ILA kêu gọi các tình nguyện viên giúp đỡ những người khuyết tật trong cuộc sống hàng ngày.
Adolf Ratzka, giám đốc của học viện Sống độc lập (ILI) tại Thụy Điển từng chia sẻ về việc sống chung với những PA trong những bài viết của mình về Đạo luật trợ giúp cá nhân của Thụy Điển năm 1994. Ông viết: “Những người hỗ trợ của tôi giúp tôi đi mua sắm, giặt giũ, làm những công việc sửa chữa lặt vặt về ô tô và ở quanh nhà, làm vườn,…- nói chung là tất cả mọi việc mà tôi có thể tự làm nếu tôi không phải là người khuyết tật.”
Ở Nhật Bản, nghề PA đã phát triển khá mạnh mẽ. Đó cũng là cơ sở để quỹ từ thiện Nippon của Nhật Bản tài trợ cho dự án Sống độc lập của Trung tâm Sống độc lập của người khuyết tật Hà Nội. Trung tâm cung cấp miễn phí các PA tới từng người khuyết tật nặng ngay tại gia đình họ.
Anh Nguyễn Thế Cương- nhân viên điều phối người hỗ trợ của Trung tâm Sống độc lập của người khuyết tật Hà Nội cho biết: “PA là một nghề khá mới mẻ ở Việt Nam. Dự án Sống độc lập được hình thành từ tháng 1/2009, cho đến nay đã có khoảng hơn 80 bạn trẻ tham gia vào công việc hỗ trợ cá nhân cho người khuyết tật.”
Nghề của tình thương và trách nhiệm
Để chọn được những người tâm huyết với nghề PA quả thật không dễ dàng. Anh Nguyễn Thế Cương nói: “Công việc lựa chọn tình nguyện viên khá kĩ càng. Khác biệt với các nghề nghiệp khác, các PA cần có sự nhiệt tình và phải có sự cảm thông sâu sắc với những người khuyết tật.”
Sau khi được lựa chọn, các bạn trẻ sẽ được tham gia một khóa tập huấn nhằm trang bị những kỹ năng và kiến thức cơ bản để hỗ trợ người khuyết tật như cách hỗ trợ người khuyết tật nặng thuộc các dạng tật khác nhau, cách sử dụng xe lăn, cách hỗ trợ người khuyết tật ở trong nhà như hỗ trợ nấu nướng, sắp xếp và dọn dẹp nhà cửa, sinh hoạt cá nhân, và cách đi lại trên đường…
Nguyễn Thị Thương- một bạn trẻ đã gắn bó với nghề PA được gần 2 năm chia sẻ: “Là nữ giới làm nghề PA cũng hơi vất vả một chút vì đôi khi phải khiêng xe lăn hoặc bế người khuyết tật thì cần phải có sức khỏe, tuy nhiên khi đã quen rồi thì không có vấn đề gì.”
Nguyễn Đình Lâm- một PA tại trung tâm Sống độc lập cũng tâm sự rằng nghề PA là một nghề khá ý nghĩa. Lâm bồi hồi kể lại: “Ngày hôm đó là ngày giỗ bố của người khuyết tật mà tôi trợ giúp. Mộ của ông nằm ở trên một ngọn đồi và phải đi khoảng 30 bậc thang mới lên đến đó được. Những lần giỗ trước, người khuyết tật chỉ ngồi trên xe lăn dưới chân đồi. Hôm đấy, tôi cùng với người chú của người khuyết tật đó đã cố gắng hết sức để đưa cả người và xe lăn lên đỉnh đồi để người đó thắp hương cho cha. Mặc dù, tay tôi bị phồng rộp vì khiêng quá nặng nhưng trong lòng tôi rất vui. Có lẽ khoảnh khắc đó sẽ theo tôi và người tôi trợ giúp mãi mãi trong cuộc đời này.”
Có nhiều người cho rằng công việc này vẫn chỉ là một công việc mang tính chất tình nguyện nhưng Đình Lâm đã khẳng định rõ ràng: “PA là một nghề, chứ không chỉ đơn thuần là công việc tình nguyện. Bạn phải tuân theo các nguyên tắc nghề nghiệp và phải có trách nhiệm với công việc của mình. Đặc biệt, với nghề PA, bạn phải đáp ứng bất cứ nhu cầu nào mà người khuyết tật đưa ra, vì thế nguyên tắc nghề nghiệp lại càng khó khăn và cần phải có qui định và nguyên tắc làm việc rõ ràng.”
Nghề vẫn còn bấp bênh
Hiện tại, các bạn trẻ làm nghề PA được trả từ 11 nghìn đến 13 nghìn đồng cho mỗi tiếng làm việc. Đối với những sinh viên coi công việc này như một công việc làm thêm thì mức thu nhập này tạm ổn, nhưng với những người muốn gắn bó lâu dài với nghề này thì mức thu nhập như thế cũng thật khó để họ sống bằng nghề.
Thêm vào đó, đây chỉ là một dự án do quỹ từ thiện Nippon cam kết hỗ trợ trong ba năm. Liệu sau khi dự án kết thúc, những PA có tiếp tục công việc của mình? Trả lời cho câu hỏi này, Nguyễn Thị Thương cho biết điều đó còn phụ thuộc xem là người khuyết tật đến lúc đó còn cần mình hay không hoặc phải xem có nguồn ngân sách nào đó để hỗ trợ công việc này.
Anh Thế Cương cũng chia sẻ thêm: “Nếu dự án kết thúc, không còn PA giúp đỡ nữa, người khuyết tật có thể sẽ gặp phải tai nạn thêm một lần nữa vì PA được xem là chân, tay của người khuyết tật.”
Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các bạn trẻ đang làm PA vẫn tin tưởng rằng nghề PA sẽ ngày càng phát triển và nếu có thể họ sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi công việc này. Đình Lâm nói: “Tôi chắc chắn sẽ tiếp tục công việc này nếu có thu nhập tương đối vì đây là công việc rất có ý nghĩa cho người khuyết tật nói riêng và cho toàn xã hội.”
Nguồn: bayvut.com.au