Nơi đầy ắp tình thương

Nghề gõ đầu trẻ luôn có biết bao vất vả nhưng dạy các em bại não, thiểu năng trí tuệ còn khó khăn hơn bội phần. Nếu không có tình yêu thương con trẻ vô bờ thì người trong cuộc khó mà trụ lại. Đó là câu chuyện ở Trường Chuyên biệt hy vọng, tọa lạc đường Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn.

CÒN MÃI MỘT TÌNH YÊU

Thầy Trần Gia Tín – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết, ngôi trường đặc biệt này mới được thành lập ba năm, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, được nâng cấp từ trường dạy nghề. 82 học sinh khiếm thính và thiểu năng trí tuệ được chia làm 12 lớp. Thấy tôi đăm chiêu trước những tên lớp như 1(3), 1(4)…, thầy Tín giải thích: “Đó là ba, bốn năm mà các em chỉ học được trình độ lớp 1, không đủ kiến thức để học lên lớp 2…”.

Biết tôi có ý định muốn dự một tiết dạy học sinh thiểu năng trí tuệ, thầy Tín chỉ tôi vào lớp 1(3) của cô giáo Võ Thị Thu Thủy. Trông thấy người lớn, các em học sinh đồng loạt đứng dậy hô vang: “Chào anh ạ!” rất lễ phép. Khi lớp trưởng nói: “Mời các bạn ngồi” thì các em mới ngồi xuống như ở các lớp học thông thường. Cô Thủy đang dạy bài học về nhận biết về các loại trái cây như: trái cam, trái quýt, trái bưởi…

Tiết dạy cho các em thiểu não

Cầm trên tay trái cam, cô Thủy hỏi một em học sinh tên Khánh, 15 tuổi, bị down: “Trái này là trái gì?”. Ánh mắt thẫn thờ nhìn ra phía cửa lớp, Khánh gãi đầu trả lời: “Thưa cô, là… trái… da… xù… xì… ạ!”. Giảng lại một hồi cho Khánh hiểu, cô Thủy đặt tiếp câu hỏi cho cả lớp. Bỗng có một cánh tay giơ cao, cô Thủy mời em này trả lời. “Cô cho con đi… toilet ạ!” – Khoa, tên cậu trò cao khoảng 1m60 hét to. Khoa nói xong thì nhiều bạn trong lớp cũng giơ tay đòi đi vệ sinh trong giờ học. Quá quen thuộc với cảnh này, cô Thủy nhoẻn miệng cười rồi nói: “Các con được nghỉ 10 phút nhé!”. Dù nhiều em to xác như đàn ông nhưng cũng đồng thanh như trẻ nít: “Cảm ơn cô!”.

Thấy vẻ ái ngại của tôi, cô Thủy thật thà: “Dạy các em thiểu năng vất vả hơn nhiều so với học sinh thông thường anh à. Nhiều khi các em tập trung thì trả lời đúng, còn nếu lơ đễnh là nói sai ngay. Có em không thèm trả lời mà còn đòi… đi chơi, hay… cãi giáo viên. Lúc đầu đứng lớp tôi phát khóc luôn. Nhưng nghĩ lại các em đáng thương quá, tính khí lại bất ổn nên phải giảng lại cho các em vài lần nữa, đến khi các em hiểu bài mới thôi. Làm nghề này mà không hiểu tích cách từng đứa, không vỗ về, an ủi thì các em sẽ không hiểu bài được đâu!”.

YÊU NGHỀ, MẾN TRẺ

Cô giáo Thủy kiêm tổng phụ trách đội cho biết, tốt nghiệp đại học sư phạm nhạc, chị về làm giáo viên ở huyện An Nhơn. Chồng là bộ đội ở xa nhà, thời gian chăm sóc con không nhiều nên chị quyết định xin vào dạy ở trường chuyên biệt từ hai năm nay. Ngoài tốt nghiệp đại học sư phạm, chị phải học qua một lớp sơ cấp dạy bằng ký hiệu cho học sinh thì mới được tuyển dụng vào trường. 

Lớp học thiểu năng

“Càng tiếp xúc càng thương các em nhiều hơn. Do không tự nhận thức được nên nhiều em đi vệ sinh mà cô giáo phải lo luôn” – cô Thủy tâm sự. Cô Thủy nhớ nhất là sau cơn mưa nọ, đất bồi lên gốc cây. Ngỡ là nấm mộ, một học sinh bị down bứt ba cọng chổi để làm… cây nhang và chắp tay cúng. Một cậu bạn em liền chạy tới… hát vang bài: “Chúc mừng sinh nhật”. Chứng kiến cảnh tượng đó, khóe mắt cô Thủy ngân ngấn nước.

Cô Thủy giới thiệu với chúng tôi về những hoàn cảnh học trò đáng thương mà cô biết rất rõ. Đó là em Nguyễn Thị Thu Hương, 16 tuổi, nhà ở Quy Nhơn, học lớp 1 (4) bị hội chứng down, mẹ mất sớm, cha gần 80 tuổi, gia đình khó khăn nhưng vẫn rất ham học. Chung hoàn cảnh với Hương là em Trần Cẩm Ly, học sinh lớp 2. Ba Ly mất sớm, mẹ em phải tần tảo lao động để nuôi em.

Nhiều em khiếm thính ở tận xã đảo Nhơn Lý, phải vượt cầu Nhơn Hội để đến lớp. Dù nắng hay mưa, các em đều đòi cha mẹ đưa đến trường để học tập, vui đùa, vì ở nhà các em thường không có bạn bè.

Cô giáo Nguyễn Thị Sáu, 53 tuổi, gắn bó với trường từ ngày thành lập thì nói: “Giáo viên phải thương học sinh như con cháu ở nhà thì mới đồng cảm và hiểu ý của các em. Nhiều em đã ở tuổi thanh niên, lớn xác nhưng vẫn thích chơi với… đất cát, chờ ba mẹ đến đón muộn. Nhìn chúng vô tư, hồn nhiên như trẻ nít, chúng tôi lại thắt lòng”.

Tốt nghiệp khoa giáo dục đặc biệt, cô giáo Phan Thị Mỹ Linh đã tình nguyện xin về dạy tại trường từ khi mới thành lập. Nhà ở xa trường nhưng điều đó không làm chị bớt đi tình yêu học trò. “Với học sinh khiếm thính thì giáo viên phải nhẫn nại, dùng dụng cụ trực quan và tôi luôn tìm tòi, nghiên cứu cách dạy sao cho học sinh dễ tiếp thu nhất”.

Trường hiện có hai cô nuôi là Nguyễn Thị Thanh Thảo (63 tuổi) và Nguyễn Thị Thanh Hồng (35 tuổi) chuyên nấu ăn và lo giấc ngủ cho các em. “Cũng may nhờ trời thương nên con cái giáo viên đều khỏe mạnh và thông minh” – cô Hồng tự hào nói.

Tạm biệt các giáo viên ở một ngôi trường đầy ắp tình thương, chúng tôi vẫn còn nghe ê a tiếng đọc bài của các em nhỏ có hoàn cảnh bi đát từ thuở còn thơ.

AN HÒA

Nguồn : Công An TPHCM

Print Friendly, PDF & Email

Leave a Reply