Những lễ khai giảng “đặc biệt” ở Thủ đô

Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường đã đến thật gần. Không khí chuẩn bị cho ngày khai giảng đã rộn rã khắp các ngôi trường trong cả nước. Ai cũng mong các em có một ngày khai trường đáng nhớ.

Dù chưa một lần biết đến âm thanh cuộc sống nhưng những đứa trẻ khiếm thính vẫn đón nhận cuộc sống với nụ cười luôn tươi rói trên môi.

Dù chưa một lần biết đến âm thanh cuộc sống nhưng những đứa trẻ khiếm thính vẫn đón nhận cuộc sống với nụ cười luôn tươi rói trên môi.

Hòa trong niềm vui chung đó, các trường chuyên biệt trên mọi miền đất nước cũng háo hức chuẩn bị cho lễ khai giảng “đặc biệt” cho riêng mình. Ấn tượng không phải sự rực rỡ cờ hoa, trống kèn rộn rã mà là chính ở mỗi em học sinh, dù không lành lặn may mắn nhưng vẫn khao khát đến trường.

Hát Quốc ca bằng “tay”

Sân trường Trường PTCS Hy Vọng (Long Biên, Hà Nội) giờ ra chơi không thấy tiếng ồn ã cười đùa như những ngôi trường khác mà thay vào đó là những cử chỉ thoăn thoắt trên đôi bàn tay đã thuần thục như múa của nhiều học sinh, những nụ cười không cất thành tiếng nhưng luôn rạng rỡ trên khuôn mặt những đứa trẻ khuyết tật nơi đây.

Chỉ còn hơn chục ngày nữa những đứa trẻ Trường PTCS Hy Vọng sẽ chính thức bước vào năm học mới. Mấy ngày nay, cô Trần Thị Minh Thảo, Phó hiệu trưởng nhà trường cùng nhiều giáo viên khác đang tất bật “soạn lời” bài hát và uốn nắn từng động tác giúp những học sinh khiếm thính của mình có tiết mục múa, hát “bằng tay” để có thể vui chung với không khí chào mừng năm học mới trên cả nước.

Trường chỉ có 75 cháu nhưng tất cả đều là học sinh khuyết tật. Những đứa trẻ từ câm điếc đến trí tuệ chậm phát triển ấy có thể không hiểu hết ý nghĩa của ngày khai giảng nhưng đều tỏ ra rất vui khi được tham gia múa hát. “Trường dạy trẻ đặc biệt nên sẽ khai giảng muộn hơn các trường khác. Ở đây, các con không thể có những nghi thức thường thấy trong lễ khai giảng vì mỗi lớp chỉ có 6-12 em và theo được các hoạt động tập thể cũng rất khó khăn”, cô Minh Thảo cho hay.

Học sinh ở đây, để ra trường được, em sớm nhất cũng phải mất 8 năm. Phải mất tối thiểu 2 năm, các em mới học xong chương trình lớp 1; học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 thì cứ 3 năm 2 lớp. Tiêu chí học ở đây là học đến khi có khả năng tiếp thu cái mới thì sẽ lên lớp. Có những học sinh học đến 4-5 năm ở lớp 1.

Các con không nghe được âm thanh nên để hát đúng theo nhạc, gần như cô cũng múa theo để các con vào đúng nhịp. Tuy có nhiều hạn chế trong học tập nhưng trong hoạt động tập thể các con rất tự tin, cô Phạm Thị Minh Thủy, giáo viên đã có 12 năm “lăn lộn” cùng trẻ khuyết tật chia sẻ.

Mọi năm các em khiếm thính chỉ biểu diễn tiết mục múa, năm nay ngoài hát Quốc ca “bằng tay” sẽ thêm nhiều bài hát khác được các em biểu diễn, bởi vậy các thầy cô đang xây dựng lời bài hát bằng ký hiệu ngôn ngữ giúp các em thể hiện. Để cho tất cả học sinh được tham gia hoạt động như nhau, các tiết mục múa hát này còn có sự tham gia của cả trẻ thiểu năng trí tuệ. Vậy là ngoài những ngôn ngữ “hát” bằng tay của trẻ khiếm thính còn có giọng hát ngọng ngịu, tuy khó nghe nhưng tỏ rõ niềm vui thích của những trẻ trí tuệ chậm phát triển.

Cô Trần Thị Minh Thảo tâm sự: Chính niềm vui chân thật của các em khiến các thầy cô trong nhà trường bớt đi những vất vả, lo toan và cũng chính các em đã truyền thêm lửa cho khởi đầu năm học mới.

Có thể các em không hiểu hết ý nghĩa của ngày khai giảng nhưng vẫn háo hức đón chờ

Những đôi mắt “tối” khát khao tới trường

Chưa bao giờ lễ khai giảng của Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có đầy đủ học sinh đến dự, vì đơn giản rất nhiều em ở đây chỉ đến trường buổi tối còn ban ngày lo chật vật mưu sinh. Ngày khai giảng không chỉ có những khuôn mặt lứa tuổi học sinh mà ở đây có đủ mọi độ tuổi, có người tuổi đến 40 vẫn hằng ngày cắp sách tới trường.

Giám đốc Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố, Phạm Đức Nam cho biết: Trong số gần 500 học sinh thuộc mọi lứa tuổi, mọi cấp học, Trung tâm hiện có 68 học sinh là người khiếm thị. Tuy là quận trung tâm nhưng việc tuyển sinh rất khó khăn mà yêu cầu nhiệm vụ là phải đáp ứng mọi nhu cầu học tập của học viên. Địa bàn quận thành phần dân cư đa dạng, có nhiều người từ các tỉnh khác đến sinh sống. Có những trẻ em bố mẹ thiếu quan tâm nên sa vào tệ nạn nghiện hút hoặc phải đi bán nước, đánh giầy, thậm chí đi xin ăn… Chúng tôi đã từng đón các em ở khu Phúc Tân đến bãi giữa sông Hồng về học.

Trung tâm có nhiều đối tượng học sinh đặc biệt, nhiều em vì hoàn cảnh khó khăn, đã quá tuổi đến trường nhưng ngày ngày vẫn đi làm, tối lại đến trường học… Nhiều em trở thành bài học chân thực và sống động cho học sinh ở đây bởi nghị lực vượt khó, như học sinh Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1970, mù 2 mắt, cụt cả 2 tay nhưng vẫn quyết tâm tới trường và học rất giỏi, đã được thành phố tuyên dương; học sinh Đỗ Thị Vân, sinh năm 1989, từ tỉnh ngoài lên Hà Nội lập thân, cả ngày làm phụ việc trong một trường tiểu học, cuộc sống rất khó khăn nhưng vẫn giành giải Nhì toàn quốc cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay Casio, giải Nhất thi Toán cấp thành phố khối GDTX và em đã thi đỗ vào Trường ĐH Thương mại với điểm số khá cao…

“Dường như trời không lấy của ai hết cái gì, các học sinh khiếm thị đều có năng nhiếu đàn hay, hát giỏi và rất lãng mạn. Và đặc biệt, trong họ có sự khát khao được đến trường, được học tập rất mãnh liệt”, chị Lê Thu Hương, Phó giám đốc Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố chia sẻ.

Gắn bó với Trung tâm ngay từ khi mới tốt nghiệp đại học, giờ sắp đến tuổi nghỉ hưu, chị Lê Thu Hương vẫn không thể quên lần tổ chức khai giảng riêng cho học sinh khối khiếm thị. Bởi, đó là lúc chị gặp cậu học trò Khúc Hải Vân sau này là người sáng lập Trung tâm tin học Tia sáng dành cho người khiếm thị. “Ở Vân có một nghị lực và hoài bão đáng khâm phục. Vân đã mạnh dạn đứng lên phát biểu khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về thăm trường rằng, những học sinh khuyết tật như em luôn khao khát được học tiếp ở bậc học cao hơn. Tuy nhiên, nhiều thế hệ anh chị đi trước đã đến gõ cửa các trường ĐH nhưng đều nhận được câu từ chối. Có lẽ chính sự mạnh dạn của Vân đã tác động lớn đến Bộ trưởng nên khoảng một tháng sau đã có quyết định một số trường ĐH tuyển học sinh khiếm thị.”

Ngần ấy năm dạy khối khiếm thị, đôi khi tôi cảm nhận không phải mình dạy học sinh khiếm thị mà chính họ đã dạy mình sự nỗ lực và muốn sống cuộc đời đạo lý hơn, chị Lê Thu Hương tâm sự.

Lễ khai giảng có thể thiếu những ánh mắt học trò long lanh, những tiếng nói cười rộn rã, những bộ đồng phục…nhưng có lẽ đối với các em học sinh ở những ngôi trường chuyên biệt, ngày đó vẫn luôn thật thiêng liêng và đầy háo hức.

Nguồn: http://www.xaluan.com

Print Friendly, PDF & Email

Leave a Reply