
Những hoạt động theo phương pháp Montessori cho trẻ từ hai tuổi trở lên (Phần1)
Montessori: Phương pháp dạy trẻ của nhà giáo dục Ý Maria Montessori (1870-1952) giúp trẻ phát huy sáng kiến và năng lực thay vì nhồi nhét kiến thức.
Bài viết này chúng tôi trân trọng giới thiệu một số hoạt động Montessori phù hợp với các bé lên hai và lớn hơn.
1. Tắm cho búp bê
Một trong những hoạt động khiến trẻ thích thú là việc tắm cho búp bê. Đó là một phần của thực hành hoạt động theo phương pháp Montessori. Nếu bạn thực hành hoạt động này tại nhà, bạn hãy chắc chắn là bàn nước tắm/chậu tắm đặt trên nền đất hoặc sỏi vì nếu bạn đặt trên nền cỏ thì cỏ sẽ chết vì nước xà phòng. Mặt khác, bạn cũng nên sử dụng loại xà phòng tắm không làm cay mắt em bé, để khi nước có bắn tung tóe ra ngoài, bắn vào mắt con bạn thì mắt cháu cũng không bị cay.
Bạn có thể cho bé làm những hoạt động tương tự như đánh răng cho búp bê, chải tóc cho búp bê, v..v.
2. Tắm cho gấu bông
Thời gian hoạt động: 15 phút
Thời gian chuẩn bị: 5 phút
Mục tiêu:
- Dạy trẻ quan tâm đến người khác
- Dạy trẻ biết tên của từng bộ phận trên cơ thể
Dụng cụ:
- Gấu bông hoặc búp bê
- Xà phòng giặt
- Chậu tắm nhỏ (hoặc chiếc giỏ nhựa)
- Nước
- Sữa tắm
- Cho một chút sữa tắm vào chậu tấm và hòa tan sữa tắm cho đến khi có bong bóng nổi lên.
- Đặt chú gấu bông vào chậu tắm.
- Dạy bé cách tắm cho gấu bông.
- Cho bé thử tắm cho gấu bông.
Lời khuyên:
- Để tạo hiệu quả hơn nữa cho hoạt động thì trong khi con bạn tắm cho gấu bông, hãy yêu cầu bé gội đầu rửa tay, chân và tai, nhờ đó, con bạn sẽ được thực hành về tên gọi của các bộ phận trên cơ thể.
- Bạn lần lượt chọn từng bộ phận cơ thể của gấu bông để kỳ cọ, hãy hỏi con bạn tên từng bộ phận cơ thể.
3. Cọ rửa đồ chơi
Thời gian hoạt động: 15 phút
Mục tiêu:
- Dạy trẻ biết quan tâm đến đồ vật
Dụng cụ:
- Một chiếc chậu thau đựng nước
- Đồ chơi để chuẩn bị rửa
- 1 chiếc bàn chải
- Kem tắm
Hướng dẫn hành động:
- Cho một chút sữa tắm vào chậu tấm và hòa tan sữa tắm cho đến khi có bong bóng nổi lên.
- Cho đồ chơi vào chậu để cọ rửa
- Dạy bé cách cọ rửa đồ chơi, bạn vừa làm cùng bé vừa nói với bé đó là việc cọ rửa đồ chơi.
- Khuyến khích bé tự làm
Tương tự với việc cọ rửa đồ chơi, bạn hãy hướng dẫn bé cách rửa chén, đĩa như hình vẽ dưới đây
4. Cài khóa thắt lưng
Thời gian hoạt động: 5 phút
Mục tiêu:
- Dạy kỹ năng vận động
- Dạy khái niệm về cài khóa một cách logic và cụ thể
Dụng cụ:
- Một chiếc thắt lưng (dây lưng) cũ có khóa bằng nhựa
- Một đồ vật nào đó để khóa lại được như là một chiếc gối hoặc một tấm nệm.
Chỉ dẫn:
- Chỉ cho con bạn cách mở khóa và cài khóa lại xung quanh một tấm nệm (như hình vẽ)
- Khuyến khích con bạn thử làm.
Lưu ý:
Hãy giám sát trẻ một cách chặt chẽ vì chiếc thắt lưng dài có thể gây nguy hiểm cho bé.
Bạn cũng có thể giúp bé luyện tập những kỹ năng vận động tương tự như cài cúc một chiếc váy hoặc áo. Tuy nhiên, tùy vào độ khéo tay của các bà mẹ mà bạn có thể sáng tạo ra một chiếc khuy áo ngộ nghĩnh và hướng dẫn bé cài khuy như hình vẽ.
5. Sắp xếp bàn ăn
Thời gian hoạt động: Từ 5-15 phút
Thời gian chuẩn bị: 5 phút
Mục tiêu:
- Nhằm giúp trẻ có thói quen sắp xếp bàn ăn trong thời gian ăn.
- Giúp trẻ phục vụ người khác
Dụng cụ:
- 2 mảnh khăn hoặc giấy trải bàn ăn (nhìn hình vẽ bên để biết cách làm)
- 2 chiếc đĩa
- 2 chiếc nĩa
- 2 chiếc dao ăn
- 2 chiếc cốc
- 1 con gấu đồ chơi
Hướng dẫn hoạt động:
- Chỉ cho con bạn cách sắp xếp bàn ăn. Bạn có thể mong muốn làm điều này theo đúng phương pháp Montessori bằng cách đánh dấu (vẽ) vị trí của từng đồ vật lên trên mảnh khăn hoặc mảnh giấy.
- Khuyến khích con bạn làm điều này cho “khách” của bé.
Cách làm mảnh giấy trải bàn:
- Trên tờ giấy A4, dùng bút chì để vẽ hình của chiếc đĩa, cốc, nĩa và dao (nếu bạn làm giấy trải bàn cho người lớn thì bạn nên sử dụng giấy A3.)
- Sử dụng bút dạ để tô đậm viền ngoài của hình bạn vẽ bằng bút chì.
- Phô tô lại tấm giấy để sử dụng và sau mỗi bữa ăn bạn nên bỏ đi tấm giấy ăn đã được sử dụng trong bữa ăn.
Tương tự, bạn cũng có thể hướng dẫn trẻ trải và cuốn tấm trải bàn ăn của Nhật.
Traimoxanh sưu tập và dịch, đề nghị dẫn link nguồn khi sử dụng bài dịch.