
Nhịp cầu trái tim và trách nhiệm
Tôi đứng lặng ở cửa lớp C4, trường Tiểu học Chuyên biệt Tương lai (TP Đà Nẵng) nghe cô giáo Trương Thị Ngọc Hà giảng bốn câu ca dao nằm lòng một thuở “Bồng bồng mẹ bế con sang – Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo – Muốn sang thì bắc Cầu Kiều – Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
Thành phố Đà Nẵng hiện có hai ngôi trường dành riêng cho trẻ khuyết tật là Trường tiểu học Chuyên biệt Tương Lai và Trường phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Khác với những học sinh bình thường, các em học sinh ở đây sớm phải mang trong mình một khiếm khuyết như đa tật, khiếm thị, khiếm thính, tự kỷ, bệnh down.
Trường Chuyên biệt Tương Lai nằm bình yên trên con phố tấp nập của quận trung tâm thành phố Đà Nẵng. Bước vào đây, tôi như lạc hẳn vào một thế giới của những tâm hồn trẻ thơ trong sáng đến bất ngờ. “Chúng con chào cô ạ”, các em đồng loạt vòng tay chào tôi lễ phép. Rồi rất tự nhiên, các em ngồi lại quanh tôi, hỏi nhiều câu vu vơ, nói những điều chợt nghĩ, rồi cười vui thăm hỏi như đã rất thân quen. Gắn bó mười bảy năm với mái trường này. Cô giáo Trương Thị Ngọc Hà chủ nhiệm lớp C4, trường TH Chuyên biệt Tương Lai xúc động:
– Mỗi em ở đây là một thế giới. Hạnh phúc nhất của chúng tôi là bắc được một nhịp cầu vào trái tim các em, từ đó, dạy các em những điều nhỏ nhất trong cuộc sống, giúp các em có được một nụ cười.
Lớp C4 của cô Hà có mười sáu học sinh, tuổi từ 15 đến 16. Tuổi đời rất lớn nhưng tuổi trí tuệ lại như một đứa trẻ, học đâu quên đó, nhớ đó rồi quên. Cô Hà kể suốt gần mười bảy năm qua, từ khi trường này mới bắt đầu thành lập, cô là một trong những giáo viên đầu tiên đến tận từng gia đình có con em bị khiếm khuyết, vận động gia đình đưa con tới trường.
Cô Hà nhớ lại: “Có những hôm đi mất cả ngày, tối về nằm khóc vì không vận động được gia đình nào. Nhưng tôi vẫn không bỏ cuộc. Bây giờ các gia đình đã tự tìm đến trường. Họ đã bớt phần nào mặc cảm, đã cùng nhà trường chăm sóc, dạy dỗ, phục hồi chức năng cho các em”.
Có không ít giáo viên trẻ khi về trường không thể trụ lại, vì áp lực công việc và cả áp lực gia đình. Một giáo viên nữ trẻ rất tâm huyết với nghề, sau một thời gian công tác, khi sắp lập gia đình, gia đình chồng lại không cho phép cô tiếp tục công tác vì sợ ảnh hưởng đến chuyện con cái.
Đối với các giáo viên trường chuyên biệt, ngoài giáo trình dạy học bình thường, còn có một giáo trình khác rất quan trọng đó là tấm lòng bao dung, khen nhiều hơn chê, thưởng nhiều hơn phạt. Không nhiệt tâm, nhẫn nại thì không bao giờ thành công.
Trường TH chuyên biệt Tương Lai hiện có 40 cán bộ, giáo viên, 167 học sinh với 18 lớp, trong đó có 63 em được các tổ chức, các nhà hảo tâm tài trợ học bổng toàn phần. Cô giáo Trần Bích Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã có chính sách hỗ trợ kịp thời nhằm tạo điều kiện cho giáo viên yên tâm công tác, hàng năm trường đều tổ chức tập huấn cho giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng về nuôi dạy trẻ khuyết tật, hòa nhập cộng đồng.
Không chỉ có giáo viên nữ, nhiều giáo viên nam cũng chọn gắn bó với học sinh trường chuyên biệt. Phan Văn Tính, giáo viên chủ nhiệm lớp C1.A, trường TH Chuyên biệt Tương Lai đã chọn nghề vì “cái duyên”thời sinh viên. Tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, Tính đã nhiều lần được tiếp xúc với các em học sinh khuyết tật, trẻ em nhiễm chất độc da cam/ đi ô xin, từ nỗi sợ hãi ban đầu, nhưng rồi tất cả đã biến thành tình yêu thương, sẻ chia và gắn bó. Tốt nghiệp Khoa giáo dục đặc biệt, trường Cao đẳng sư phạm Trung ương Nha Trang từ năm 2009, Tính đã tình nguyện về đây công tác. Tâm sự của Tính cũng là sự trăn trở của hầu hết giáo viên: “Dạy kiến thức cho các em đa tật, tự kỷ rất khó. Em phải học hỏi kinh nghiệm của các giáo viên lớn tuổi đi trước để có thêm niềm tin, sức mạnh vào công việc mình đã chọn. Chỉ mong các gia đình có con em khuyết tật cùng phối hợp chặt chẽ hơn với giáo viên, nhà trường để cùng hỗ trợ các em về kiến thức, hòa nhập cộng đồng”.
Nguyễn Văn Tý, giáo viên trường PT Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu đã “thỏa được ước mơ cháy bỏng của mình”. Tý là một trong ba giáo viên khuyết tật của trường PT Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Quê ở huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, tốt nghiệp khoa Sư phạm Văn, trường Đại học Quảng Nam năm 2011, trở lại mái trường cũ để đứng trên bục giảng với trọng trách mới, niềm hạnh phúc này với Tý như một giấc mơ. Nhớ lại ngày đầu đứng trên bục giảng, học trò là những người cùng cảnh ngộ, Tý không nén được xúc động: “12 năm gắn bó với mái trường, em muốn sẻ chia những gì mình học được, để đền đáp phần nào tình cảm, tấm lòng của thầy cô giáo ngày xưa. Ơn nghĩa thầy cao như núi, biết khi nào trả hết”.
Tý bị khiếm thị từ nhỏ, nhưng chính niềm tin và sự vượt khó của anh đã không phụ lòng mong mỏi của gia đình, thầy cô. Trong bốn năm học Đại học, anh còn học thêm một khóa về tin học phục vụ người khiếm thị. Tý vừa dạy văn học, vừa dạy tin học. Tý tâm niệm rằng, văn học sẽ giúp các em sống một cuộc đời nhân ái, còn tin học là con đường giúp các em khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia, nơi mà các em không thể nhìn bằng mắt…
Đến thăm Tý và các em học sinh lớp 8 trường Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu đúng các em đang học môn Tin học. Tý vừa hướng dẫn cho các em học, vừa tìm thêm tài liệu trên mạng để phục vụ cho bài giảng văn học buổi chiều. Nghe các em học trò luôn miệng gọi “Thầy Tý” để hỏi về bài vở, rồi thấy các em đến dắt tay thầy tới chỗ các bạn khiếm thị đang ngồi bên máy tính, khoảnh khắc đó gieo vào tôi niềm đồng cảm rất lớn.
Biết rồi trên con đường tương lai của các em học sinh trường chuyên biệt sẽ có nhiều ngã rẻ, nhưng sao vẫn chạnh lòng. Nguyễn Công Cường nắm tay tôi: “Cô ơi, từ khi con được học vi tính, con vui lắm. Rất nhiều điều bổ ích trong cuộc sống mà con chưa được biết, qua sự hướng dẫn của thầy Tý, con đã tự tìm hiểu trên mạng. Con còn được nghe nhiều bài hát về thầy cô giáo trên vi tính rất hay”.
Cường cũng như gần hai trăm em học sinh trường PT Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, mỗi em một hoàn cảnh, một nỗi đau thể xác, nhưng ở thế giới của các em hình như không có sự tị nạnh, bon chen, phân biệt giàu, nghèo. “Ở đây chỉ có tình thương, sự cảm thông và lòng nhân ái. Cũng chính vì sự trong sáng trong tâm hồn các em mà rất nhiều giáo viên đã tự nguyện gắn bó với công việc không mấy thảnh thơi này”. Đó là lời thầy giáo Nguyễn Xuân Việt quê tận Ninh Bình, sau khi tốt nghiệp Khoa tâm lý giáo dục đặc biệt, trường ĐH sư phạm Đà Nẵng đã chọn ở lại Đà Nẵng, gắn bó với các em học sinh trường PT Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Công việc của Việt bây giờ là phục hồi chức năng, hướng dẫn cho gia đình có con em khuyết tật kỹ năng chăm sóc, dạy dỗ các em, cho các em có cơ hội hòa nhập cộng đồng.
Những ngày này, học sinh các trường đang thi giữa học kỳ, còn đối với các em học sinh trường chuyên biệt, học một từ mới, một câu mới, biết làm một việc gì đó là đã trải qua được một kỳ thi vất vả. Những giáo viên, bảo mẫu chăm sóc các em tại trường chuyên biệt cũng vậy, mỗi ngày là một cuộc thi, với khó khăn, với thách thức, vượt lên đấu tranh với chính bản thân mình.
Cô giáo Đỗ Thị Đỗ Quyên, Hiệu trưởng trường PT Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu nói rất giản dị: “Chúng tôi muốn là những cầu nối trái tim của tình thương và trách nhiệm, để các em có cơ hội vươn lên”.
Lời cô giáo Quyên sau 20 năm gắn bó với các em, cho tôi thêm những niềm hy vọng mới và biết trân trọng hơn tấm lòng của những người đang ngày đêm miệt mài vì sự nghiệp giáo dục trẻ em khuyết tật, cho cuộc đời thêm mãi những niềm vui.
NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO
Nguồn Nhân Dân