Người Nhật ăn Tết

Nhật Bản là cường quốc công nghiệp phát triển đứng thứ hai trên thế giới (sau Mỹ) và là nước châu Á đầu tiên đã mở cửa du nhập văn hoá, văn minh phương Tây ngay từ năm 1868 với công cuộc cải cách duy tân mang tên Thiên hoàng Minh Trị (Meiji).

Tuy nhiên, Nhật Bản ngày nay vẫn nổi tiếng là quốc gia chú trọng gìn giữ và phát huy những nét đẹp của bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó phải kể đến bản sắc độc đáo của văn hóa Tết.

Do ảnh hưởng văn hoá phương Tây nên người Nhật từ lâu đã không đón Tết Nguyên Đán theo thời gian âm lịch như Việt Nam, Trung Quốc và một số nước châu Á khác. Cũng vì ảnh hưởng văn hoá phương Tây nên người Nhật hiện đại, nhất là lớp trẻ rất quan tâm đến một số ngày lễ lớn có khởi nguồn từ phương Tây nhưng đã du nhập sang Nhật Bản và được “Nhật hoá”, đồng thời tồn tại, giao thoa cùng với nhiều lễ hội văn hoá truyền thống khác của người Nhật. Minh chứng rõ nhất, chỉ tính riêng tháng 1 dương lịch, trong khi người Việt chúng ta còn đang bình thản với tháng Chạp cuối năm âm lịch thì người Nhật đã hối hả, sôi động trong không khí vui đón các ngày lễ hội lớn nhất của năm cũ sắp qua và năm mới bắt đầu đến. Đó là Lễ Noel (25/12 của năm cũ), Tết Nguyên Đán đón năm mới dương lịch diễn ra suốt cả những ngày đầu năm, Lễ Thành nhân (15/1). Sự đồng thời diễn ra liên tiếp các lễ hội lớn nhất này càng khiến cho bầu không khí “Tết” ở Nhật Bản rất sôi động và có cơ hội kéo dài suốt gần cả tháng trời kể từ trung tuần tháng 12 năm cũ đến trung tuần tháng 1 năm mới.Điều đặc biệt như đã đề cập là bên cạnh sự giao thoa, ảnh hưởng sắc thái văn hoá phương Tây, song do là nước châu Á nên văn hóa Nhật Bản nói chung và văn hóa Lễ hội, văn hóa Tết nói riêng từ nhiều thế kỷ qua cho đến nay vẫn còn ảnh hưởng cả sắc thái văn hóa Trung Hoa.

Khi quan sát, nghiên cứu về từng lễ hội hàng năm của Nhật Bản, ta sẽ thấy văn hóa Lễ hội Nhật Bản mặc dù thấm đậm màu sắc của Thần đạo ( Shinto giáo ) là Quốc đạo, Quốc giáo của người Nhật, nhưng vẫn đồng thời chịu ảnh hưởng sâu sắc từ đạo Phật ( Phật giáo ) với các triết lý sống khởi nguồn từ các bậc thầy Nho giáo của Trung Quốc: Khổng Tử, Mạnh Tử, Chu Tử…

Ở Nhật ngày nay mặc dù là nước công nghiệp hiện đại song vẫn lưu giữ truyền thống hoà hợp tâm linh của con người đối với Thần, Phật và lòng biết ơn sâu sắc đối những ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng. Đó cũng chính là nền tảng của bản sắc văn hóa truyền thống Nhật Bản đã thể hiện rất rõ trong hầu hết các phong tục, tập quán, lễ hội của người Nhật, trong đó phải kể đến các phong tục, tập quán, lễ hội đã diễn ra trong dịp Tết Nguyên Đán vui đón năm mới.

Khi tìm hiểu văn hoá Tết của người Nhật Bản, chúng ta có thể thấy rất rõ một số nét đẹp truyền thống cơ bản sau:

1. Tiệc tiễn năm cũ

Thông thường thì người Nhật làm đến 30/12. Ngày đó, các công sở thường tổ chức ăn uống tiễn năm cũ. Những bữa tiệc như vậy được gọi là Bounenkai (tạm dịch là bữa tiệc để quên đi những vất vả và khó khăn của năm cũ). Trên thực tế, Bounenkai thường diễn ra từ những ngày đầu của tuần cuối cùng năm cũ.

Tiệc tiễn năm cũ của Nhật bản

Đây có thể là một bữa tiệc được tổ chức trong phòng trà với những tấm nệm tatami và bàn thấp kiểu Nhật, hoặc một nhà hàng phong cách phương Tây, nhưng đồ ăn là những món truyền thống của Nhật Bản. Đó có thể là shashimi, miến soba, súp cá đỏ, món fugu, cơm, trứng cá, tempura, và rượu sake. Theo truyền thống, người Nhật không tự rót đầy rượu cho mình mà thường rót đầy chén của bạn bè khi thấy chén của họ đã cạn.

Các bữa tiệc Bounenkai theo đó trở nên rất hoành tráng và các nhà hàng thường rất đông khách. Sau bữa tiệc, ai về nhà nấy người thì đi du lịch nước ngoài, người thì cùng gia đình về thăm bố mẹ ở quê. Những người khác thì đón năm mới ở nhà vì thế phố xá trở nên vắng vẻ lạ thường.

2. Lau rửa nhà cửa, trang trí đón năm mới

Đón năm mới, người Nhật có tục lệ gọi là Susuharai lau rửa nhà cửa cả trong lẫn ngoài sạch sẽ để tẩy sạch các vết nhơ của năm cũ, đón năm mới. Cũng như vậy, vào ngày cuối cùng ở trường học trước khi nghỉ đông, học sinh cũng phải làm tổng vệ sinh (Oosouji) để trường sẵn sàng đón năm mới và hầu hết các công ty cũng dành ngày làm việc cuối năm để dọn dẹp. Mục đích của công việc này là để sẵn sàng đón năm mới với mọi thứ, cả về tinh thần và thể chất trong trạng thái tươi mới, sạch sẽ.

Dọn dẹp nhà của đón năm mới tại Nhật bản

Dọn dẹp nhà của đón năm mới tại Nhật bản

Đặt Kadomatsu ở cạnh cửa: 

 Sau khi dọn dẹp xong, người Nhật trang trí Kadomatsu ở hai bên cửa nhà để đón may mắn. Kadomatsu là 3 ống tre tươi vát chéo cùng một vài cành thông. Số đoạn trên cành thông phải lẻ chứ không được chẵn bởi theo quan niệm xa xưa thì hạnh phúc không thể chia được và cứ mãi mãi được duy trì, chỉ có nỗi bất hạnh mới chia được để chấm dứt.

Ngoài ra, lý do dùng cành thông để trang trí là vì trong mùa đông, thông vẫn xanh tươi, tượng trưng cho sự thanh khiết và sức sống. Đồng thời lá thông sắc nhọn có thể diệt trừ ma quỷ, Kadomatsu có hình giống cái thang để vị thần của năm mới (thần Toshigami) xuống hạ giới đem may mắn đến cho nhà nhà, người người.

Kadomatsu được đặt ở trước cửa nhà, cơ quan, công sở, nhà hàng từ những ngày giáp tết cho đến hết ngày 07/1.

Kadomatsu tượng trưng cho sức sống bất diệt

Treo shimenawa trước cửa nhà

Với ý nghĩa trừ đuổi ma quỷ và chào đón những vị thần, những điều may mắn sẽ đến với gia đình, người Nhật Bản thường treo shimenawa ở trước của nhà vào những ngày đầu năm mới, tương tự như tục cắm cây nêu ngày Tết của Việt Nam. Cách trang trí của shimenawa có thể ở mỗi nhà sẽ khác nhau, nhưng nhìn chung, chúng đều mang những màu sắc sặc sỡ, ấm cúng, tượng trưng cho những điều tốt lành, bình yên luôn hiện diện trong cuộc sống của gia đình ngưởi chủ của Shimenawa.

Shimenawa được treo trước của nhà với ý nghĩa xua đuổi tà ma.

 

Kadomatsu và Shimekazari được trang trí cho đến hết ngày mùng 7-1 và sau đó, theo tục lệ, người ta sẽ mang đến chùa để đốt như hình thức hóa vàng của người Việt. Hiện nay, nhiều gia đình thường không mang đến chùa mà tự đốt ngay tại nhà của mình.

Đặt Wakazari trong bếp

Wakazari là một vòng tròn, được bện bởi một đoạn dây thừng, và được kết hoa lên phía đầu, chỗ móc treo. Người ta treo Wakazari ở bếp, với ý nghĩa tạ ơn những vị thần lửa và thần nước đã đem lại cuộc sống sung túc, những bữa cơm gia đình đầm ấm cho họ. Ngoài ra, Wakazari còn được treo ở mui xe ô tô và xe đạp để cầu an toàn trong năm.

Wakazari với ý nghĩa mang lại cuộc sống sung túc.

3. Ăn mỳ, đi lễ, thắp hương cúng tổ tiên và các vị thần trong đêm tất niên

Vào ngày 31/12 là đêm tất niên (Oomisoka), là ngày quan trọng trong truyền thống của người Nhật vì đây là ngày cuối cùng của năm cũ. Sau khi hoàn tất công việc dọn dẹp nhà cửa trong ngày, vào đêm giao thừa, người Nhật sẽ ăn một bữa tối hoành tráng nhất trong năm. Bữa tối này thường diễn ra vào khoảng 10h hay 11h đêm tại nhà, mọi người quây quần lần cuối cùng trong năm cũ, cùng nhau ăn Toshikoshi-Soba.

Toshikoshi-Soba – Year-end Soba

 Toshikoshi-Soba là loại mỳ có sợi dai và dài tượng trưng cho sự trường thọ và một năm tràn ngập niềm vui. Theo quan niệm truyền thống của người Nhât, sợi mỳ càng dài thì họ càng có nhiều may mắn trong năm mới, và việc ăn các món được làm từ kiều mạch, gạo vào thời khắc đầu tiên của năm mới sẽ là nguồn gốc giúp con người thành đạt.

3 loại mỳ truyền thống của Nhật được làm từ kiều mạch và bột mỳ là Udon, Soba, Ramen. Riêng mỳ Udon chia làm 2 loại: Udon thường, sợi mỳ dày hơi vuông. Udon đặc biệt Inaniwa, mảnh mai như sợi tóc, vàng ươm như nắng thu và có giá thành tương đối đắt. Đây là món ăn yêu thích của người Nhật nói chung và Thiên Hoàng nước Nhật nói riêng. Đêm giao thừa lạnh giá thưởng thức món mỳ Udon nóng sẽ thật tuyệt vời hơn. Sợi mỳ dẻo dai với một chút vị mặn, canh cá bào khô làm tăng lên vị ngọt thơm của sợi mỳ ngon, ăn cùng với dấm và lòng đỏ trứng gà thêm vị béo ngọt đậm đà sẽ xua tan đi cái lạnh tức thì.

Thành phần chính tạo nên mỳ Soba đó chính là bột kiều mạch và bột mì, hai thứ bột này được hòa chung vào với nước, quết lại cho thật sệt rồi nhào nhiều lần cho bột mịn và cán mỏng. Để có được những sợi mỳ Soba dẻo, ngon cũng phải là nhờ vào tài năng của người đầu bếp. Bột mỏng mà phải đều, dai mà mịn, sau đó cắt thành những sợi mì nhỏ, đều nhau. Từng vùng miền, Mỳ Udon và Mỳ Soba Nhật lại được mới lạ bằng những “ biến tấu” rất đặc biệt, kết hợp với hương vị cùng cách thức ăn khác nhau, đặc trưng riêng của từng địa phương hoặc từng đất nước.

Ramen là một loại mỳ có nguồn gốc từ Trung Quốc, được du nhập vào Nhật Bản trong thời Meiji. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ gần đây, Ramen đã trở thành một món ăn đặc trưng của Nhật Bản và nổi tiếng không chỉ ở nước Nhật. Sợi mỳ Ramen nhỏ như Spaghetti, được chan nước dùng với nhiều loại đồ ăn kèm khác nhau như thịt lợn thái lát, rong biển, kamaboko, hành xanh, thậm chí cả ngô nữa. Hầu như mọi địa phương ở Nhật Bản đều có hương vị Ramen của riêng mình, từ Tonkatsu ramen của Kyuushuu tới Miso ramen của Hokkaido.

Từ Toshikoshi còn có nghĩa là  “chuyển giao từ năm cũ sang năm mới”. Cũng có địa phương cho rằng sợi mỳ dài của Toshikoshi-Soba tượng trưng cho tuổi thọ và may mắn kéo dài trong năm mới (mọi việc được suôn sẻ).

Cùng lúc này, nhiều kênh truyền hình của Nhật phát các chương trình ca nhạc, hài kịch… Chương trình Kouhaku Uta Gassen (tạm dịch là “Đại nhạc hội tranh tài Hồng – Bạch”) được khởi xướng từ năm 1951 là một trong những chương trình truyền hình phát trên NHK được đón xem nhiều nhất ở Nhật. Chương trình này mời các ca sỹ, nhóm nhạc thuộc mọi thể loại nhạc nổi tiếng nhất trong năm tham gia.
Các nghệ sỹ được chia làm hai đội, nam ở đội Bạch, nữ ở đội Hồng, họ sẽ biểu diễn xen kẽ nhau để chiếm được trái tim khán giả trong suốt buổi tối. Khán giả và một ban hội thẩm mà thành viên thường là các nhân vật nổi tiếng trong năm ở các lĩnh vực khác ngoài âm nhạc được yêu cầu bầu chọn để quyết định đội nào hát tốt hơn. Đội chiến thắng sẽ nhận được một chiếc cúp và lá cờ chiến thắng, chương trình thường kéo dài khoảng 5 tiếng, từ 7h30 đến 11h45.

Kết thúc bữa cơm tất niên, gần thời điểm giao thừa, rất nhiều người đổ về các đền điện hay chùa chiền gần nhà để thực hiện nghi lễ Ninenmairi. Ninen có nghĩa là 2 năm, còn Mairi có nghĩa là đi để cầu nguyện, ở khắp Nhật Bản, các đền thờ Shinto chuẩn bị amazake (một loại rượu truyền thống nhẹ, có vị ngọt) để phát cho các đám đông vào lúc nửa đêm. Lúc này, chuông lớn ở các chùa trên toàn nước Nhật thi nhau cất tiếng. Người ta đẩy một cây gỗ lớn treo trước cái chuông húc vào chuông làm vang lên âm thanh như tiếng cồng.
Tiếng chuông vang lên 108 lần để xua đi 108 ham muốn trần tục khiến con người phải khổ sở, theo như lời răn của đạo Phật. Âm thanh sâu và trầm của tiếng chuông vang đi hàng vạn dặm qua bầu không khí đêm khô và lạnh, thông báo năm cũ đã kết thúc và chào mừng năm mới.

Hiện nay, rất nhiều ngôi chùa ở Nhật dành việc đánh chuông cho 108 người dân đến lễ chùa sớm nhất ở thời điểm đó. Được là một trong 108 người gióng lên hồi chuông báo hiệu sự chuyển giao là mong muốn của rất nhiều người Nhật vì đó là dấu hiệu may mắn đầu tiên ngay trước thềm năm mới.

Ở các đền thờ, khi đến làm lễ, người Nhật thường phải rửa tay và súc miệng sạch sẽ trước khi làm lễ.  Tiền hương hoa dâng Phật là những đồng tiền họ tung vào hòm công đức đặt trước điện thờ. Người làm lễ sẽ chắp tay lạy hai lễ, vỗ tay hai lần, rồi chắp tay cầu nguyện và cuối cùng lạy một lễ. Người Nhật thường bỏ tiền ra để rút quẻ  (Omikuji) hoặc mua một mũi tên thần gọi là hamaya để gắn kèm vào kadomatsu trước cổng nhà nhằm cầu mong được thần Phật phù hộ độ trì một năm mới bình an, phát đạt.

Người ta kể về nguồn gốc của omikuji như  sau: vào thời Heian, một nhà sư có uy tín là Genzan (912-985) đã viết 100 lời khuyên trong cuộc sống. Mọi người rút quẻ để được nhận một lời khuyên.

Đền thờ ở thị xã Kano, thuộc tỉnh Yamaguchi, phía tây Nhật Bản, là nơi in quẻ cho khoảng 3.000 đền chùa trên toàn quốc. Nghe nói quẻ của đền Kano rất linh thiêng. Rút quẻ vốn là để nghe phán xét của vị thần. Vì thế dù rút được quẻ hung đi chăng nữa thì trong đó cũng có lời khuyên hay bài học.

Người Nhật có tập quán khi rút được quẻ lành thì mang về, nếu rút phải quẻ hung thì buộc lên cành cây như một lời hứa với vị thần rằng sẽ cố gắng hành động theo lời khuyên của thần.

Rút quẻ vốn không phải là sự cầu xin của cá nhân mà là hành động của cả tập thể để mong bình yên xóm làng hoặc cầu có đủ nước cho mùa màng. Rút quẻ ở Nhật có nguồn gốc từ việc xóm làng bói xem năm mới có được mùa hay không, và tùy theo phán xét của vị thần, cả làng sẽ quyết định làm gì trong năm mới.

Đối với các gia đình hay cá nhân không đi lễ chùa vào đúng thời điểm giao thừa thì họ có thể đi thăm đền chùa vào những ngày tiếp theo trong dịp Tết, chuyến viếng thăm đầu tiên trong năm như vậy gọi là Hatsumode.

Giống như Việt Nam, người Nhật Bản cũng cúng tổ tiên, các vị thần vào đêm giao thừa.

Theo truyền thống, các gia đình đặt các nguyên liệu làm món ăn ngày Tết như củ cải, khoai (tức những loại rau củ mùa đông), và bánh dầy, lên bàn thờ tổ tiên và thềm tokonoma – nơi đón tiếp vị thần năm mới,  nhằm tỏ lòng thành kính, và được các thần linh phù hộ. Khi ăn sẽ dùng đũa nhọn cả 2 đầu vì cả người và thần sẽ dùng. Món canh bánh dầy ozoni dùng tất cả các nguyên liệu kể trên.

Món canh ozoni đương nhiên không thể thiếu bánh dầy omochi. Nguồn gốc của tập tục này là có vị thần tên là  Toshidon đeo mặt nạ quỷ (thần thường ở trên núi và quan sát dân làng ở chân núi) vào đêm giao thừa đánh chiêng đến từng nhà để dạy dỗ trẻ em. Thần hỏi to tên các trẻ em, hỏi tuổi, hỏi xem các em có ngoan ngoãn, nghe lời cha mẹ hay không, v,v… rồi đề nghị các em ca hát. Cuối cùng, vị thần vừa nhắc lại lời khuyên răn, vừa tặng bánh dầy có tên toshimochi, có nghĩa là ăn bánh dầy được thêm 1 tuổi.

Kagami mochi

Omochi

4. Lễ đón mừng năm mới

Sáng mồng 1 Tết, các gia đình đều làm lễ đón mừng năm mới ( Oshogatsu ).

Đầu tiên là rượu mừng năm mới otoso trừ tà khí trong năm đó và để kéo dài tuổi thọ. Theo nghi thức, lần lượt từng người bắt đầu từ người ít tuổi nhất quay mặt về hướng đông và uống rượu sake. Mọi người dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.

Tiếp đến là món canh bánh dày Ozoni … những thứ được bày cúng trên bàn thờ tổ tiên trong đêm giao thừa. Người Nhật quan niệm, ăn những thứ các vị thần hay tổ tiên đã ăn sẽ tăng thêm sức mạnh.

Canh bánh dầy ozoni

 Người ta tin rằng vị thần Toshidon sẽ truyền cho gia chủ một nguồn sinh lực mới vào những chiếc bánh Tết nên sau khi cúng thần, những chiếc bánh này sẽ được chia ra cho mọi người cùng thưởng thức để tiếp nhận nguồn sinh lực. Nguồn sinh lực này được gọi là sức mạnh của thần Toshidon. Đây cũng chính là nguồn gốc của otoshidama  có nghĩa là lì xì. Người ta thường cho quà, bánh hoặc tiền cho trẻ con khi chúng đến thăm và chúc Tết để cầu mong cho chúng được khỏe mạnh, gia tộc được an khang thịnh vượng.

Một đồ ăn nữa không thể không nhắc đến trong ngày Tết đó là Osechi.

Osechi là những đồ ăn ngon được chuẩn bị với các món nấu, món trộn dấm, món nướng làm từ các loại hải sản, thịt gia súc, gia cầm và các loại rau với hương vị và màu sắc phong phú có thành phần dinh dưỡng hợp lý, được xếp trong một hộp sơn hình khối chữ nhật trong đỏ ngoài đen.

Osechi được chế biến bằng các nguyên liệu thực phẩm theo phương pháp có thể để lâu trong cả tuần nhằm làm giảm lao động nội trợ của phái đẹp trong những ngày Tết. Quan niệm xa xưa cho rằng nấu nướng trong ba ngày đầu năm mới không tốt cho vị thần bếp,  nên người Nhật có tục lệ chuẩn bị sẵn đồ ăn nguội gọi là osechi trong một cái hộp lớn để cả nhà cùng ăn. Các siêu thị đều có bán các hộp Osechi như vậy.

Vị của các món Osechi khá đặc biệt vì lẫn cả mặn, ngọt và thông thường là lạnh nên người không quen lúc đầu thấy khó ăn. Thường thì đại gia đình tụ tập ăn uống, cùng trò chuyện và cùng đọc các tấm Nengajou (thiếp chúc mừng năm mới).

 

Osechi

Điều thú vị khác ở osechi là mỗi loại nguyên liệu cấu thành đều mang một ý nghĩa riêng hàm chứa lời chúc một năm mới nhiều may mắn.

Ví dụ: cá tráp mang ý nghĩa may mắn; rong biển với nghĩa vui mừng; đậu – mạnh khỏe; trứng cá trích – con cháu đông đúc; ngó sen – nhìn xa trông rộng; rau mắc – sinh lộc; tôm – tượng trưng cho sự trường thọ.

Ngoài osechi còn có một món ăn khác cũng không thể thiếu trong ẩm thực Tết của người Nhật, đó là món zouni – món nướng thường gồm rau, cá, thịt gà cho vào nước sốt cùng với bánh dày. Người ta tỉa các nguyên liệu thực phẩm theo hình cánh hoa, nhuộm màu, sau đó đem bày ra bàn tiệc rất cầu kỳ và hấp dẫn để mừng đón năm mới.

Kể từ mồng 1 trở đi, cấp dưới đi chúc Tết cấp trên, bạn bè thân thích và bà con phường xóm cùng chúc tết lẫn nhau. Người Nhật coi đây là cuộc thăm viếng đầu Xuân, và gọi 3 ngày đầu tháng giêng là “ba ngày chúc tụng”. Tháng giêng trở thành tháng hòa thuận. Nhà nhà đều để sổ ký tên và bút chì trước cổng, khách đi chúc Tết sẽ để lại địa chỉ hoặc gài danh thiếp vào trong cuốn sổ, ý nói đã đến nhà. Cũng có người khi đi chúc Tết mang theo nhiều chiếc khăn tay nhỏ có đề tên mình, tặng cho mỗi nhà một chiếc. 

Khách đến chơi nhà chủ dịp năm mới thường mừng tuổi cho trẻ con. Ngày nay, có nhiều người thay tiền bằng tặng phiếu mua sách, các phiếu này do các cửa hiệu sách phát hành và người được tặng phiếu có thể dùng phiếu như tiền để mua sách tại các cửa hàng sách nói trên. Làm như vậy, người lớn hướng được trẻ con vào việc đọc sách mà họ nghĩ là có ích cho chúng… Khách ở đây là người thân trong gia đình, họ hàng. Bạn bè, đồng nghiệp, nhân viên không đến chơi nhà nhau, trừ phi rất hãn hữu được mời hẹn ngày giờ rõ ràng.

Tục lệ mừng tuổi cho trẻ em hoặc tặng quà giữa những người thân trong gia đình hay trong dòng họ, bạn bè cũng được tiến hành kể từ sau Lễ đón Giao thừa năm mới. Riêng với việc tặng quà hoặc bưu thiếp chúc mừng năm mới trong các mối quan hệ mang tính đối ngoại giữa các cá nhân với nhau; cá nhân với một tổ chức cơ quan, công ty; cơ quan, công ty với nhau… thông thường đều được thực hiện từ những ngày cuối năm cũ giáp Tết và kể cả trong những ngày Tết, có thể bằng tặng trực tiếp hoặc qua bưu điện.

Điều đáng lưu ý, theo phong tục, tập quán lưu truyền từ trước thì việc tặng quà hay mừng tuổi ngày Tết ở Nhật Bản không bị “nặng nề” vì giá trị vật chất mà chủ yếu mang ý nghĩa tinh thần, tình cảm, đạo lý ứng xử… Tuy nhiên, càng những năm gần đây, do chủ nghĩa thực tế, thực dụng ngày càng phát triển cũng đã làm biến đổi dần sang kiểu tặng quà, mừng tuổi phải tính toán “nặng nề” hơn về giá trị vật chất, tính kinh tế thị trường do đó ngày càng lấn sâu hơn vào tính văn hoá của việc tặng quà, mừng tuổi ngày Tết.

5. Bán hàng giá rẻ nhân dịp đầu năm

Sau ngày mùng 1 Tết, sang ngày 2/1, rất nhiều các siêu thị và cửa hàng bách hóa trên khắp nước Nhật mở cửa trở lại để phục vụ khách hàng. Họ cho các mặt hàng kinh doanh của cửa hàng mình vào trong một túi to, bên ngoài in chữ fukubukuro (túi phúc) và bán với giá rẻ bất ngờ nên rất nhiều người Nhật xếp hàng từ sớm để mua cho bằng được. Đó cũng là một tập quán ngày Tết của Nhật.

6. Tục lệ ăn cháo chay, làm vỡ bánh dày

Ngày mồng 7/1 – ngày thứ bảy của Tết Nguyên Đán trong quan niệm của người Nhật đó là tiết bảy loài hoa quả. Trong một năm có nhiều tiết, được coi là những mốc đánh dấu sự thay đổi của thời tiết và được người Nhật kỷ niệm những tiết này. Tiết bảy loài hoa quả là một trong năm tiết điển hình có trong năm.

Trong ngày này, người Nhật ăn cháo nấu bằng 7 loại rau, quả để cầu sức khỏe (Nanakusagayu). Người Nhật cho rằng cháo cũng là bài thuốc chữa được nhiều bệnh. Cháo nấu bằng rau, quả tươi sẽ có tác dụng tốt đối với dạ dày sau khi phải làm việc nhiều để tiêu hóa những món ăn quá nhiều dinh duỡng trong những ngày Tết.

Nanakusagayu
– “ Làm vỡ ” bánh dày ( kagamibiraki ) là tục lệ được người Nhật tiến hành vào ngày 11/1. Bánh dày hình gương tượng trưng cho may mắn nên người Nhật không cắt mà “ làm vỡ “ bằng búa. Bánh dày vỡ ra được nấu thành chè với đậu đỏ cũng hàm ý sẽ mang lại những điều tốt đẹp.

Kagamibiraki

7. Lễ thành nhân

Ngày lễ thành nhân ( Seijinnohi ) diễn ra vào ngày 15/1, là ngày làm các nghi lễ trang trọng để công nhận và chúc mừng các nam nữ thanh niên Nhật tròn 20 tuổi trong năm đó, thường được tổ chức tập thể tại các ngôi đền nổi tiếng ở từng địa phương nơi các thanh niên đó cư trú.

Vì có Lễ Thành nhân 15/1 nên không khí Tết vẫn sôi động cho đến tận ngày này, nhất là với các nam thanh nữ tú đến tuổi 20 và gia đình, bạn bè, người thân quen của họ. Sau ngày này, mọi người mới thực sự hết Tết và trở lại cuộc sống công việc bận rộn thường ngày.

Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp từ internet

Print Friendly, PDF & Email

Leave a Reply