Người mẹ của những đứa trẻ thiểu năng

20 năm nay những đứa trẻ bị thiểu năng trí tuệ ở phường Trương Định (Hai Bà Trưng, Hà Nội) gọi cô Nguyễn Thị Côi là mẹ.

Cứ 8h30 sáng, cô giáo già 72 tuổi chầm chậm bước vào căn phòng nhỏ tại nhà văn hóa phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng. Đôi mắt đã mờ nhưng cô luôn dành cho học sinh cái nhìn trìu mến, thương yêu.

Lớp học của cô Côi có 15 học sinh, mắc nhiều bệnh, như thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, nhiễm chất độc hóa học… Ít ai ngờ rằng, những “đứa trẻ” ấy đều đã lớn tuổi. Người lớn nhất sinh năm 1984, nhỏ nhất cũng sinh năm 1993, nhưng nhận thức chỉ như đứa trẻ với những nụ cười hồn nhiên, những câu hỏi ngây ngô.

Lớp được cô Côi dạy miễn phí. Trừ thứ bảy, chủ nhật, mỗi ngày cô Côi lên lớp hai buổi đều đặn. Tổ dân phố 8 đã quan tâm, tài trợ sách vở và cho phép cô mượn một phòng tại Nhà hội họp. Khi thiếu phòng, cô không ngần ngại bảo học sinh về nhà riêng của mình để kèm cặp.

Lớp học của cô Côi có 15 em học sinh, mắc nhiều bệnh khác nhau như thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, nhiễm chất độc hóa học... Ảnh: Quỳnh Trang.

Lớp học của cô Côi có 15 học sinh mắc nhiều bệnh, như thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, nhiễm chất độc hóa học… Ảnh: Quỳnh Trang.

Từng là hiệu trưởng trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, năm 1995 cô Côi tham gia dự án giáo dục từ thiện dành cho trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật và thiểu năng trí tuệ của tổ chức Plan. “Ngày đó các giáo viên thường phải dạy cho những học sinh rất nghèo, không đủ điều kiện để đi học”, cô nhớ lại.

9 năm gắn bó với dự án, lòng yêu thương của cô đối với những mảnh đời cơ cực lớn dần và hóa thành vô hạn. Dự án kết thúc, thiếu nguồn tài trợ, niềm hy vọng tiếp tục dạy dỗ các em nên người tắt dần. Các đồng nghiệp đều nghỉ dạy, cô Côi tiếp tục dùng mọi cách để duy trì lớp học.

Dạy học trò bình thường đã khó, dạy trò bị thiểu năng trí tuệ hay khuyết tật còn khó hơn. Các em không thể ghi nhớ, học trước quên sau, hay suy nghĩ linh tinh. Có học trò cô Côi phải dạy 3 tháng mới nhớ hết mặt chữ.

“Dạy những học trò như thế này, mình phải hiểu được tâm lý các em. Dù có thế nào, mình vẫn luôn phải nhẫn nại, nhẹ nhàng, nếu dạy chữ này một ngày em không nhớ, tôi sẽ dạy cho đến khi em nhớ ra, cho đến khi nào em ấy có thể đánh vần, làm toán”, nữ giáo viên già trải lòng.

Dạy được học trò biết đọc, biết viết, tự lo cho bản thân, có thể đi làm nghề và trở thành người có ích là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời cô Nguyễn Thị Côi. Ảnh: Quỳnh Trang.

Dạy học trò biết đọc, biết viết, tự lo cho bản thân, có thể đi làm nghề và trở thành người có ích là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời cô Nguyễn Thị Côi. Ảnh:Quỳnh Trang.

Dạy được học trò biết đọc, biết viết, tự lo cho bản thân, có thể đi làm nghề và trở thành người có ích là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời cô. Nhiều học trò theo học cô Côi tới 7-8 năm. Có em đã trở thành sinh viên đại học, hay là những lao động trong các nhà máy.

20 năm gắn bó với lớp học tình thương, không bằng khen, không kỷ niệm chương, nhưng cô Côi nhận được sự biết ơn, kính trọng của hàng trăm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Có em bé thiểu năng với nụ cười ngây ngô đến trao những món quà bồi bổ khi cô giáo ốm.

Một người dân ở quận Hoàng Mai có con theo học cô Côi đã 3 năm bày tỏ: “Gia đình có một đứa con không bình thường như bao đứa trẻ khác là một niềm bất hạnh. Cảm ơn cô Côi đã san sẻ nỗi bất hạnh với gia đình tôi”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Tổ trưởng Tổ dân phố 8 chia sẻ: “Cô Côi rất nhân hậu và giàu tình thương. Cô đã giúp đỡ, cưu mang học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bị khuyết tật, hay mắc bệnh thiểu năng trí tuệ, nhiễm chất độc da cam… mà không quản ngại điều gì. Tổ dân phố 8 rất biết ơn và ủng hộ cô giáo”.

Bao nhiêu năm miệt mài đứng lớp, điều cô Côi băn khoăn nhất là tuổi giờ đã cao, sợ không còn đủ khỏe mạnh để tiếp tục đứng lớp, trong khi nguồn tài trợ dành cho lớp học thì không ổn định và không đều đặn.

Quỳnh Trang

Nguồn: http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/nguoi-me-cua-nhung-dua-tre-thieu-nang-2982369.html

Print Friendly, PDF & Email

Leave a Reply