Nữ họa sĩ bị hội chứng Down bẩm sinh

Sinh ra đứa con bị Down, mong mỏi lớn nhất của cha mẹ Karishma là bé đi lại được và làm chủ bản thân như những đứa trẻ khác. Song điều khiến ông bà bất ngờ là đứa con tật nguyền ấy nay trở thành một họa sĩ tài năng.

Trong buổi triển lãm tranh từ thiện mang tên “Phép màu” diễn ra tại TP HCM tối 25/11, 45 bức tranh của nữ họa sĩ không chuyên Karishma Kanna được giới chuyên môn đánh giá cao bởi những nét vẽ thể hiện “sự phóng khoáng với những khối màu tươi sáng, thể hiện một tâm hồn thuần khiết và tràn ngập tình yêu thiên nhiên”. Hơn nữa, những tác phẩm này còn nhận được sự trân trọng lớn lao vì đó là thành quả lao động miệt mài trong hai năm của cô gái 20 tuổi mắc bệnh Down bẩm sinh.

Phần lớn tranh của Karishma vẽ những giấc mơ trong sáng, những cảnh vật thiên nhiên dưới góc nhìn của một đứa trẻ ngây thơ. Đôi khi chỉ là một bông hoa, con voi, sao biển hay cánh đồng mà cô bé vô tình bắt gặp trong cuộc sống hoặc qua những chuyến đi đến Việt Nam, Campuchia, Indonesia… Các tác phẩm thu hút sự chú ý bởi nét tươi vui, trẻ trung và sáng tạo qua những gam màu rực rỡ.

Ngắm tranh của nữ họa sĩ Karishma

20 tuổi nhưng trông Karishma nhỏ nhắn như mới chỉ 15, 16. Em rụt rè và ngại nói chuyện với người lạ nhưng nụ cười tươi tắn luôn thường trực trên môi. Với em, hội họa trở thành tình yêu và là thứ “công cụ giao tiếp” hữu hiệu nhất để mở lòng với thế giới xung quanh và thể hiện suy nghĩ, khát vọng về cuộc sống của mình.

“I can, you can, we can” – tôi có thể làm được, bạn cũng có thể và tất cả chúng ta đều có thể, là thông điệp mà nữ họa sĩ tật nguyền nhắn gửi đến tất cả mọi người trong buổi triển lãnh tranh gây quỹ từ thiện. Toàn bộ số tiền bán tranh trong đêm 25/11, Karishma sẽ dành tặng cho trẻ em mắc bệnh Down Việt Nam.

Song thân của nữ họa sĩ là ông Hariharan Kannan và bà Kalpana Kannancho biết, họ rất vui sướng và tự hào về con mình. Trước đây họ thậm chí không dám nghĩ con gái mình sẽ trở thành tài năng mà chỉ mong giúp con tập trung, điều khiển được tay chân, trí óc và có một cái gì đó để yêu thích. Vì thế mà tình yêu với hội họa của Karishma luôn được gia đình trân trọng và động viên em theo đuổi. “Để có được ngày hôm nay với chúng tôi như là một giấc mơ”, mẹ của Karishma nói trong hạnh phúc.

Cô giáo. Ảnh: Thi Trân
Karishma và cô giáo Cyndi Beaumont. Ảnh: Thi Trân

Nói về con đường đến với nghệ thuật của con gái, bà Kalpana Kannan kể, khi còn bé, Karishma sớm bộc lộ sự yêu thích đặc biệt với thế giới màu sắc và những nét vẽ nguệch ngoạc. Ngay lập tức, sự yêu thích ấy được khuyến khích, mặc dù để một đứa bé bị bệnh Down tập trung học vẽ là điều chẳng dễ dàng gì, thậm chí cha mẹ cô cũng không biết giúp con bắt đầu từ đâu.

Cho đến năm 2008, gia đình Karishma chuyển đến làm việc tại TP.HCM. Trong thời gian này Karishma học tiếng Anh với cô giáo người nước ngoài Cyndi Beaumont. Cô giáo ấy cũng đồng thời là một họa sĩ nên sở thích của Karishma được chắp cánh luôn từ đó.

Bây giờ nhìn lại, với gia đình và bản thân nữ họa sĩ tật nguyền, mọi thứ đã xảy đến y như một “phép màu” đúng như cái nghĩa “Karishma” trong tiếng Ấn. Say sưa chìm đắm trong thế giới hội họa, với những nét vẽ bay bổng và tự do, cô bé trở nên tự tin và yêu đời hẳn.

Phát biểu tại buổi triển lãnh tranh, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP HCM, ông Abbay Thakur, đã đánh giá cao và thể hiện lòng mến mộ trước nghị lực vươn lên, tấm lòng nhân ái của Karishma Kanna. “Cô ấy mới là một nhà ngoại giao tài ba nhất của Ấn Độ tại Việt Nam”, ông nói.

Vị Tổng lãnh sự còn tình nguyện viên mời các doanh nhân người Ấn tham dự triển lãm để mua tranh và giúp đỡ trẻ em bệnh Down của Việt Nam.

Thi Trân (vnexpress.net)

Print Friendly, PDF & Email

Leave a Reply