Một con số đáng để suy ngẫm

Đó là một “con số biết nói”: Vẫn còn 700.000 trẻ khuyết tật chưa từng đến trường, cả nước có khoảng 4 triệu người khuyết tật, trong đó có trên 1 triệu trẻ em khuyết tật. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng 700 nghìn trẻ khuyết tật chưa từng được đến trường và 32,99% trẻ khuyết tật bỏ học.

Con số trên được Ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật, Bộ GD-ĐT thông báo ngày 18/3/2010 tại Lễ tuyên dương và giao lưu giáo viên dạy giỏi trẻ khuyết tật toàn quốc lần thứ II.
Giải thích vì sao số trẻ khuyết tật chưa được đến trường nhiều như vậy, ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Phó ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật cho biết: Trong suốt thời gian dài, hoạt động giáo dục trẻ khuyết tật chưa có sự chỉ đạo đồng bộ ở các cấp các ngành nên việc triển khai ở địa phương còn lúng túng, mang chất tự phát. Mặc dù giáo dục hòa nhập được xác định là hướng đi chính trong các trường phổ thông nhưng hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất giữa các bộ, ban ngành như chính sách cho học sinh, cho giáo viên. Bên cạnh đó từ cơ sở giáo dục, chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng còn cho đối tượng trẻ khuyết tật này còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Một số cộng đồng dân cư vẫn chưa tin tưởng vào khả năng học tập và hòa nhập cộng đồng của trẻ khuyết tật. Nhiều người vẫn cho rằng trẻ khuyết tật chỉ nên học ở các trường lớp chuyên biệt, không thể hòa nhập trong hệ thống giáo dục phổ thông và một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lí cũng có quan niệm như vậy.
Do vậy, chỉ tiêu giáo dục trẻ khuyết tật trong Chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010 xác định đến 2010 đảm bảo 70% trẻ khuyết tật đi học khó có thể đạt được và cần phải kéo dài đến 2015 – ông Thành khẳng định.
Cách đây vài năm, ông Đặng Tự Ân, khi đó là Phó ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật Bộ GD&ĐT, cũng đã từng phát biểu: “Giờ đây, chúng ta không thể chỉ kêu gọi lòng từ thiện ở giáo viên dạy trẻ khuyết tật mà cần có chế độ chính sách cụ thể. Đó vừa là yêu cầu của công việc, vừa đảm bảo sự công bằng, bình đẳng cho họ”.
Một khó khăn nữa trong việc giúp trẻ khuyết tật hòa nhập là việc xác định đối tượng, mức độ bệnh tật của trẻ. Hiện nay việc xác định mức độ bệnh tật dựa trên cảm tính của nhà trường, nhất là đối với trẻ khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ… Vì thế cần có sự vào cuộc của cơ quan y tế, các nhà xã hội học. Theo bà Trần Thị Hương, Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre, trường hợp trẻ bị bệnh nặng quá, nên đưa vào các cơ sở chuyên biệt hơn là để ở lớp hội nhập. Như vậy sẽ tốt cho bản thân các em, cũng như giáo viên đứng lớp.
Nhận thức của cộng đồng xã hội, đặc biệt là của phụ huynh và giáo viên, cũng là một trong những trở ngại trong công tác giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật. Chẳng hạn, tại An Giang chỉ có một vài trường tư thục nhận trẻ khuyết tật của những gia đình có điều kiện. Trong khi đó, do hạn chế về nhận thức, phụ huynh không nghĩ đến việc chạy chữa hay khắc phục hậu quả khuyết tật của con em họ. Thậm chí nhiều gia đình còn giấu kín, nhốt trẻ suốt ngày trong nhà nên rất ít trẻ được đi học.
Ngoài ra, tình trạng thiếu thốn trang thiết bị, đồ dùng dạy học đặc thù như sách, giấy chữ nổi cho trẻ mù, máy trợ thính và tài liệu ngôn ngữ cho trẻ điếc, xe lăn và các dụng cụ trợ giúp khác cho trẻ khó khăn vận động. Nhiều nơi dù đã và đang thực hiện giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, nhưng hoạt động này mới là tự phát.
Bộ Giáo dục-Đào tạo cũng đã mở nhiều cuộc hội thảo nhằm tìm ra giải pháp đổi mới cho giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. Nhiều tham luận nêu lên những kinh nghiệm hay trong thực tế giảng dạy như việc nâng cao hiệu quả dạy tập đọc bằng ký hiệu ngôn ngữ cho học sinh khiếm thính ở lớp học hòa nhập; biện pháp dạy trẻ khuyết tật học hòa nhập đạt thành tích cao; tư vấn cha mẹ học sinh chậm phát triển trí tuệ học hòa nhập; sử dụng phương pháp trò chơi để hình thành và phát triển kỹ năng xã hội cho trẻ chậm phát triển trí tuệ…
Để đóng góp sức mình vào lĩnh vực này, Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội khẳng định việc góp phần thúc đẩy công tác xoá mù chữ cho NKT là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội trong nhiệm kỳ 2009-2012. Chủ trương này nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ của UBND TP. Hà nội. Bước đầu, năm 2009 Thành Hội quyết định thực hiện Chương trình thí điểm xoá mù chữ cho người khuyết tật tại 5 quận, huyện là Hoàng Mai, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh và Sóc Sơn.
Sau 3 tháng thử nghiệm, tại Hội nghị sơ kết Chương trình này vào ngày 12/3/2010, đại diện những người thực hiện chương trình này, bao gồm lãnh đạo các Hội quận huyện, giáo viên, học sinh, đã nêu lên những kinh nghiệm đúc rút được rất đáng chú ý sau:
– Hướng dẫn tập đọc: Có loại trẻ, thường là trẻ khuyết tật trí tuệ, phải dạy theo cách truyền chữ chứ không phải dạy chữ, tức: Viết tất cả chữ cái lên bảng, chia làm 3 giai đoạn bắt phải nhớ, rồi sau đó mới tập ghép chữ (ví dụ: b+a=ba)

– Hướng dẫn tập viết: Chấm sẵn chữ để tô lên, phải là bút chì mềm vì tay chân trẻ khuyết tật thường bị cứng quèo. Với trẻ khuyết tật trí tuệ, chỉ cần được dạy viết tên họ, địa chỉ của mình, địa chỉ tên họ của bố mẹ (cũng bằng cách chấm chữ tô lên) thành công là bố mẹ chúng đã vô cùng xúc động rồi.

– Phải kết hợp với cả vui chơi: Vì không nhảy múa được nên chọn các hình thức kể chuyện, nói chuyện, tâm sự cùng nhau, hát
– Nên tiến hành tại chỗ, gần nhà, vì người khuyết tật di chuyển rất khó khăn: “3 tại chố”là học viên tại chỗ, giáo viên tại chỗ, lớp tại chỗ.
Họ cũng chia sẻ rằng: trước đây hầu như xã nào cũng có lớp học tình thương, nhưng hiện giờ đã cho thuê phòng học, sự quan tâm của chính quyền kém.
Phụ huynh và gia đình người khuyết tật đều nghèo, không quan tâm dến chuyện biết chữ, có học cũng đến thế.
Qua ý kiến của các nhà làm công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật cùng ý kiến của những người có kinh nghiệm giảng dạy trẻ khuyết tật, chúng tôi xin đưa ra một vài suy nghĩ như sau:
– Bộ Giáo dục-Đào tạo cần tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức của cộng đồng, người khuyết tật và gia đình người khuyết tật về việc cho trẻ khuyết tật đến trường.
– Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật là giáo dục hòa nhập cho từng trẻ khuyết tật với nhiều dạng tật khác nhau, chứ không phải là giáo dục hòa nhập đại trà cho mọi trẻ khuyết tật. Vì thế mà rất cần sớm có bản qui chuẩn về phân loại các dạng tật để tiện cho việc phân loại giáo dục cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Như thế mới có thể thu được hiệu quả.
– Với trẻ khuyết tật trí tuệ nặng, không nên đặt quá nặng việc truyền thụ kiến thức, nên tùy theo mức độ tật được phân loại mà có các yêu cầu mục đích giảng dạy khác nhau. Không nên quá máy móc coi trọng việc truyền thụ kiến thức, mà chỉ cần truyền thụ được các kĩ năng sống thông thường là đủ.
– Cái được lớn nhất của giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật là trẻ được hòa nhập với tập thể, với cộng đồng.

Nguồn: Trung Thuần, Hội NKT TP. Hà Nội

Print Friendly, PDF & Email

Leave a Reply