
Mối quan hệ của các cặp vợ chồng có con khuyết tật
Thực tế là, mối quan hệ giữa cha mẹ có con bị khuyết tật sẽ chịu nhiều căng thẳng hơn so với những bậc cha mẹ có con cái phát triển bình thường. Tuy nhiên, chăm sóc 1 đứa trẻ bị khuyết tật cũng có thể khiến vợ chồng gần gũi nhau hơn. Trò chuyện cởi mở và dành thời gian cùng nhau là những điều then chốt để giữ mối quan hệ bền chặt giữa 2 người.
Nuôi dưỡng 1 đứa trẻ bị khuyết tật: những tác động lên mối quan hệ của các cặp vợ chồng
Tác động tích cực
Đương đầu với những căng thẳng mệt mỏi khi nuôi dưỡng đứa trẻ bị khuyết tật có thể làm tăng cường mối quan hệ bền chặt của vợ chồng và mang vợ chồng tới gần nhau hơn. Rất nhiều bậc cha mẹ cho rằng đó là 1 trải nghiệm quan trọng và có tính tích cực. Điều đó có thể làm tăng kĩ năng giải quyết khó khăn, xây dựng một gia đình vững mạnh hơn, biết chia sẻ trách nhiệm gia đình hơn và tăng cường giao tiếp hơn.
Áp lực
Chăm sóc 1 đứa trẻ khuyết tật vất vả hơn nhiều so với chăm sóc một đứa trẻ phát triển bình thường. Chính những đòi hỏi phát sinh này có thể gây áp lực tới mối quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra hiện tượng này. Một số yếu tố tác động khác có thể kể đến bao gồm:
– Áp lực kinh tế: các chi phí đi lại, các thiết bị, hóa đơn thuốc và những thay đổi cần thiết trong ngôi nhà, tất cả đều tốn kém 1 khoản lớn và có thể gây ra áp lực tài chính cho các cặp vợ chồng
– Việc làm: 1 hoặc cả 2 vợ chồng sẽ phải cắt giảm thời gian làm việc để chăm sóc con. Điều đó đồng nghĩa với việc giảm thu nhập, chính vì thế áp lực tài chính càng tăng cao. Hơn thế nữa, vợ /chồng ở nhà chăm con cũng sẽ cảm thấy bực bội và buồn chán. Điều này cũng có thể làm mối quan hệ vợ chồng thêm căng thẳng
– Vai trò hôn nhân: khi có 1 đứa con bị khuyết tật, các nghiên cứu chỉ ra rằng vai trò của cha và mẹ có xu hướng tuân theo truyền thống. Tức là chồng đi làm, vợ ở nhà chăm con. Khi đó, 1 trong 2, cũng có khi cả 2 người sẽ không cảm thấy thoải mái với việc phân công lao động như vậy
– Hành vi của con trẻ: theo như nghiên cứu, thường thì không phải việc trẻ bị khuyết tật gây ra căng thẳng cho cha mẹ mà vấn đề về hành vi của trẻ mới là nguyên nhân chủ yếu. Mức độ và tần suất của các vấn đề về hành vi này sẽ thật sự gây ảnh hưởng tới mối quan hệ vợ chồng của 2 người
– Áp lực về thời gian: bạn có thể sẽ không có nhiều thời gian dành cho bạn đời, đi ra ngoài, theo đuổi những sở thích hoặc đi nghỉ.
Khéo léo xử lý những căng thẳng trong mối quan hệ vợ chồng
Dành thời gian cùng nhau vì đó là điều tốt nhất bạn có thế làm để giảm căng thẳng trong mối quan hệ của 2 bạn. Hãy tìm cách để dành thời gian thoải mái bên nhau, cùng thư giãn và gần gũi nhau. Bạn cũng có thể cần tận dụng thời gian không phải chăm sóc trẻ để dành thời gian riêng cho mình.
Sau đây là 1 số cách khác để giảm căng thẳng:
– Chúc mừng các thành tựu đạt được, của bạn và của con bạn – tập trung vào các điểm tích cực
– Chia sẻ gánh nặng công việc gia đình để bạn đời không phải quá mệt mỏi.
– Chia sẻ với bạn đời về cảm nhận của bạn, lắng nghe nhau và động viên lẫn nhau
– Cười: một chút hài hước sẽ giúp bạn bớt căng thẳng và nhìn nhận tình hình lạc quan hơn.
– Đòi hỏi các quyền lợi kinh tế mà bạn được nhận để giảm bớt áp lực tài chính trong gia đình. Thêm vào đó, hãy cùng nhau quyết định về các khoản chi tiêu để có thể tiết kiệm tiền
Tận dụng tất cả sự hỗ trợ sẵn có. Thực tế là, càng nhận được nhiều sự hỗ trợ bạn sẽ càng giảm bớt căng thẳng và điều đó cũng làm cho mối quan hệ của bạn với bạn đời trở nên tốt đẹp hơn. Các cặp vợ chồng càng được hỗ trợ nhiều sẽ càng hài lòng trong hôn nhân và ít stress hơn. Các nguồn hỗ trợ có thể từ:
– Các thành viên trong gia đình
– Các tổ chức khuyết tật
– Các tổ chức cộng đồng
– Các nhóm hỗ trợ đồng cảnh ngộ
– Các chuyên gia như chuyên gia tâm lý
Chia sẻ nhưng câu chuyện, lời khuyên và sự hỗ trợ với các cặp vợ chồng có con bị khuyết tật khác
Giải quyết xung đột
Ngay cả những mối quan hệ vợ chồng bền chặt nhất vẫn có thể xảy ra xung đột và căng thẳng. Vì vậy chắc chắn những điều đó sẽ càng dễ dàng xảy ra khi có thêm áp lực. Sau đây là 1 số phương pháp hữu dụng giúp bạn có thể xử lý mâu thuẫn:
– Lắng nghe và hãy cố gắng hiểu nhau
– Khi có sự khác biệt hãy tự tìm 1 giải pháp
– Sẵn sàng dàn xếp
– Tập trung vào vấn đề tình huống chứ không phải vào 1 người
– Hãy để cho bạn đời nói mà không bị chặn lại
Khi nào thì tôi nên lo lắng về mối quan hệ của mình?
Ngay sau khi con bạn được chẩn đoán bị khuyết tật thì lúc đó mối quan hệ giữa vợ chồng bạn có thể sẽ bị ảnh hưởng khi cả 2 bạn đang phải tập thích nghi với sự thật và cố gắng kiểm soát phản ứng của bản thân
Mỗi cặp vợ chồng sẽ có cách xử lý riêng với chẩn đoán của con mình. Nhưng bạn cần chú ý tới mối quan hệ của 2 bạn nếu các hành vi sau vẫn tiếp diễn sau 1 thời gian:
– Mất cảm hứng chuyện chăn gối
– Không có thời gian gần gũi bạn đời
– Không có thời gian dành cho nhau
– Giảm nhiều thời gian tâm sự với bạn đời
– Càng ngày càng có nhiều tranh cãi và tranh cãi gay gắt hơn
Tôi có thể tâm sự với ai nếu tôi lo lắng về mối quan hệ của mình?
Người đầu tiên bạn nên nói chuyện cùng chính là người bạn đời. Bằng cách nói chuyện cởi mở về cảm nhận của bạn, bạn có thể giải tỏa được những phiền muộn
Medshopvn dịch
Theo Raisingchildren
Nguồn: http://www.medshop.vn