
“Mẹ Hiền” của những thanh niên khuyết tật
Từ một nhóm tự lực của người khuyết tật (NKT), sau mười năm đi vào hoạt động, đến nay, Trung tâm dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên, thiếu niên khuyết tật (TN, TNKT) Vì ngày mai (Trung tâm Vì ngày mai), địa chỉ tại 96 – tổ 19b – Cổ Nhuế, Từ Liêm (Hà Nội) do bà Lê Minh Hiền làm giám đốc đã đào tạo, dạy nghề cho gần 500 TN, TNKT. Nhiều em trong số này đã nên người, tự mở được cửa hàng của riêng mình. Nhiều em đã trở thành những “cánh tay” đắc lực giúp bà Hiền đào tạo các bạn cùng hoàn cảnh và cũng chính ở nơi đây, 30 đôi đã được bà se duyên.
Bà Lê Minh Hiền hướng dẫn những cháu mới đến học ở trung tâm
Ở cái tuổi 60, con cái đã trưởng thành và muốn mẹ được nghỉ ngơi để phụng dưỡng, nhưng nhìn thấy các cháu TN, TNKT vất vả tìm việc, tìm nghề là ý nghĩ nghỉ ngơi lại tan biến trong tôi – Bà Lê Minh Hiền bộc bạch.
Năm 1971, với kết quả học tập xuất sắc chị Hiền được cử sang Ðức du học khi đang học lớp 10, nhưng vì thương con sức khỏe yếu nên bố chị không muốn chị phải sống xa nhà, khuyên chị ở lại học trong nước. Ở Trường đại học Ngoại thương, chị Hiền luôn nổi bật bởi thành tích học tập của mình, trở thành một trong hai sinh viên xuất sắc được làm luận văn tốt nghiệp vào năm cuối. Cuộc sống của chị trôi đi với những thành công nối tiếp thành công nếu như không có ngày chị đạp xe sang Gia Lâm xin nhận xét nơi thực tập để hoàn thành luận văn và không may bị tai nạn ô-tô, với thương tật tay trái và chân phải chị gãy, cột sống chấn thương nặng trong lúc kỳ thi sắp đến. Sau nhiều ngày hôn mê, chị được sự cứu chữa tận tình của các y, bác sĩ. Tỉnh dậy trong bệnh viện, việc đầu tiên chị nghĩ đến là phải thi tốt nghiệp. Ba ngày ròng rã, cứ thi xong môn nào là chị lại được cáng về trạm xá của trường điều trị và kết quả chị đã đỗ tốt nghiệp kỳ thi năm ấy. Thi xong chị phải nằm viện thêm một năm nữa với tám lần phẫu thuật.
Chị được ra viện năm 1976.
Năm 1979 chị lập gia đình, lần lượt một gái, một trai xinh xắn khỏe mạnh ra đời, nhưng niềm hạnh phúc của chị lại nhanh chóng bị dập tắt khi chồng chị qua đời năm 1995, mọi gánh nặng đè hết lên vai người phụ nữ tật nguyền. Ðể có thêm tiền nuôi con chị đã làm rất nhiều nghề từ thêu, làm bánh chưng, bán kẹo lạc đến mở hàng may, bán phở, cháo, sữa chua. Bước ngoặt cuộc đời của chị vào ngày 8-3-2002, sau khi chị nghỉ làm việc tại Trung tâm nhân đạo Linh Quang do sức khỏe. Thiếu người hướng dẫn, hàng làm ra bị hỏng, phải chữa, phải đền vì vậy các TN, TNKT tìm đến chị nhờ chữa và chủ hàng mời chị tiếp tục cộng tác. Trung tâm Vì ngày mai ra đời từ đấy, với nhiều TN, TNKT được gửi đến. Ngày đầu nhiều em còn bỡ ngỡ lạ lẫm, bởi nhiều năm chỉ biết quanh quẩn bên trong bốn bức tường. Có em chưa được một ngày đến trường, hoặc chưa học hết cấp tiểu học. Ðể học nghề và làm việc được, Trung tâm phải tổ chức các lớp dạy văn hóa giúp mọi người đọc thông viết thạo, học ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính, học kỹ năng giao tiếp, ứng xử, biết cách chăm sóc sức khỏe vị thành niên… Bà Hiền cho biết: Chúng tôi muốn sau này, khi rời trung tâm, các em khuyết tật cũng có những hoài bão, ước mơ như bao người khác, có kiến thức toàn diện hơn và năng động hoạt bát hơn để không những chỉ xin được việc làm tại doanh nghiệp mà còn có thể tự tìm được cho mình các vị trí tưởng như xa vời như tự lập xưởng sản xuất, là những ông chủ, hay thợ giỏi, nuôi chí để học lên tiếp hay chuyển sang lĩnh vực khác.
Chúng tôi gặp hai chị em Nguyễn Thị Thơm và Nguyễn Thị Nhẫn, quê ở Nam Ðịnh, đều bị khiếm thính. Năm 2002, cả hai đến với Trung tâm khi Thơm mới 17 tuổi, Nhẫn 15 tuổi. Lúc đó, hai em còn rụt rè nhút nhát, nhưng sau hai năm học nghề làm hoa lụa, giờ đây các em đã tự mở được xưởng làm hoa, thu hút nhiều người bình thường ở làng cùng làm thuê. Ðiều kỳ diệu hơn, Nhẫn tìm lại người yêu xưa là nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin cũng được nuôi, dạy tại Làng Hòa Bình. Hai người gặp nhau, quyết tâm xây dựng hạnh phúc và có một cậu bé khôi ngô sáu tuổi, họ đang hạnh phúc. Nguyễn Thị Thu Thương (còn gọi là Thương Thương), bị mắc căn bệnh xương thủy tinh. Trước đây, em là một cô bé hay khóc, lúc nào cũng buồn lo rằng sau này khi bố mẹ không còn nữa, thì em không biết sẽ sống như thế nào? Chỉ sau hai năm ở Trung tâm, em đã trưởng thành lên rất nhiều, không những tự sáng tạo ra nhiều sản phẩm đẹp mà em còn vượt qua mọi rào cản để trở thành bà chủ. Hiện, Thương là chủ trang thông tin điện tử thuongthuong.net, không chỉ nuôi sống được mình mà còn giúp cho nhiều bạn kém may mắn như mình có việc làm.
Trung tâm Vì ngày mai vừa đón nhận tin vui, nhằm xây dựng ở Hà Nội một mô hình xã hội hóa điển hình phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển toàn diện về chăm sóc giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật (NKT) nói chung, trung tâm dành cho NKT có quy mô nói riêng, tháng 5 vừa qua, Hội giúp đỡ thanh niên và nhân dân Ðức (DJB) đã tài trợ 2,7 triệu ơ-rô để xây dựng Trung tâm và đào tạo nghề, nâng cao trình độ văn hóa, khả năng hội nhập cho thanh niên, thiếu niên khuyết tật và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, nhân viên làm việc tại cơ sở của NKT.
Bài và ảnh: TRỊNH SƠN
Nguồn: nhandan.com.vn