
Mái ấm tình thương cho trẻ em khuyết tật
Thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 6-1996, đến nay Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật (CTTETT) – TP Nam Ðịnh đã đón nhận, cứu chữa và dạy chữ cho hơn 3.500 TETT ở tỉnh Nam Ðịnh và 14 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Lương y Nguyễn Thị Tú dạy trẻ bị câm điếc bẩm sinh phát âm và làm tính.
Nơi đây thật sự là mái ấm tình thương cho nhiều trẻ em thiếu may mắn được hòa nhập cộng đồng, tự lo cuộc sống.
Khi đến thăm Trung tâm CTTETT- TP Nam Ðịnh, tôi gặp bà Ðặng Thị Lợi (phường Lộc Hòa, TP Nam Ðịnh) đến đón cháu nội tám tuổi đang chữa trị tại đây. Ôm chặt đứa cháu trai bé bỏng vào lòng, bà Lợi cho biết:
– Cháu Trần Minh Hiếu bị câm điếc bẩm sinh, đã chữa chạy ở nhiều nơi nhưng vẫn không có kết quả. Năm 2011, qua bạn bè giới thiệu, gia đình đưa cháu đến Trung tâm, được xếp vào lớp trị liệu ngôn ngữ do bác sĩ Ngô Tiến Học và lương y Nguyễn Thị Tú phụ trách. Bố mẹ cháu làm công nhân may, đi suốt từ sáu giờ sáng đến chiều tối mới về. Thương con vất vả, cháu ốm đau bệnh tật, bà nhận phần đưa đón cháu hằng ngày. Cứ mỗi chiều đi đón cháu là lòng bà lại băn khoăn với câu hỏi: “- Liệu cháu mình có hy vọng gì không?”. Ba tháng trôi qua, vào một buổi tối khi mọi người trong gia đình quây quần bên mâm cơm, đột nhiên Hiếu bật nói “Bà… cho con… ăn cơm…”. Cả nhà vỡ òa trong niềm vui đến trào nước mắt. Sau gần ba năm điều trị tại Trung tâm, đến nay, Hiếu phục hồi được chức năng nghe nói, thuộc nhiều bài hát và làm toán khá nhanh. Ðược bà nội, cô giáo Tú khích lệ, Hiếu cất tiếng hát: “- Bà ơi… bà… cháu yêu bà lắm..!”. Dẫu nghe cháu hát còn ngập ngừng, ngọng nghịu nhưng tôi thấy trên khuôn mặt của người bà vẫn ánh lên niềm hạnh phúc khôn tả. Lương y Nguyễn Thị Tú thì cho rằng, điều trị thành công những trường hợp như cháu Hiếu là cả một kỳ công, thử thách lòng kiên trì, tình thương yêu trẻ của cán bộ, nhân viên ở Trung tâm và cả người thân của các cháu. Dạy cả trăm chữ, các cháu mới tiếp thu được một!
Ðến với lớp chăm sóc trẻ tự kỷ của cô giáo Phan Thị Hương, tôi mới cảm nhận hết ý nghĩa lời tâm sự của lương y Nguyễn Thị Tú. Lớp hiện có 21 em, khi mới vào đây các em đều bị bệnh nặng với những biểu hiện lầm lì vô cảm, hoặc hoạt động liên tục thậm chí một số còn la hét, đập phá đồ chơi, không chịu mặc quần áo… Sau một năm kiên trì chăm sóc, chữa trị cho các em bằng tất cả tình thương, hầu hết các em đều có những chuyển biến tốt. Hai em Nguyễn Văn Phương (tám tuổi), Vũ Hồng Diệp (14 tuổi) đều ở TP Nam Ðịnh, từ chỗ vô cảm nay đã chơi với bạn, tự xúc cơm và chào hỏi mọi người. Hai lớp học dành cho trẻ thiểu năng trí tuệ và bệnh đao, trẻ khuyết tật vận động… cũng gặp nhiều khó khăn tương tự. Nhưng bằng tấm lòng và tình yêu thương của mình, các lương y, giáo viên của Trung tâm đã cứu chữa và tạo dựng niềm tin cuộc sống các em. Tiếng lành đồn xa, ông Phạm Văn Ðức ở tận huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) cùng nhiều gia đình ở Yên Bái, Hải Phòng, Ninh Bình… đưa con đến Trung tâm chữa trị. Bà Nguyễn Thị Phùng (Hợp Thành, Thủy Nguyên, Hải Phòng), có cháu nội Bùi Gia Huy bị câm điếc bẩm sinh được chữa trị thành công, viết thư cảm ơn: “- Các cô bác ở Trung tâm đã coi cháu Huy như con cháu trong nhà, không quản khó khăn vất vả, dịu dàng bấm huyệt châm cứu và dạy nói, dạy chữ cho cháu. Ơn này, gia đình tôi xin ghi lòng tạc dạ”.
Giám đốc Trần Hải cho biết, qua 17 năm hoạt động, Trung tâm CTTETT- TP Nam Ðịnh đã đón nhận, cứu chữa và dạy chữ cho hơn 3.500 TETT ở tỉnh Nam Ðịnh và 14 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mỗi em là một cảnh ngộ, một cảnh đời khác nhau nhưng có chung một điểm là kinh tế gia đình rất khó khăn vì bao nhiêu tiền của đều dồn vào chữa bệnh cho các cháu ở nhiều nơi. Nhưng ở Trung tâm, các em được hỗ trợ tiền nuôi dưỡng, ở nội trú miễn phí từ nguồn tài trợ, ủng hộ của những tấm lòng vàng, hảo tâm “thương người như thể thương thân” trên khắp mọi miền đất nước và bạn bè nước ngoài. Học sinh chăm ngoan, học giỏi cũng được tặng học bổng. Số liệu thống kê cho thấy, hơn 70% TETT điều trị tại Trung tâm có tiến triển tốt, được phục hồi chức năng vận động, nghe nói; biết tự chăm sóc mình và giao tiếp đơn giản. Cùng với chữa bệnh, phục hồi chức năng, Trung tâm còn dạy hàng trăm em biết đọc, biết viết. Nhiều em từ lớp học “Tình thương” đã có thêm cơ hội tạo lập cuộc sống gia đình, như anh Nguyễn Anh Tuấn (26 tuổi, ở phường Vị Hoàng, TP Nam Ðịnh) bị thiểu năng trí tuệ (thể nhẹ) sau khi chữa trị, học văn hóa ở Trung tâm, trở về nhà lấy vợ, mở cửa hàng bán giày dép làm kế sinh nhai. Trần Tuấn Mạnh (phường Lộc Vượng, TP Nam Ðịnh), bị liệt và teo cả hai chân phải ngồi xe lăn, vào Trung tâm từ năm 2008. Sau ba năm chữa trị, học văn hóa hết lớp 5 ở Trung tâm, anh Mạnh tiếp tục vừa học văn hóa vừa học nghề sửa chữa máy tính ở Trung tâm giáo dục thường xuyên của TP Nam Ðịnh, hiện làm chủ cơ sở quảng cáo Sao Ðỏ có uy tín ở TP Nam Ðịnh.
Hiện, Trung tâm có 21 cán bộ, nhân viên; 15 giường bệnh và bảy lớp học, chữa trị, chăm sóc, dạy kỹ năng sống, văn hóa cho gần 100 trẻ câm điếc bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, bị tật vận động. Con đường phía trước còn nhiều gian nan, vất vả nhưng bằng tấm lòng yêu trẻ, cảm thông với từng số phận và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, những cán bộ, nhân viên y tế ở Trung tâm CTTETT- TP Nam Ðịnh sẽ tiếp tục tạo dựng được niềm tin cuộc sống cho nhiều trẻ em thiếu may mắn trên khắp mọi miền đất nước, xứng đáng với sự ghi nhận của cộng đồng và xã hội trong gần 20 năm qua.
Bài và ảnh: ÐẶNG NGỌC OANH
Nguồn: www.nhandan.com.vn