
Lớp học đặc biệt
Lớp học rất đặc biệt, đã 13 năm nay. Một phòng học có tới bốn giáo trình cho bốn lớp. Thầy giáo, một đã 71 tuổi, một đã 83 tuổi. Học trò có em phải học năm năm mới viết được chữ O và làm được phép cộng, trừ từ 1-10!
Đó là câu chuyện của hai lớp học ở Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật TP Nam Định. Học trò là những em nhỏ bị nhiễm chất độc da cam, câm điếc, bại não, đục thủy tinh thể, trí tuệ kém phát triển và mắc bệnh tự kỷ… Hành trình mang từng chữ và con số đến với các em là hành trình gian nan.
Gieo chữ trên những phận đời bất hạnh
Sáng thứ hai, lớp học của thầy Lê Vũ Đạo bắt đầu bằng môn tiếng Việt dành cho lớp 1. Quỳnh Anh, cô bé 7 tuổi, bị úng thủy não và chân phải bị tật, cố kiễng chân lên, hai tay đưa quyển vở cho thầy, hồn nhiên: “Ông ơi! Ông viết bài hộ cháu với”… Quỳnh Anh từng học lớp 1 ở trường ngoài nhưng không theo kịp, bố mẹ phải xin vào đây. Cạnh Quỳnh Anh, hai cậu học trò chữ đẹp nhất lớp đang nắn nót viết. Đó là Lê Phi Huỳnh (17 tuổi) trí tuệ chậm phát triển và Đàm Thanh Trung (19 tuổi) bị câm điếc…
Tình thương bao la
Giai đoạn khó khăn nhất (1996-1998), các thầy và những người vốn là bác sĩ, y tá về hưu cưu mang lớp học này phải mua từng bao thuốc lá, từng trái dưa hấu về bổ ra thành miếng bán ở vệ đường. Họ chắt chiu từng đồng để lấy tiền chữa bệnh cho các em nhỏ, trả tiền điện nước hằng tháng và nuôi lớp học.
Lớp có hẳn đội sao đỏ gồm ba bạn: Trần Duy Thế (19 tuổi) trí tuệ chậm phát triển; còn Phạm Thu An (20 tuổi) và đội trưởng đội sao đỏ Trần Văn Sỹ (33 tuổi) đều bị nhiễm chất độc da cam.
Thủ lĩnh của lớp là Kim Oanh (23 tuổi) bị hội chứng Down. Ngày nào Oanh cũng đi học sớm và về trễ để giúp thầy đóng mở cửa lớp. Buổi chiều cô bé còn đi giữ trẻ, một tháng được 300.000 đồng phụ giúp mẹ. Oanh học từ năm 1999 nhưng bây giờ mới biết đọc, biết viết nhuần nhuyễn.
Mỗi học trò có một quyển sổ liên lạc được thầy Đạo theo dõi cụ thể hằng ngày và gửi cho phụ huynh. Người thầy giáo từng dọc ngang một thời lửa đạn ấy hiểu rõ hoàn cảnh gia đình từng học trò. Đó là em Vũ Thúy An, 10 tuổi, bị câm điếc. An học lớp 1 tới ba năm mới làm được phép cộng trừ. Em Vũ Thúy Hoa, 12 tuổi, không nói được nhưng tiếp thu nhanh, viết chữ đẹp. Và kia là Trịnh Hồng Trinh (18 tuổi) bị nhiễm chất độc da cam và Nguyễn Thị Thúy (25 tuổi) bị tâm thần. Cả hai đã học năm năm nhưng mới viết được chữ o và e!
13 năm qua, hơn 100 học trò ở đây đã đi qua cuộc đời thầy Đạo. Trong số đó có Trần Mạnh Tuấn, hiện là giám đốc Công ty quảng cáo Sao Đỏ. Tuấn bị liệt hai chân, suốt ba năm ròng ngày nào thầy Đạo cũng cõng Tuấn lên lớp học trên tầng hai rồi lại cõng xuống. Tuấn học đến lớp 9 rồi đi làm và sau đó mở công ty riêng.
Vừa dạy vừa… dỗ
Thầy Vũ Ngọc Hà (71 tuổi), dạy ở trung tâm từ năm 2005, cho biết giáo trình dạy cho các em ngành giáo dục không có, các thầy phải tự biên soạn. “Dạy để các em nhận diện được chữ và biết viết là chính. Nhiều em sau 1-2 năm học mới có thể viết buông từng chữ một” – thầy nói.
Với môn tập đọc, thầy Hà còn mua bộ ghép vần phát cho mỗi trò một bộ và dạy các em phân biệt từng ký tự. Ở môn chính tả, thầy kiên nhẫn viết chữ mẫu cho từng trò. Cực nhất là giờ toán: trò đánh vật với con số, còn thầy đánh vật với trò.
Thầy Hà kể em nào cũng thích điểm 10. Nếu bị điểm xấu là xé tập, mặt xị ra. “Điểm ở đây như điểm ở… hợp tác xã. Điểm “trấu” chứ không phải điểm “thóc”. Phải liệu liệu cho các em để khuyến khích, động viên. Nhưng cũng có lúc mình phải nghiêm khắc để các em phấn đấu, không nuông quá” – thầy tâm sự.
Còn với thầy Lê Vũ Đạo thì: “Tôi dạy các em bắt nguồn và kết thúc đều bằng tình cảm. Phương pháp và phương châm dạy của tôi là làm cho các em vui mà học, chơi mà học, dễ hiểu, nhớ lâu mới khắc sâu, sinh động gây hứng thú. Và đặc biệt: dạy và dỗ là chính”. 13 năm dạy lớp đặc biệt này, thầy Đạo nghiệm ra: “Thương lắm. Các em bị điếc rất thích nghe, còn bị câm lại rất thích nói. Nhìn các em cứ ú ớ nói theo khi các bạn xung quanh đọc bài, tôi ứa nước mắt”.
Đưa các em vào đời
Ông Trần Hải (73 tuổi), giám đốc Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật TP Nam Định, người khai sinh ý tưởng xây dựng lớp học đặc biệt này, nói về ý tưởng đó: “Khi chữa bệnh cho các em tôi suy nghĩ rất nhiều. Nếu chỉ hết bệnh mà không có chữ, các em không thể mở mang trí tuệ, không thể hòa nhập được với cộng đồng”.
Thế là lớp học được khai sinh. Lớp đầu tiên do thầy Đạo đứng lớp chỉ có năm học sinh. Các thầy phải đi xin từng bộ bàn ghế cũ, gãy về chắp vá lại. Lớp học vốn là căn nhà đóng than tổ ong được các thầy mua lại với giá 1 triệu đồng. Buổi đầu lớp dựng trên nền đất, trống hoác hai bên. Mỗi khi gió mùa đông bắc về, cái lạnh ùa vào làm cả thầy lẫn trò tím tái. Mùa đông nước mưa lạnh thốc vào từng vốc. Các thầy phải lấy giấy dầu và những mảnh bạt nilông vá ngói lại. Còn những tháng mùa hè thì nóng như lò nướng.
Học chữ xong các em còn được học nghề. Thầy Nguyễn Ngọc Hưng (vốn là cán bộ kỹ thuật Công ty may Nam Định) tình nguyện dạy may cho các em ngay tại nhà mình suốt mấy năm. Thầy đã dạy khoảng 300 em khuyết tật, được chuyển từ lớp học của thầy Đạo và thầy Hà lên. “Học hôm nay mai lại quên. Có em dạy cả năm mới nắm hết phần lý thuyết! Còn những em đã nhiễm chất độc da cam quá nặng thì không thể”.
Rồi thầy Hưng đến từng công ty may giới thiệu các em vào làm việc. Giai đoạn đi thuyết phục từng xí nghiệp rất khó khăn. Đến nay 300 em đã được nhận vào làm trong các công ty may sau khi trải qua cuộc thi tuyển tay nghề nghiêm túc (trong đó 70-80% em thi đậu ngay lần 1). Nhiều em đã trở thành thợ giỏi, một tháng kiếm được 800.000-2.000.000 đồng.
MY LĂNG