
Lớp học đặc biệt
Lớp học ấy không bao giờ đầy đủ học sinh mặc dù sĩ số lớp chỉ 15 em. Những ngày thời tiết hơi xấu là lớp học đó vắng tanh. Tiền học phí chỉ 50.000 đồng/tháng, nhưng chưa bao giờ giáo viên thu đủ từ các em. Đó chính lớp học dành cho các em khuyết tật, chậm phát triển mang tên CLB Khuyết tật Tương lai.
CLB Khuyết tật Tương lai (733-735, Hưng Phú P.9, Q.8, TP.HCM) được thành lập từ năm 2000 thuộc Dự án phát triển vùng đô thị Quận 8 do tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ.
Để hát và múa bài Trống Cơm, các em phải tập hơn 2 tháng – Ảnh: Ngọc Mai
Các học sinh của lớp đa phần là con em của gia đình lao động nghèo, nhưng lại mang trên mình những căn bệnh, dị tật quái ác từ lúc mới chào đời. Có những em bị bại liệt, không thể đi được, có những em bị bại não, hội chứng Down, rối loạn thần kinh, chậm phát triển trí tuệ, không thể nói được…
Giờ ra chơi, cũng là giờ các em ôn lại những con chữ – Ảnh: Ngọc Mai
“Nếu lần đầu tiên đến với lớp học, đừng ngỡ ngàng khi thấy các em ở đây ôm hôn, hay đút ăn cho nhau. Vì các em được dạy là phải biết thương yêu, giúp đỡ nhau, nên các em thể hiện thế đấy” – Cô Nguyễn Thị Công (tình nguyện viên của CLB) giải thích.
Các em ở đây thể hiện cử chỉ thương yêu bạn bằng cách ôm hôn nhau – Ảnh: Ngọc Mai
Lớp học có một thời khóa biểu giống như những lớp của các học sinh tiểu học bình thường. Sáng 7g vào học, 9g ra chơi sinh hoạt tập thể, 10 ăn giữa giờ, 11g30 ra về. Những tiết học tại đây thường là những giờ tập phát âm, tập nhớ tên mình, tên bạn, tập nhận biết đồ dùng xung quanh. Giờ làm bài tập là những giờ tô màu, xếp hình, dọn dẹp đồ dùng học tập, giới thiệu tên của các thành viên trong lớp.
Sau khi chơi xong, các em tự sắp xếp, thu dọn lại đồ chơi của mình – Ảnh: Ngọc Mai
Cô Công chia sẻ: “Có nhiều em do hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ làm thuê và thường xuyên thất nghiệp, nên nhiều lúc các em nghỉ học do không có tiền đóng, nhưng thật sự là tôi cũng khuyên các phụ huynh cứ để các em vào đây học bình thường, đừng vì chuyện học phí mà ảnh hưởng đến giờ lên lớp”. Cũng vì thế nên nhiều lúc cô Công và cô Trần Thị Sáu (hai tình nguyện viên duy nhất của CLB) đã tự bỏ tiền túi ra để hỗ trợ phần nào tiền sinh hoạt của CLB.
QUỲNH NHƯ
Nguồn: Tuổi Trẻ Online