
Lớp học đặc biệt cho học sinh mắc hội chứng Down
PN – Tất cả những trường chuyên biệt dạy các em thiểu năng đều trả các em về nhà từ năm 16 tuổi. Về nhà, các em thường trở nên thụ động, tay chân vụng về hơn. Vì thế, một số phụ huynh đã hùn nhau mở một lớp học dành cho các em bị hội chứng Down, chậm phát triển bị… hồi gia.
My Future
Là tên của lớp học mà học trò là những cô cậu tuổi đôi mươi nhưng vẫn ê a đánh vần. 11 giờ trưa, trước cửa lớp học ở Trung tâm khuyết tật và phát triển (DRD, 91/6N, P.12, Q.10, TP.HCM), một bà cụ lấp ló gọi: “Tú ơi! Ngoại đứng đây mà”. Bàn tay bà run run vẫy đứa cháu có gương mặt ngờ nghệch. Bà là bà Triêng, bà ngoại của cháu Tú. Bà kể: “Hồi cháu mới sinh, bác sĩ nói cháu mắc hội chứng Down, tôi không tin. Mãi đến năm tuổi cháu vẫn chậm nói, phản xạ chậm, tôi mới biết. Lúc đó, cha Tú bỏ đi lấy vợ khác. Khi cháu lên 10 tuổi, mẹ cháu cũng đi lấy chồng. Tôi phải tự kiếm tiền nuôi cháu”.
ThS Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và phát triển (Khoa Xã hội học, Trường ĐH Mở TP.HCM) cho biết: “Hơn một năm trước, một nhóm phụ huynh có con bị hội chứng Down, đến xin Trung tâm mở lớp học cho các em. Nếu để các em ở nhà, phụ huynh khó dạy dỗ và các em trở nên ù lì, mai một những kỹ năng đã được học ở trường. Chúng tôi chỉ giúp chuyên môn, phụ huynh tự luyện tập để các em học kỹ năng sống độc lập. DRD cung cấp giáo viên, tình nguyện viên. Sau một quý, giáo viên ghi lại sự thay đổi hành vi của các em. Một tuần có hai buổi học múa hát, văn hóa, nấu ăn ở DRD; hai buổi học võ Aikido ở số 2, Hồ Xuân Hương, Q.3; một buổi học làm nhang ngay tại nhà một phụ huynh ở Q.Gò Vấp. Lớp học có chín em, học phí 500.000 đồng/em/tháng”.
Các bạn học sinh của lớp My Future trong giờ học làm nhang
Tại bếp ăn tập thể của DRD, các em tập nấu ăn. Cô Thanh Hương vừa giải thích, vừa hướng dẫn các em lặt rau. Bàn tay em Quỳnh Như run rẩy cầm dao cắt cà chua, hai cô hướng dẫn khác luôn miệng nhắc: “Cẩn thận kẻo đứt tay nhé”; “Coi chừng nước nóng đó”. Đến giờ học bóc trứng, các bạn đều háo hức nhưng chỉ trong vòng 10 phút, rổ trứng cút bể vụn. Cô Thanh Hương nói: “Người dạy phải thật kiên nhẫn. Vì trí nhớ của các em rất thấp nên phải lặp đi lặp lại liên tục, giúp các em hình thành thói quen. Mỗi lần học nấu ăn, ly chén bể, đồ ăn rơi là chuyện bình thường”.
Vào giờ học làm nhang, các em chỉ trộn bột, đem nhang đi phơi. Phụ huynh và cô giáo điều khiển máy làm nhang. Sau khi làm xong, bạn Dương Ngô Bình Thuận (30 tuổi), lớp trưởng lớp My Future đem đến các chùa bán. Tiền bán nhang dồn lại, cuối năm phát cho các bạn.
Gieo yêu thương
Chín bạn trong lớp là chín cá tính khác nhau, mỗi cô giáo phải hiểu rõ để chỉ bảo, kèm cặp. Cô Thanh Hương kể: “Minh Thi rất dữ, thường đánh trả các bạn, Anh Tú hay lấy cắp tập viết, đồ dùng của bạn, Thịnh thích bắt chước… Mỗi bạn cũng có một sở trường riêng. Hà Thanh giỏi đánh đàn, Quỳnh Như viết chữ đẹp, Yến Linh lại tập võ Aikido rất tốt, hiện đã lên đến đai xanh ba gạch đó. Hầu như bài quyền nào Linh cũng nhớ, tập đẹp và đúng nữa”.
Cô Hạnh kể: “Hơn ba năm trước, ba của Đạt mất. Không ngờ, ngày nào Đạt cũng giở hình đám ma ra xem và khóc nức nở. Thời gian đó, cháu hay ngồi nói lảm nhảm một mình. Gia đình đưa cháu vào Chợ Quán. Bác sĩ nói Đạt bị sốc về tình cảm. Bác sĩ kê đơn thuốc và dặn dò người thân không nên khơi gợi những chuyện buồn đã qua với Đạt”.
Trí tuệ kém nhưng các bạn vẫn rất giàu tình cảm. Nếu bạn nào vắng, các bạn thường hỏi thăm cô giáo. Khi ra về, bạn Yến Linh níu cổ các bạn xuống hôn thắm thiết. Cô Diễm nhắc nhở: “Yến Linh không được hôn tạm biệt các bạn nam nhé”. Cô giải thích với tôi. “Các em ngây thơ chứ có ý gì đâu, nhưng vẫn phải dặn dò để các bạn nữ tránh nguy hiểm khi gặp phải yêu râu xanh”.
Nga My – theo phunuonline