Hướng dẫn con tự đi vệ sinh

1. Ban ngày

Ban ngày, khoảng hai tiếng bạn nên nhắc nhở và dắt con đi toilet, đều đặn như vậy trong vài tuần. Sau đó, bạn chỉ nhắc nhở và lơi dần việc dắt con vào nhà vệ sinh. Bạn có thể thương lượng với trẻ là là con vào đi tiểu trước rồi mẹ sẽ vào sau, mẹ đang bận việc. Khi bạn hứa, bạn phải giữ đúng lời thì mới dạy được bước kế tiếp. Tháng rộng năm dài, bạn chỉ nhắc nhở và dần dà quên luôn chuyện này (khi nào bạn cảm thấy tự tin về con).

Hướng dẫn trẻ bỏ tã ban ngày để tự điều khiển vệ sinh cho cá nhân đôi khi gây cho bạn nhiều bực bội, vì trẻ không chịu vào nhà vệ sinh mà thich “tè” tại chỗ trẻ đang đứng, và nếu việc xẩy ra ở nhà người khác thì sự bực bội này lại nhân đôi. Đề nghị bạn trước khi đi chơi nên cho trẻ đi tiểu trước. Đến nhà khách thì đi thêm một lần nữa. Độ hai tiếng sau (tuỳ vào độ tiêu thụ nước của trẻ) bạn hãy dắt và bắt trẻ phải đi tiểu thêm một lần nữa.

 

2. Ban đêm

Ban đêm trước khi trẻ đi ngủ bạn nhắc nhở hay dắt trẻ đi tiểu để kiểm soát trẻ có thực sự đã tiểu rồi hay không, tiểu rồi thì mới cho con lên giường (vì trẻ ngủ sớm hơn bạn). Khi bạn đi ngủ thì nên dắt trẻ đi thêm một lần nữa. Đến sáng thức dậy, nước tiểu vừa đầy bạn chỉ với miệng gọi và thúc con phải đi tiểu gấp. Nên lót miếng cao su dưới nệm của trẻ và phủ thêm một tấm ga trải giường lớn hơn tấm cao su để lỡ trẻ có són ra đó, bạn đỡ công giặt nhiều hơn. Sau bữa cơm chiều thì không nên cho trẻ uống nhiều nước để tránh việc trẻ đi tiểu ban đêm.

3. Dạy trẻ vào toilet

Vì sao có trẻ rất sợ ngồi vào bồn cầu trong toitlet. Lý do là trẻ không muốn bỏ tã hay bỉm và trẻ sợ bị bắt buộc ngồi trên bồn cầu.

  • Trẻ không muốn bỏ tã hay bỉm vì từ lúc lọt lòng, trẻ được bạn cho mang tã hoặc bỉm vào rồi, khi nào đồ phế thải đầy thì bạn thay cái mới. Điều này rất tiện cho bạn và con, nhưng vô hình chung cũng làm cả hai mắc bệnh lười. Mặc tã hay bỉm lâu ngày đến khi bỏ ra trẻ bị lạnh mông (những phần được tã hay bỉm bao phủ). Đó là một khó khăn cho trẻ khi bạn muốn con bỏ tã hay bỉm.
  • Trẻ sợ bị đặt ngồi lên bồn cầu: Bạn nên xem lại bồn cầu có vừa với khổ người của trẻ hay không? Nếu bồn cầu ở nhà hơi lớn, bạn nên mua một cái dành cho trẻ con bán ở khu dành cho trẻ em, sau đó bạn mang về nhà và lồng chung vào cái đã có sẵn ở nhà nhằm làm cho trẻ ngồi vừa vặn, và em có cảm giác yên tâm. Khi bạn đặt trẻ ngồi lên bồn cầu, em có thể rất sợ, bấu cứng lấy bạn hay khóc lóc, la hét làm khổ sở cho cả hai. Bạn không thể bỏ cuộc và cũng không nên bỏ con ở trong toilet một mình để tự đi tiểu lấy. Bạn phải ngổi lại đó kể chuyện vui cho con nghe để con vơi bớt nỗi sợ, khuyến khích con phải “tiểu” xong mới được xuống cầu. Nên chuẩn bị sẵn một ít đồ chơi thích hợp trong khi đi cầu để bạn có dịp dạy và trẻ không bị gò bó khó khăn khi thi hành bản án bỏ tã hoặc bỉm.

Muốn biết tại sao trẻ sợ đi loại cầu này bạn nên chịu khó tìm nguyên nhân thực tế. Bạn thử ghé tai vào cầu, có tiếng kêu ù ù trong đó. Trong cầu có sẵn nước cùng hơi lạnh, trẻ vì vấn tã 24/24 giờ trong nhiều năm nên khi bạn muốn bỏ tã thì trẻ dễ bị lạnh mông, chính vì lí do này trẻ cố nhịn tiêu và tiểu.

Để giúp con làm quen với việc bỏ tã/bỉm bạn nên tập luyện cùng con theo cách cứ mỗi hai giờ đồng hồ bạn giúp con bỏ tã/bỉm từ 10 đến 15 phút.

Mong là bạn không bao giờ chọn giải pháp đơn giản là chừng nào nó “muốn bỏ” thì bỏ, chứ bạn không thể nào bỏ được. Dưới đây là những kinh nghiệm của người viết khi bỏ tã/bỉm cho con khuyết tật lúc cháu được sáu tháng tuổi.

–          Trước  tiên, bế con vào lòng để xi hai tiếng một lần ngày cũng như đêm.

–          Dần dần không xi nữa mà để ngồi vào ghế có bô hay dắt vào bồn cầu. Khi tiểu xong thì con phải lên tiếng cho mẹ biết để giúp hay cho phép con ra khỏi bô hay bồn cầu.

–          Giai đoạn ba là dạy cho trẻ chùi phần ẩm ướt vừa mới tiểu xong. Dạy trẻ kéo giấy xếp đủ trong lòng bàn tay không dầy lắm, tay bạn nằm dưới tay trẻ đưa xuống phía dưới và dạy cho trẻ chùi (hướng dẫn này dành cho con gái). Riêng về con trai chỉ chờ thật hết nước thì kéo quần lên là xong. Còn nếu kỹ hơn thì bạn dạy trẻ xé một ít giấy vệ sinh, sau đó trẻ dùng giấy vệ sinh bóp nhẹ phần đầu nước còn đọng là xong. Bạn nên để ý lúc trẻ ngồi hay đứng để tiêu tiểu phải ngay thằng, không đi ra ngoài, làm dơ nhà vệ sinh.

Đến đây, xin gợi ý là đi đi cầu cũng tương tự như hướng dẫn đi tiểu. Bạn nên để ý một ngày trẻ đi cầu bao nhiêu lần, sáng hay chiều để nhắc nhở. Khi trẻ đi xong, bạn xé giấy chùi sạch phân cho con, khi đã thật sạch rồi thì dạy con làm giống như những gì bạn đã làm cho đến lúc tạm thấy là trẻ có thể làm được. Bạn nên để lại một phần dơ và tập cho trẻ làm sạch phần còn lại đó.

–          Giai đoạn cuối cùng là bạn chỉ đứng nhìn trẻ làm và sửa sai những phần mà bạn cho là cẩu thả không gọn, không hợp vệ sinh.

Tuy nhiên, trong lúc dạy chùi phân khi đi cầu tuyệt đối không để phân dính tay trẻ vì sẽ làm con sợ, ghê và bỏ luôn cả công trình dạy dỗ khó nhọc của bạn bấy lâu nay. Thế nên xếp giấy để chùi phân cần phải bằng hay lớn hơn bàn tay của trẻ. Bạn nên sáng ý tạo thêm những sự hướng dẫn thích hợp với trẻ hơn. Trong thời gian chờ đợi trẻ làm vệ sinh, nếu thấy con gặp khó khăn và đang rặn, bạn nên phụ rặn để hỗ trợ con. Bạn có thể tập cho trẻ hát những bài hát đã thuộc, đọc sách, v..v.., thì giờ của hai mẹ con trong lúc chờ đợi đi cầu sẽ không bị lạt lẽo. Biết đâu chừng vì sự vui thích này mà trẻ sẽ không chờ bạn nhắc đi nhà vệ sinh mỗi hai tiếng, mà chính trẻ sẽ kéo tay bạn đi trước khi bạn gọi. Đây là lúc vui sướng nhất của bạn.

Khi tiêu tiểu xong nhớ dạy trẻ bấm nước, rủa tay bằng xà phòng, lau khô tay trước khi ra khỏi phòng vệ sinh.

Nguồn: Tài liệu của chamevoiconkhuyettat.org.au

Print Friendly, PDF & Email

Leave a Reply