
Học Cả Đời
Không có chứng cớ nào nói rằng trẻ có hội chứng down khi tới tuổi thiếu niên sẽ ngưng phát triển việc học tập và không có tiến bộ thêm về mặt này khi em trưởng thành. Nghiên cứu theo dõi trẻ cho thấy điều này không đúng. Người có hội chứng down tiếp tục phát triển kỹ năng viết, nói, sống độc lập và giao tiếp trong tuổi trưởng thành. Có trường hợp cô gái 22 tuổi có hội chứng down khi ra ở riêng mà có trợ giúp và có bạn trai, đã có tiến bộ không ngờ. Trường hợp khác cha mẹ nói rằng con khuyết tật đã tiến rất xa, kể cả về mặt học vấn, sau khi rời trường. điều này nêu lên vấn đề về cơ hội giáo dục cho người trưởng thành.
Ngôn ngữ
Nghiên cứu nơi người trưởng thành có hội chứng down thấy có chứng cớ là việc phát triển ngôn ngữ không ngừng ở tuổi thiếu niên hoặc trước đó như đã tưởng trước đây. Thí dụ như người 24 tuổi nói câu dài hơn và phức tạp hơn. Nó cho thấy không có mức giới hạn cho việc phát triển ngôn ngữ.
Hỏi: Cha mẹ nên bắt đầu việc chỉnh ngôn cho con từ khi nào?
Đáp: Ngay từ ngày đầu mới sinh. Gia đình cần có thông tin và phương tiện để có thể giúp con có hội chứng down học ngôn ngữ. Có chương trình can thiệp sớm bao gồm cả chỉnh ngôn, và chương trình khác lại không có. Bạn hãy tìm thông tin qua sách vở, video, hỏi chuyên viên chỉnh ngôn. Người này có thể cho bạn thông tin, thẩm định, phương pháp kỹ thuật, và phương tiện có thể dùng ở nhà.
Có nhiều sinh hoạt bạn có thể làm với con trước khi con biết nói, những điều rất giản dị như hát, chơi trò nhấn mạnh đến âm thanh, nói chung tất cả đều tốt cho giọng nói. Ư a, bập bẹ, khóc, la, cười, bất cứ điều gì sử dụng các bắp thịt môi, miệng, hệ hô hấp và giúp kéo dài hơi thở đều tốt. Bạn có thể không cho đó là chỉnh ngôn, nhưng nó là sinh hoạt về tập nói cho trẻ, trong giai đoạn trước khi biết nói.
Điều quan trọng là trẻ học rằng em có thể có được điều em muốn hay cần bằng cách chỉ vào vật, rồi cuối cùng nói ra chữ. Tức là tỏ ý định. Giai đoạn này xẩy ra trước khi có ngôn ngữ, thường là lúc một tuổi. Trẻ có hội chứng down sẵn sàng dùng ngôn ngữ trước khi em có thể nói. Đó là lý do tại sao chúng ta nên dùng ngôn ngữ bằng cách ra dấu hoặc bảng liên lạc bằng hình trước khi em có thể nói. Bạn có thể không nghĩ là những chuyện bạn làm ở nhà lúc ban đầu là về ngôn ngữ, nhưng chúng dẫn tới ngôn ngữ, và làm cho việc phát triển lời nói và ngôn ngữ được dễ dàng hơn.
Hỏi: Xin cho vài thí dụ về sinh hoạt hằng ngày mà cha mẹ có thể làm để giúp con tăng cường và cải thiện giọng nói?
Đáp: Kinh nghiệm về ngôn ngữ là kinh nghiệm thật trong đời. Khác biệt lớn trong việc dạy con có hội chứng down là có nhu cầu học từ khung cảnh xung quanh. Thí dụ đi chợ ở siêu thị có thể cho kinh nghệm rất hay về việc học ngôn ngữ. Đừng khiến con chỉ dương mắt ngó khung cảnh, mà tùy theo mức phát triển của con, bạn có thể nói tên các loại rau quả, mầu sắc thực phẩm v.v.
Về giọng nói, những sinh hoạt như thổi bong bóng nước, biểu lộ của nét mặt, cử chỉ, và chỉ tay đều giúp phát triển lời nói. Bạn cũng cần dạy việc tỏ ý, tức ý niệm là sự liên lạc giao tiếp mang lại kết quả. Trẻ cần hiểu rằng khi ta phát ra âm thanh, ta nhận được kết quả từ môi trường. Bạn cũng có thể dạy con thay phiên, bằng cách lăn banh tới lui giữa hai người; điều này sẽ dẫn tới việc thay phiên nhau nói trong cuộc trò chuyện về sau.
Bởi chỉnh ngôn là việc học trong nhiều năm dài, bạn cần làm cho việc học vui, tự nhiên, và là một phần của cuộc sống hằng ngày.
Nguồn: chamevoiconkhuyettat.org.au