
Hướng dẫn hành vi cho trẻ có Hội chứng Down
Trẻ con chậm phát triển và nhất là bị chậm nói thường dễ có hành vi trục trặc, trẻ có Hội chứng Down không khó tính hơn những đứa trẻ khác và có hành vi phù hợp với tuổi, nhưng một vài trẻ có Hội chứng Down có thể có hành vi không thích hợp gây xáo trộn cho đời sống gia đình mà cha mẹ thấy khó kiểm soát, sinh ra căng thẳng. Hành vi cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt xã hội như có bạn hay không. Nếu trẻ không chịu ngồi yên nghe chỉ dẫn sau đó chơi trong nhóm thì cơ hội học sẽ bị giảm đi. Vì vậy chuyện cần thiết là cha mẹ và tất cả người trong nhà khuyến khích trẻ có Hội chứng Down có hành vi hợp với tuổi từ lúc rất nhỏ. Bởi, trẻ có khuyết tật gia đình có thể nương tay, quá chiều chuộng làm trẻ hư mà không nghĩ tới việc dạy có hành vi theo tuổi; ông bà có thể nói rằng trẻ chậm phát triển thì không nên đòi hỏi nhiều, hay tệ hơn nữa cha mẹ tin rằng con bất hạnh thì phải bù đắp bằng cách thương hơn và đừng la mắng. Ta nên nhớ khi đi trường và ra ngoài xã hội thì không ai sẽ nghĩ như vậy, mà ý kiến chung là muốn thấy trẻ biết cư xử như trẻ khác đồng tuổi.
Kinh nghiệm của nhà giáo dục nói rằng cha mẹ, thầy cô và nhất là ông bà, cần đồi hỏi trẻ lúc nào cũng phải có hành vi thích hợp và thưởng cho các em khi làm được vậy. Chuyện sẽ làm được dễ hơn nếu ngay từ lúc nằm nôi cha mẹ đặt thời biểu đều đặn cho việc bú, ngủ và những sinh hoạt khác trong ngày. Giờ giấc định sẵn cho mọi chuyện giúp trẻ cảm thấy an toàn và làm cuộc sống có thứ tự hơn, nó cũng làm trẻ hiểu rằng cha mẹ kiểm soát mọi chuyện, thay vì việc trẻ luôn luôn phản ứng lại với những yêu cầu của người lớn.
Phần lớn hành vi là do học mà biết, cả chuyện xấu lẫn chuyện tốt, và có thể thay đổi bằng cách dạy thích hợp. Thay đổi hành vi không dễ nhưng cha mẹ làm được và cần phải tính trước. Những ai săn sóc trẻ có tiếp xúc với các em cần đồng ý đường lối chung và áp dụng chung đồng nhất, và cũng nên nhớ rằng thay đổi hành vi có thể cần thời gian mới thành công.
Cách tốt nhất cho trẻ thấy tự tin và thành thạo cách giao tiếp, cùng phát triển khả năng kết bạn là có càng nhiều kinh nghiệm giao tiếp càng tốt trong gia đình, bạn bè và sinh hoạt cộng đồng. Kinh nghiệm như vậy cho em cơ hội thấy và bắt chước hành vi hợp với tuổi ngoài xã hội, và tăng việc nói chuyện sử dụng ngôn ngữ. Dầu vậy, sự gặp gỡ này cũng có mặt trái mà cha mẹ nên biết là người có Hội chứng Down có tính thân thiện và rất nhạy cảm trước thái độ của người khác. Nếu ai trong lớp hay trong hội quán họ tới chơi không thích họ thì người có Hội chứng Down bắt được ý tưởng này từ điệu bộ, cử chỉ, hay giọng nói. Bởi vì người có Hội chứng Down dù là trẻ nhỏ hay người trưởng thành thường không thể nói rõ mình cảm thấy gì, họ có thể phản ứng lại bằng cách tỏ ra không vui, không thoải mái, có cử chỉ lộ ý bực bội, và lập tức bị người khác cho là có hành vi không thích hợp!
Thầy cô ở trường có thể chưa có kinh nghiệm với trẻ có Hội chứng Down và không chừng có thành kiến sai lầm, vì vậy giải thích trước để ngăn ngừa thì hay hơn là chờ có ngộ nhận xảy ra mới chữa lại. Nhiều trẻ có Hội chứng Down có trí nhớ dai đặc biệt về người và việc khiến chúng có tính làm theo thông lệ (routine), chống đối mạnh mẽ khi có đổi thay. Thói quen này làm chúng dễ bực mình khi bị thất hứa hay lệ thường bị thay đổi bất ngờ. Khi nào có thể được thì nên giải thích cho em biết những thay đổi trong sinh hoạt hay nhân sự (hôm nay cô giáo nghỉ, có thầy giáo dạy thay).
Trẻ có Hội chứng Down bị xem là cứng đầu, sự thực là chúng có thể rất mê mải khi làm việc dù rất nhỏ nhặt, bình thường như đi tất, vẽ hình và khi được yêu cầu làm việc khác thì tỏ ra bực bội. Bạn nên tránh cho trẻ sự cáu kỉnh, chống đối và nếu giải thích không ăn thua thì nên chọc cười, nghĩ cách khác làm em phân tán sự tập trung. Nếu trẻ chậm đáp ứng hay trả lời sai thì nên cho em có thời gian, vì trẻ học khó nên cần nhiều thời gian hơn đẻ có thể trả lời đúng.
Khuyết tật hay học khó không phải là cớ để giảm bớt kỷ luật, ngược lại dạy cách thức sự việc và giới hạn là điều chính yếu cho trẻ học chậm. Trẻ có Hội chứng Down đã bị khiếm khuyết trí tuệ mà nay không được dạy cư xử phải phép là bạn tạo thêm một khuyết tật cho con, khiến con bị bất lợi nhiều hơn.
Như bất cứ trẻ nào khác, sau khi quen thuộc với khung cảnh trẻ có Hội chứng Down sẽ “thử” người trông coi bé, để đối phó thì cần có đáp ứng thông cảm nhưng cứng rắn. Ta cần nhớ rằng trẻ hư có hành vi phá phách thường là vì chán, bực; chuyện cần là tạo cho trẻ một việc làm có đủ kích thích và không quá dễ so với khả năng của em.
Khi trẻ có hành vi không hay mà người lớn chỉ mỉm cười rộng lượng bỏ qua thì điều này có thể dẫn đến vấn đề sau này khó sửa chữa. Thay vào đó, ta nên khen hành vi tốt hơn là để ý tới hành vi không tốt. Trẻ hư chỉ dạy ngắn gọn hay nếu được thì làm ngơ, lời chỉ trích và nhấn mạnh đến sự thất bại chỉ làm giảm lòng tự tin của em.
- Thưởng:
Kỹ thuật hay được dùng về hành vi của trẻ là muốn trẻ lập lại hành vi đúng thì thưởng ngay lập tức cho em sau khi em làm được hành vi ấy, có nhiều cách được sử dụng và không nhất thiết lúc nào cũng là kẹo ngọt:
– Thưởng tình cảm: Nói lời địu dàng êm ái, vỗ vai là hành động hay thấy trong việc giao tiếp mỗi ngày. Khi sử dụng khéo léo thì chúng rất có hiệu quả khiến trẻ tiếp tục có hành vi được thưởng.
– Thưởng tượng trưng: Đó là bằng khen, giấy khen cho người lớn, còn cho trẻ nhỏ là sticker dán trên bảng treo trong phòng, và khi được nhiều thì đổi thành cây kem. Thí dụ sáng dậy treo quần áo ngủ gọn gang thì được một sticker.
– Thưởng trực tiếp: Như một chút thực phẩm, miếng táo, nho khô rất hữu hiệu nếu trẻ hơi đói.
– Thưởng bằng hành động mà trẻ ưa thích: là cách tuyệtdiệu nhất, thí dụ như khi trẻ làm xong một chuyện mà em không thích cho lắm. Nếu trẻ không thích treo quần áo ngủ mà chịu làm thì được thưởng nghe nhạc 5 phút. Tới một lúc nào đó trẻ sẽ thấy hài lòng khi làm việc này, hành động tự nó là phần thưởng và phần thưởng bên ngoài không cần nữa. Khi ấy bạn có thể ngưng hay bở bớt việc thưởng, hay thưởng cách khác. Nguyên tắc là phần thưởng cần phù hợp với mức độ khó khăn hay tầm cỡ của việc làm.
- Kỷ luật:
Trong nhà cần có kỷ luật, kỷ luật giúp tránh có chuyện gây ra rất hữu dụng, tuy nhiên luật phải dễ hiểu cho trẻ nhỏ có ý thức chậm chạp, và luật phải tích cực, khuyến khích để trẻ thấy là theo luật thì sẽ được cái ước ao. Nếu luật ghi có phạt thì không nên làm ngơ khi vi phạm mà phải phạt, bằng không luật trở nên vô nghĩa.
– Làm ngơ: Theo cách này trước đây mỗi khi trẻ phá phách bạn sẽ la lối con, nay bạn làm thinh không ngó ngàng đến trẻ. Mục đích là khi thấy cha mẹ không có phản ứng trẻ sẽ bỏ dần hành vi vì nó không khiến cha mẹ chú ý đến. Cách này thường diễn ra chậm vì trẻ cần một thời gian mới hiểu ra là bị làm ngơ, như thế khi bắt đầu muốn loại bỏ hành vi nào thì nó có thể sẽ tệ hơn (trẻ sẽ leo thang để bạn chú ý) cho tới khi trẻ đoán ra chiến thuật của bạn. Làm ngơ sẽ không thích hợp cho hành vi phá hoại vì trẻ hay người khác có thể bị hại trong lúc bạn chờ cho hành vi biến mất.
– Phạt: Hành vi nguy hiểm và phá hoại có thể phải phạt, haowcj bằng lời khiển trách, hoặc bãi bỏ các đặc ân như không cho xem ti vi chương trình mà trẻ thichsm hay phết vào mông. Dù áp dụng cách nào thì cùng lúc phải dạy cho trẻ hành vi thích hợp để thay vào, nếu bạn chỉ la hét lớn tiếng mà không dạy hành vi đúng thì lần sau trẻ không biết làm sao cho vừa ý cha mẹ. Thêm nwaxm có lời khuyên là khi phải trừng phạt thì tỏ cảm xúc ít chừng nào tốt chừng đó. Bạn muốn trẻ hiểu tại sao bị phạt và tránh như thế nào, chắc chắn bạn không muốn con nhớ gương mặt nhăn nhó khó coi của bạn khi ấy, vì thật tâm là bạn thương con và bạn cũng biết con ngoan không cố tình làm bạn tức giận.
– Phạt ngồi một chỗ: Giờ trống (time out) hay phạt ngồi một chỗ có mục đích là làm trẻ không được chú ý đến nữa trong một lúc. Ở mức độ nhẹ, cha mẹ áp dụng bằng cách làm ngơ quay mặt đi khi trẻ làm bậy, từ chối không tương tác trong một lúc ngắn. Khi khác thì bắt trẻ đứng ở góc phòng quay mặt vào tường vài phút, và hễ đó là lỗi nặng thì cha mẹ có thể đưa con vào phòng của trẻ, ở trong đó chờ tới khi nào cho ra mới được ra.
Có vài điều cần nhớ khi dùng cách này:
+ Thời gian ngồi một chỗ cần tương ứng với tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ.
+ Đừng nói lời giận dữ lúc bắt con ra đứng góc phòng hay dẫn trẻ vào phòng.
+ Chọn chỗ càng gần càng tốt nơi bạn làm việc; cho trẻ ngồi nhưng coo lập, có vật ngăn ranh giới thí dụ một cái ghế đánh dấu mức chia đôi gian phòng là được, sao cho bạn có thể thấy và nghe trẻ. Cách này có lợi cho bạn và con, trẻ sẽ không dở trò phá phách mà bạn thì yên tâm là con được an toàn.
+ Phạt thời gian ngắn là được, dung đồng hồ trên bếp để canh.
+ Hết giờ phạt thì không cho trẻ quay trở lại nơi con đã phá phách trước đó, làm vậy hàm ý thưởng cho hành vi phá phách.
Trẻ học rất nhiều từ cách bạn tương tác với con, vì thế nên ôn tồn giải thích, giữ vẻ mặt thản nhiên tuy bạn rất muốn quát tháo để xả cơn bực tức. Nhiều khi cách tương tác quan trọng hơn lời giản thích, việc bạn phạt con, và đó là bạn dạy con phép giao tế bằng hành động giúp trẻ được độc lập hơn.
(Trích từ “Hội chứng Down và chỉ dẫn cho cha mẹ” do nhóm tương trợ phụ huynh có con khuyết tật và chậm phát triển tại NSW (Úc) dịch và biên soạn)