
Giúp trẻ vượt qua cơn ác mộng
Ai cũng mong muốn có một giấc mơ đẹp trong giấc ngủ, nhưng đôi khi cơn ác mộng cũng có thể đến, khiến chúng ta lo lắng, sợ hãi… Bằng nhận thức, người lớn có thể tự điều chỉnh cảm xúc của mình, nhưng với trẻ nhỏ, những trải nghiệm này sẽ khiến trẻ khó khăn hơn để vượt qua, rất cần sự atrợ giúp của người thân.
Các bố mẹ có thể nhận ra cơn ác mộng trong sự hoảng hốt, trong lời kể của trẻ. Tùy vào vốn ngôn ngữ hiện có, trẻ có thể kể lại nội dung, hình ảnh đã thấy trong cơn ác mộng. Nội dung có thể chi tiết hoặc sơ sài, liền mạch hoặc gián đoạn, nhưng đều xen lẫn cảm xúc lo lắng, sợ hãi.
Để giúp trẻ vượt qua cơn ác mộng, các bố mẹ cũng nên biết lý do gì thường có khiến trẻ gặp cơn ác mộng.
Dưới đây là một số lý do:
– Trước khi đi ngủ, trẻ có thể được xem phim hoặc truyện có nội dung ma quái, kinh dị.
– Vào thời điểm ban ngày, những trải nghiệm trong học tập, những vấn đề ở trường, ở nhà, ở những hoạt động khác khiến cảm thấy căng thẳng, áp lực
– Những thay đổi khiến trẻ chưa kịp thích nghi như chuyển đến nơi ở mới, có người thân mà trẻ yêu quý đi xa, hoặc mới mất khiến trẻ hẫng hụt, hoang mang, mất phương hướng.
– Một số trẻ lại gặp những vấn đề về sức khỏe như ốm đau, bệnh tật khiến giấc ngủ của trẻ không sâu. Khi sức khỏe yếu nhiều trẻ cũng gặp những cơn ác mộng.
– Đôi khi những cơn ác mộng của trẻ lại không từ những lý do gì.
Để giúp trẻ có một giấc ngủ ngon, tránh những cơn ác mộng sẽ tới, các bố mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:
– Tạo thói quen ngủ đúng giờ. Thông thường giấc ngủ của trẻ cần nhiều thời gian hơn so với người lớn. Vì vậy, cần phải tập cho trẻ thói quen ngủ sớm, ngủ và dậy đúng giờ. Với những trẻ đã đi học, tập cho trẻ có thói quen học bài vào một giờ cố định để đảm bảo đúng giờ đi ngủ.
– Chế độ dinh dưỡng buổi tối: Nên cho trẻ ăn và uống sớm, cách xa thời gian chuẩn bị đi ngủ. Đảm bảo trước khi đi ngủ trẻ phải được vệ sinh cá nhân giúp cho giấc ngủ của trẻ không bị gián đoạn giữa chừng.
– Đọc những câu chuyện vui vẻ trước khi ngủ: Có thể đọc cho trẻ nghe những chuyện ngụ ngôn, chuyện dân gian nói về cây cối, loài vật yêu thích đúng với lứa tuổi giúp trẻ thấy hạnh phúc. Tránh đọc chuyện, xem phim kinh dị, hoặc phim ma trước khi đi ngủ.
– Gối ôm yêu thích: Một số trẻ coi thú nhồi bông như một người bạn trong giấc ngủ khiến trẻ cảm thấy an toàn. Vì vậy, cho trẻ dùng gối ôm, hoặc thú nhồi bông mà trẻ yêu thích.
– Sử dụng đèn ngủ: Một số trẻ cảm thấy sợ khi tỉnh giấc trong màn đêm tĩnh mịch. Với trí tưởng tượng phong phú, những hình ảnh ma quái, ghê rợn có thể ẩn hiện. Trong trường hợp có những cơn ác mộng khiến trẻ tỉnh giấc, với ánh sáng nhẹ, trẻ sẽ nhanh chóng nhận ra mình đang ở đâu, chứ không phải là trong giấc mơ kinh khủng đó. Ánh sáng dịu nhẹ sẽ giúp trẻ an toàn và yên tâm hơn, đồng thời bố mẹ cũng sẽ nhanh chóng đến được với trẻ.
Với trường hợp cơn ác mộng đã đến, các bố mẹ cần làm những việc sau:
– Nhanh chóng đến với trẻ. Sự ôm ấp vỗ về bao giờ cũng là điều đầu tiên cần phải làm giúp trẻ nhanh chóng lấy lại được sự bình tĩnh. Có thể hỏi chuyện qua về điều gì khiến trẻ giật mình sợ hãi, nhưng không nên hỏi kỹ. Chỉ cần giúp trẻ nhận ra những gì trẻ mơ thấy không phải là sự thật, chỉ là giấc mơ không hay, hiện giờ trẻ đã được an toàn, đã có người ở bên bảo vệ. Thường thì trẻ sẽ yên tâm và quay trở lại giấc ngủ.
– Trong trường hợp sau đó trẻ vẫn nhớ mãi về cơn ác mộng đó, hoặc cơn ác mộng đó lại tiếp tục quay trở lại, hãy sử dụng một số cách tái hiện tích cực như cùng trẻ vẽ tranh hoặc kể lại câu chuyện với những tình tiết nối tiếp. Thông thường, cơn ác mộng của trẻ bị gián đoạn vào lúc trẻ sợ nhất, vì vậy, có thể cùng trẻ tạo dựng một câu chuyện với tình tiết nối tiếp mang tính chất tươi đẹp, kết thúc có hậu. Trong một số trường hợp khó cải thiện, các bố mẹ có thể đưa trẻ tới bác sĩ để kiểm tra về sức khỏe, hoặc tìm kiếm sự trợ giúp của các chuyên gia trị liệu về trẻ em để tìm căn nguyên của những cơn ác mộng. Rất có thể cơn ác mộng có liên quan tới những vấn đề khó khăn mà trẻ đang gặp phải.
Sẽ có rất nhiều điều mà trẻ cần được bố mẹ giải đáp xoay quanh những tình tiết trong cơn ác mộng. Vì vậy, ngoài tình yêu thương, sự hiểu biết về tâm lý trẻ thì những hiểu biết trên sẽ giúp các bố mẹ có những cách thức giúp trẻ vượt qua cơn ác mộng. Hãy luôn bên cạnh trẻ để giúp trẻ vượt qua rất nhiều khó khăn khác trong quá trình phát triển sau này.
Nguồn: http://www.tamly.com.vn