Giúp trẻ khuyết tật giảm bớt thiệt thòi

Hà Tây là tỉnh có số lượng người khuyết tật khá lớn (39.000 người). Trong những năm qua, các cấp, ngành đã thường xuyên quan tâm, có nhiều việc làm thiết thực giúp đỡ trẻ khuyết tật giảm bớt thiệt thòi trong cuộc sống, có thể hòa nhập với cộng đồng.

Trung tâm Phục hồi chức năng Việt – Hàn nằm trên địa bàn xã Đông Yên, (Quốc Oai) ra đời năm 2006 cũng không nằm ngoài mục đích đó. Mặc dù mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm nhưng Trung tâm thực sự đem đến niềm vui cho những gia đình có trẻ khuyết tật.

Trẻ khuyết tật được tiếp nhận vào Trung tâm chủ yếu ở các dạng: Khuyết tật vận động, chậm phát triển trí tuệ, bệnh đao, trẻ tự kỷ (rối loạn hành vi). Đó là những trẻ khuyết tật khá nặng nhưng vẫn còn có khả năng phục hồi, khi ở gia đình, hầu hết các em đều ít tiếp xúc với bên ngoài xã hội. Đặc biệt, đối với những trẻ chậm phát triển trí tuệ, ít ai nghĩ rằng có thể phục hồi được các chức năng, nhưng qua thời gian giáo dục, điều trị tại Trung tâm, một số trẻ có sự tiến bộ rõ rệt, có thể viết, đọc và làm những phép tính đơn giản, biết cách giao tiếp với người xung quanh.

Trung tâm Phục hồi chức năng Việt – Hàn được xây dựng trên diện tích 3.400m2 với kinh phí đầu tư 1,8 triệu USD, trong đó Dự án GCS (viết tắt của Tổ chức Chia sẻ nhân sự toàn cầu) của Hàn Quốc tài trợ hơn 1,7 triệu USD, còn lại 71.000 USD của tỉnh Hà Tây. Trung tâm được xây dựng theo kiểu kiến trúc nhà 1 tầng, gồm 6 ngôi nhà quây quần xung quanh tạo cảm giác gần gũi, ấm cúng cho trẻ khuyết tật. Hiện tại, Trung tâm có 36 cán bộ, nhân viên, trong đó có 4 người Hàn Quốc.

Hằng năm, Trung tâm phối hợp với Phòng Nội vụ – LĐ TBXH các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức lập danh sách, kiểm tra những trẻ khuyết tật còn khả năng phục hồi để tiếp nhận. Thời gian trẻ được giáo dục, điều trị ở Trung tâm từ 6 tháng đến 1 năm nhưng đối với những trẻ khuyết tật nặng như: Bị di chứng của bệnh viêm màng não, chậm phát triển trí tuệ được kéo dài hơn. Các hoạt động điều trị phục hồi chức năng cho trẻ đều miễn phí, mỗi ngày các em còn được hưởng chế độ ăn 16.000 đồng/người.

Từ khi Trung tâm đi vào hoạt động đến nay, 25 trẻ khuyết tật có tiến triển tốt đã được trở về gia đình, hòa nhập với cộng đồng. Hiện còn 59 trẻ đang được điều trị tại Trung tâm (trong đó có 3 trẻ tự kỷ, 6 trẻ bệnh đao, 37 trẻ khuyết tật vận động và 13 trẻ chậm phát triển trí tuệ). Công tác giáo dục đặc biệt được thực hiện với 47 trẻ chia thành 3 lớp, giáo viên dạy theo nhóm lớp, mỗi nhóm lớp giáo viên lại phải dạy theo từng dạng khuyết tật của trẻ như: Lớp Hoa Mai, Hoa Hồng chủ yếu dạy các môn học Toán, Tiếng Việt; lớp Hoa Sen dạy các kỹ năng nhận biết số đếm, màu sắc và kỹ năng giao tiếp xã hội qua các môn học kể chuyện, âm nhạc, trò chơi…

Chị Nguyễn Như Quỳnh, giáo viên lớp Hoa Hồng tâm sự: “Chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian để tiếp xúc làm quen, giáo dục các em, đặc biệt một số trẻ tự kỷ khi gia đình đưa đến đây luôn trốn tránh mọi người, học trước quên sau, đòi hỏi người dạy phải thực sự kiên trì, nhẫn nại”. Chị Quỳnh cũng không giấu được sự vui mừng khi kể đến những học sinh ở lớp do chị giảng dạy có nhiều tiến bộ: Em Nguyễn Thị Loan (13 tuổi) bị khuyết tật vận động, khi mới vào không biết chữ nhưng chỉ sau nửa năm em có thể đọc, viết, làm những phép tính đơn giản.

Ngoài giáo dục đặc biệt, hằng ngày, trẻ được tiến hành phục hồi chức năng vận động bằng phương pháp luyện tập máy móc, kết hợp với xoa bóp, kéo giãn, áp dụng các bài tập sửa tật ngôn ngữ cho trẻ bại não… Nhờ đó, đã phòng ngừa được các biến chứng thứ phát cho trẻ như: Co rút cơ, teo cơ… Ngoài ra, Trung tâm còn thường xuyên phối hợp với Bệnh viện Nhi T.Ư tổ chức khám và điều trị, hướng dẫn người thân của trẻ phương pháp trị liệu tại gia đình. Hằng tháng, Trung tâm tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ. Mỗi tháng, trẻ được về thăm gia đình 1 lần trong thời gian 3 ngày, đây cũng là dịp để trẻ rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Giáo viên và gia đình thường xuyên trao đổi thông tin về hoạt động của trẻ để theo dõi, điều chỉnh, giúp trẻ phục hồi nhanh hơn. Trung tâm cũng tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: Cho học sinh đi tham quan các di tích lịch sử như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Bảo tàng Lịch sử.

Qua những chuyến đi thực tế giúp trẻ phát triển tư duy, hòa nhập cộng đồng… Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức dạy nghề cho 20 trẻ khuyết tật, chủ yếu về vận động (chiếm 70%) với các nghề: Làm bánh, tin học và xâu vòng hạt. Nhìn các sản phẩm như những chiếc bánh ga tô, những chiếc vòng đeo tay, đeo cổ đẹp mắt khó ai có thể nghĩ lại do người kém may mắn làm nên, thành quả ấy thật đáng quí. Em nào cũng say mê học nghề, đặc biệt em Đinh Văn Hợp, quê ở huyện Mỹ Đức, năm nay ngoài 20 tuổi, rất khéo tay nên đã được Trung tâm giữ lại làm trợ giảng cho lớp dạy làm bánh…

Với những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong Trung tâm, thời gian tới sẽ có nhiều trẻ khuyết tật trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

 Theo Báo Hà Tây

Print Friendly, PDF & Email

Leave a Reply