Giáo dục đặc biệt cho trẻ chậm phát triển trí tuệ tại trường chuyên biệt

Tháng 6 năm 1997, trong chuyến tham quan và tìm hiểu về giáo dục trẻ chậm phát triển trí tuệ tại trường chuyên biệt ZMLK Hà Lan, tôi đã trực tiếp tham dự vào các hoạt động của trường và tìm hiểu được nhiều điều, đặc biệt là những kinh nghiệm về giáo dục trẻ chậm phát triển trí tuệ.

 

Trường ZMLK là cơ sở giáo dục cho trẻ chậm phát triển trí tuệ ở độ tuổi từ 4,5 tuổi đến 20 tuổi . Các học sinh từ 4,5 tuổi đến 12 tuổi thuộc khối giáo dục tiểu học, các học sinh từ 10 đến 20 tuổi thuộc khối giáo dục trung học cơ sở.

Nhà trường luôn cố gắng để mỗi lớp thuộc khối tiểu học có tối đa là 8 trẻ và khối trung học cơ sở là 12 trẻ. Mỗi lớp do hai giáo viên trực tiếp phụ trách. Một giáo viên chính và một giáo viên hỗ trợ. Các giáo viên chính là những giáo viên đã được đào tạo qua khóa học một năm về chuyên ngành giáo dục trẻ chậm phát triển trí tuệ do viện SVO (Saminarium Voor Orthopedagogiek/ Viện giáo dục) của Hà Lan thực hiện.

Tôi đã tự coi mình như một thành viên chính thức của một số lớp học tại đây. Cũng như mọi học sinh, buổi sáng tôi có mặt tại lớp lúc 9 giờ. Khi học sinh tới lớp, mọi thứ trong lớp học đã được hai cô phụ trách lớp chuẩn bị sẵn sàng. Các cô thường tới trường sớm hơn học sinh 30 phút để chuẩn bị các giáo cụ và bài trí lớp học cho phù hợp với mục đích học tập trong ngày.

Trước khi học văn hoá, học sinh ngồi tập trung thành một vòng tròn, có thể bắt đầu bằng một bài hát tập thể, sau đó theo chỉ dẫn của cô giáo, lần lượt tự nói về mình. Có những học sinh tỏ ra rất thích thú xay sưa kể về những gì đã làm và đặc biệt là rất tự hào khi giới thiệu tên mình cũng như khi nhớ đúng tên các bạn khác. Cô giáo là người rất nhạy cảm và linh hoạt, cô theo dõi học sinh trong mọi tình huống, và nếu cần thiết, ngay lập tức cô cố gắng điều chỉnh để hoạt động của học sinh đạt hiệu quả cao nhất. Ví dụ, trong lớp có những bạn thuộc loại “tăng động giảm chú ý” cô giáo sẽ khuyến khích học sinh xen kẽ hoạt động nhỏ như hát, vỗ tay hoặc đi tới chỗ bạn mà mình nhớ tên.

Hoạt động tiếp theo có thể là chơi tự do hoặc uống nước trong khoảng 10-15 phút. Mỗi học sinh có thể tự chọn một đồ uống theo ý thích của mình; ngay cả hoạt động này, cô giáo cũng yêu cầu học sinh phải cố gắng diễn đạt ý muốn của mình. Để có thể không chọn phải đồ uống mà mình không thích, học sinh buộc phải chú ý và tự nhớ từng loại đồ uống theo các ký hiệu và biểu tượng trên bình hoặc chai. Với những học sinh khả năng nhìn hoặc tập trung kém, cô giáo giúp đỡ bằng cách giải thích và khuyến khích để học sinh đó thể hiện được ý thích của mình.

Bắt đầu vào tiết học văn hoá, cô giáo chia học sinh thành những nhóm nhỏ. Với một số bạn cá biệt, cô dành cho những góc ngồi riêng . Học sinh có thể cùng học về một chủ đề như toán, vẽ, đọc hoặc viết … Cũng có thể cùng thời gian đó, tuỳ trình độ và năng lực của mỗi học sinh mà cô giáo có những kế hoạch khác nhau. Khi mỗi học sinh biết rõ nhiệm vụ của mình rồi, các cô giáo bắt đầu quan sát từng hành động của học sinh và nếu cần, các cô tới chỗ từng học sinh để hướng dẫn. Các cô giáo luôn luôn cẩn thận, khéo léo trong cách hướng dẫn và động viên học sinh. Bằng một lời khen trước lớp, một tràng pháo tay hay một phần thưởng nhỏ, các cô giáo đã giúp cho tất cả học sinh cùng hoà chung niềm vui tiến bộ của nhau và từ đócác emcàng tập trung cố gắng hơn. Rất hiếm khi các cô giáo bỏ qua những cơ hội thuận lợi để giúp học sinh tiến bộ. Nếu nhận thấy học sinh có chút tiến triển trong kỹ năng này hoặc kỹ năng káhc, lập tức các cô tìm cách động viên và khuyến khích.

Tới giờ chơi, tất cả học sinh tỏ ra rất thích thú. Trường có hai loại sân chơi, một loại cho khối tiểu học, một loại cho khối trung học cơ sở. Trong giờ chơi, học sinh đựơc luyện tập các kỹ năng giao tiếp xã hội. Các thầy cô cùng chơi với học sinh để hướng dẫn các em biết cùng cộng tác và chia sẻ đồi chơi với bạn. Đây là lúc thuận lợi nhất để học sinh hoà mình vào các hoạt động chung mang tính tập thể vì thường các lớp cùng ra sân chơi vào một thời điểm. Học sinh có cơ hội gia otiếp với các bạn káhc lớp, được làm quen với các thầy cô giáo khác, và đặc biệt, các thầy cô cũng có dịp chia sẽ kinh nghiệm, chuyện trò và cùng hướng dẫn học sinh chơi. Vào những ngày thời tiết xấu, thay vì hoạt động vui chơi ngoài trời, học sinh được tập trung trong hội trường để xem phim, chơi các nhạc cụ hoặc biểu diễn văn nghệ.

Học sinh kết thúc thời gian buổi sáng tại trường bằng bữa ăn trưa. Bữa ăn trưa cũng thật thú vị. Mỗi học sinh đều có khẩu phần ăn riêng mang từ nhà tới. Học sinh chia thành hai nhóm tự phục vụ và những học sinh có khó khăn đặc biệt được cô giáo giúp đỡ. Học sinh được phép chơi tự do trước khi chuyển sang giờ học buổi chiều. Mỗi học sinh có thể tự chọn đồ chơi theo ý thích. Đây là thời gian vừa chơi, vừa thư giãn sau một loạt các hoạt động buổi sáng. Lúc này các cô giáo có thể nghỉ ngơi từ 10 đến 15 phút. Nhưng tôi thường thấy các cô không nghỉ mà cặm cuội ghi chép những diễn biến của mỗi học sinh để thông báo cho cha mẹ học sinh nắm được và cộng tác có hiệu quả với nhà trường trong việc giáo dục con em của mình. Các cô làm việc tận tụy. Dường như khi đã tới trường là các cô dành cho học sinh tất cả: từ thời gian, trí tuệ, sức lục và tình yêu thương … Đối với những học sinh khuyết tật, đây thật là một hạnh phúc, một điều may mắn lớn lao.

Buổi chiều, sau thời gian thư giãn tương đối thoải mái, tất cả các học sinh dường như trở lại khí thế của giờ học buổi sáng. Học sinh có thể đi bơi, tới phòng tập thể thao hoặc ngồi học tại lớp. Các môn học thường nhằm để luyện các kỹ năng như kỹ năng ăn uống, kỹ năng di chuyển, kỹ năng sức khoẻ – an toàn, kỹ năn gtrang phục, kỹ năng khéo tay – thủ công, kỹ năng vệ sinh … Ở các lớp thuộc khối trung học cơ sở, các học sinh cón được học các kỹ năng định hướng nghề nghiệp. Học sinh đựơc hướng dẫn một số tiết lý thuyết tại lớp, sau đó tới xưởng thực hành. Giờ học buổi chiều thường kết thúc lúc 3g30’. Học sinh tạm biệt các thầy cô giáo trở về nhà cùngvới những lời nhắn nhủ, nhận xét của thầy cô trong cuốn sổ liên lạc gửi về gia đình. Qua cuốn sổ này, vào buổi học tiếp theo, thầy cô giáo sẽ biết học sinh có tiến bộ gì khi ở nhà , cha mẹ các em nghĩ gì về sự tiến bộ của con em mình và tiếp tục cộng tác với như thế nào với các thầy cô giáo trong việc giáo dục học sinh …

Công việc tiếp theo của các thầy cô giáo từ 4g tới 5g chiều là sắp xếp lại lớp học, họp chuyên môn, đánh giá và nậhn xét về buổi học cũng như chuẩn bị các giáo cụ cho buổi học hôm sau. Trong trường hợp có những khó khăn về chuyên môn hoặc một số em có những biểu hiện bất thường, các thầy cô giáo có thể cùng họp và trao đổi với các chuyên gia khác như chuyên gia tâm lý – giáo dục, chuyên gia phục hồi chức năng, chuyên gia chỉnh âm … Nhà trường có một cán bộ điều phối chuyên môn, các bộ này có nhiệm vụ thường xuyên giúp các thầy cô giáo chuẩn bị giáo án, xây dựng kế hoạch, chương trình và tiến hành kiểm tra, đánh giá. Vì vậy, các thầy cô cũng có thể họp bàn với cán bộ này về những bất thường xảy ra trong lớp học.

Ngoài hình thức học tập tại lớp. đôi khi học sinh còn được tập trung thành nhóm học theo từng chủ đề. Nhóm có thể bao gồm các học sinh từ nhiều lớp khác nhau với trình độ tương đối đồng đều về một môn học nào đó như đọc, viết hoặc làm toán … Trong những giờ học này, đôi khi các chuyên gia tâm lý, chỉnh âm hoặc những cán bộ chuyên môn khác cùng tham gia để góp ý và cùng tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp. Đối với một số học sinh đặc biệt, nhà trường còn có những giời học riêng dành cho các học sinh đó. Ví dụ. có học sinh được tới phòng vi tính hay phòng âm nhạc học từ 1 đến 2 tiết hàng tuần.

Tôi hết sức ngạc nhiên và khâm phục trước tất cả những gì mà các thầy cô giáo trường ZMLK đã cống hiến để các học sinh chậm phát triển trí tuệ phát huy được khả năng tiềm ẩn của mình. Công việc giáo dục này đòi hỏi tình thương yêu, sự cảm thông, lòng nhiệt tình và khả năng chuyên môn đặc biệt. Không giống như các trường bình thường, tất cả các học sinh thường cùng học một chương trình cùng tham gia các hoạt động. Ở đây mỗi học sinh cần một sự giáo dục cụ thể khác nhau, từ tài liệu giảng dạy đến cách giảng dạy. Để học sinh có thể cùng tham gia một hoạt động mang tính tập thể như cùng chơi, cùng biểu diễn văn nghệ hay cùng đi picnic một cách có hiệu quả, các thầy cô giáo thường phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức.

Tôi đã kết thúc những ngày thăm và làm việc tại trường chuyên biệt ZMLK. Với những điều đã thu nhận đựơc, tôi suy nghĩ về lĩnh vực giáo dục đặc biệt ở nước nhà và ước mong sao một ngày không xa Việt Nam cũng sẽ có được những cơ sở giáo dục với một đội ngũ cán bộ, giáo viên có kinh nghiệm, khả năng chuyên môn sự tận tâm trong lĩnh vực giáo dục trẻ chậm phát triển trí tuệ như ở ZMLK, để các trẻ chậm phát triển trí tuệ của nước ta – những trẻ em mà do số phận không may đã phải gánh chịu nhiều thiệt thòi – được hưởng sự giáo dục ngày một tốt hơn. Đương nhiên, điều kiện kinh tế và xã hội nước bạn thuận lợi hơn rất nhiều so với nước ta, nhưng chúng ta cũng có nhiều điều kiện và thuận lợi rất quan trọng – đó là bản chất nhân đạo của dân tộc Việt Nam, của nền giáo dục Việt Nam.

Theo drdvietnam.com

Print Friendly, PDF & Email

Leave a Reply