
Giáo dục tiểu học đối với trẻ có Hội chứng Down
Hầu như tất cả cha mẹ có con khuyết tật đều muốn xã hội chấp nhận con mình, phá vỡ hàng rào thiếu hiểu biết và sợ hãi của xã hội đối với người khuyết tật.
Trẻ rất nhỏ thường không kỳ thị, khi trẻ có Hội chứng Down đi nhà trẻ lúc ba tuổi, những em khác chỉ thấy em là bé gái thân thiện, ham thích chơi những trò như chúng. Trẻ khác không ý thức em có Hội chứng Down và chữ ấy không có nghĩa gì đối với các em, chỉ sau này khi em lớn dần, sự khác biệt giữa trẻ có Hội chứng Down và trẻ bình thường lộ rõ hơn và có thể gây ra sự phân biệt.
Khi đến trường, mục đích nhắm tới cho trẻ có Hội chứng Down cần thích hợp với thực tế và cảnh ngộ của em, trẻ cần phát triển để có thể tự lo thân, tự bảo vệ mình khi ra ngoài xã hội, độc lập mà cũng hòa hợp được với người khác. Những điều này xét ra cần thiết hơn là có trình độ học vấn cao. Chuyên gia giáo dục cho trẻ khuyết tật nhận xét hội nhập là chuyện quan trọng, tối cần thiết cho sự phát triển về trí tuệ cũng như cá nhân của trẻ, vì khả năng về ngôn ngữ không thể tăng trưởng nếu trẻ chỉ giao tiếp với các em khác có trục trặc tương tự như mình. Cha mẹ muốn con khuyết tật vào học trường bình thường nói:
– Chúng tôi chỉ muốn con được giáo dục cùng với bạn bè chơi ở nhà, cháu muốn được bình thường, và không muốn cái bất thường thấy ở trường đặc biệt.
Không phải trẻ khuyết tật nào cũng học được, hay nên cho trẻ khuyết tật học trường bình thường; một số cha mẹ thấy rằng trường đặc biệt là chọn lựa thích hợp cho con họ. Ở đó cho cảm giác an toàn, yên ổn được bảo vệ khỏi thể giới bên ngoài; nếu con không vui ở trường bình thường và không theo kịp chúng ban, bị căng thẳng thì trường đặc biệt có khi tốt hơn cho các em. Tuy nhiên cha mẹ phải được cho cơ hội để quyết định và việc lựa chọn phải dựa trên những giải pháp thích hợp. Trong đa số trường hợp cha mẹ không có được bất cứ sự lựa chọn nào.
Cha mẹ có thể chuẩn bị cho con trước để giảm bớt khó khăn khi đến trường, nhất là về mặt ngôn ngữ. Cha mẹ có thể dạy một số lượng lớn ngữ vựng bằng ngôn ngữ dấu hiệu cho trẻ có Hội chứng Down trước khi em đến tuổi đi học. Nghiên cứu cho thấy là 80% trẻ có Hội chứng Down có thể học đọc và học nói thành câu. Đa số trẻ có Hội chứng Down có học và nhớ được trọn chữ dễ dàng như những đứa trẻ khác cùng tuổi, tuy nhiên số lượng từ vựng sẽ ít hơn nên khi chọn sách đọc cho trẻ có Hội chứng Down phải lựa chọn những cuốn sách thích hợp với trình độ phát triển về ngôn ngữ của trẻ. Theo nguyên tắc đó, cha mẹ chọn những chữ quen thuộc nhất trong vốn từ vựng của trẻ để viết lên bìa cứng. Những chữ đầu tiên là tên người trong nhà có dán hình bên cạnh để trẻ làm quen với nghĩa của chữ. Khi quen với chữ rồi thì lấy hình đi, từ từ sẽ thêm những chữ mới như tên người và vật dụng thường ngày trong nhà. Bước kế là dạy trẻ văn phạm và cách đặt câu để cải thiện câu nói.
Trẻ có Hội chứng Down cũng cần được dạy về máy điện toán (máy tính) giống như những trẻ đồng tuổi. Việc học có lợi cho em nhiều điều vì trẻ có Hội chứng Down học nhờ kích thích thị giác giỏi hơn là kích thích thính giác, và nếu có trục trặc về ngôn ngữ thì em có thể diễn tả ý mình bằng chữ viết dễ hơn. Với trẻ nhỏ chưa quen viết thì màn ảnh tương tác bằng cách chạm (touch screen) khuyến khích em tìm hiểu và phát triển sự phối hợp điều hòa giữa mắt và tay. Quan trọng hơn hết là việc sử dụng máy tính có thể giúp em học toán, học đọc, học viêt một cách vui vẻ.
Chuyên gia nhận xét rằng ngôn ngữ và lời nói là cái tối cần thiết trong việc can thiệp và cách hội nhập, họ tin rằng trẻ nào bị trì trệ ngôn ngữ sẽ vì vậy mà bị rủi ro về mọi mặt liên quan đến phát triển tri thức hay trí não. Mục đích nhắm tới là hiểu những lý do sinh ra đã phát triển trì trệ nơi trẻ có Hội chứng Down, hầu soạn ra cách thức tốt đẹp và hữu hiệu để chỉnh lại và giáo dục.Nói rằng trẻ không làm được chuyện này hay chuyện kia vì em có Hội chứng Down thì chưa đủ. Chúng ta muốn biết tại sao có việc ấy và rồi tìm cách chữa trị nó.
Giáo dục đặc biệt (Special Education)
Có cha mẹ nhất định rằng con có Hội chứng Down phải theo học trường bình thường và chỉ trường bình thường mà thôi trong khi rõ ràng các em không theo kịp, càng ngày em càng thụt lủi cũng như bị bạn trong lớp chọc phá làm em thiếu tự tin hơn. Cuối cùng cha mẹ buộc lòng chấp nhận cho con vào trường đặc biệt. Sau hai năm, em từ từ trở lại lớp bình thường khác với lớp trước, được các bạn trong lớp chấp nhận và em học ở đó tới hết trung học.
Sự việc muốn nói dù học ở trường lớp nào thì nơi đó cũng phải phù hợp với nhu cầu của trẻ, trường bình thường mà có sự hỗ trợ thì thường là môi trường tốt đẹp hơn là trường đặc biệt vì chương trình học phong phú hơn, trình độ tri thức và mức giao tiếp của học sinh bình thường cao hơn cho trẻ có Hội chứng Down cơ hội học hỏi. Tuy nhiên nếu trường bình thường không phù hợp với nhu cầu của trẻ thì nó có thể trở thành môi trường bị giới hạn nhiều hơn cho mức phát triển của trẻ, nếu không có ai chơi và thông cảm với em thì trẻ bị cô lập nặng nền khi chỉ có em là người khuyết tật trong lớp.
Khi đi học, trẻ có Hội chứng Down học hai lối khác nhau; một là tự lo thân như mặc quần áo, ăn uống, vệ sinh cá nhân; hai là học vấn ở trường như học đọc, viết, làm toán. Càng lớn dần trọng tâm của việc giáo dục càng chuyển từ từ sang việc học kỹ năng sinh tồn biết tự lo than, lý do là trẻ cần biết có trách nhiệm càng nhiều càng tốt về việc lo than nếu muốn sống tự lập sau này khi trưởng thành. Đối với người lớn có Hội chứng Down thì việc biết mua vé xe bus, đi chợ, đọc hóa đơn quan trọng hơn những môn học chữ.
Nói như vậy không phải cho rằng học chữ không quan trọng, nhưng các nhà chuyên môn cho rằng khi trẻ đạt tới tiềm năng tối đa cho một mặt nào thì không nên dành thi giờ tập mãi mặt ấy ở trình độ đó. Đa số trẻ có Hội chứng Down biết đọc và biết viết những chỉ ở mức lớp hai, lớp ba; một số đạt tới lớp bốn và số đạt lên cao hơn thường ít hơn nữa. Về toán thì phân nửa có trình đó lớp một và phân nửa lên được lớp hai, tức các em làm được toán trừ và toán cộng còn toán nhân và toán chia thì quá khó đối với em. Tuy nhiên em có thể dung máy tính để bù lại giới hạn này.
Trẻ có Hội chứng Down chỉ bắt đầu đi học từ 25 hay 30 năm trước thường là trường riêng biệt chỉ gồm trẻ khuyết tật, và chỉ chú trọng vào việc dạy những kỹ năng thực tiến để giúp cho việc sinh sống hàng ngày. Trường cho rằng trẻ có Hội chứng Down không thể học đọc nên không dạy kiến thức học đường.
Trường mà chỉ gồm trẻ khuyết tật tạo nên môi trường học hỏi và môi trường xã hội bất thường và nghèo nàn. Bất lợi của loại trường này là bởi trẻ khuyết tật thường nói rất chậm, phát triển khả năng giao tiếp, chơi đùa cũng chậm, trẻ không thể giúp đỡ lẫn nhau, không có gương của trẻ cùng tuổi để bắt chước học chơi, học nói, học xử sự như ở môi trường bình thường.
“Tôi tiếc là hồi nhỏ tôi không được đi học trường bình thườn. Vì không có lớp cho trẻ khuyết tật trong vùng, tôi phải đi trường vùng khác ở xam nên tôi không quen biết ai trong lớp cùng chỗ với tôi. Nếu phải làm lại thì tôi thích đi trường thường trong vùng của tôi hơn, để kết bạn với trẻ gần nhà” – Jason Kingsley, USA.
Hiện nay, nhiều nơi trên thế giới vẫn không có chương trình giáo dục cho trẻ có Hội chứng Down hay vẫn tách biệt em khỏi hệ thống giáo dục chung. Những thay dổi gần đây là:
– Dịch vụ trị liệu và giáo dục sớm có sẵn từ lúc trẻ chỉ mới được vài tháng;
– Lớn lên càng lúc càng có nhiều trẻ có Hội chứng Down có cơ hội vào trường bình thường, học chung với bạn đồng tuổi không có khuyết tật.
– Có nhiều người lớn được độc lập hơn và có cơ hội làm việc.
Trường bình thường
Nghiên cứu thấy rằng trẻ có Hội chứng Down học chung với trẻ không có khuyết tật trong trường bình thường hưởng được nhiều lợi ích, đạt thành quả cao hơn về đọc, viết, làm toán và học vấn hơn trẻ học trong hệ thống giáo dục tách biệt. Trẻ có ngôn ngữ ngữ khá, kỹ năng giao tiếp phát triển hơn rất nhiều so vwois trẻ ở trường đặc biệt; mặt khác không có gì thấy là học chung gây bất lợi cho trẻ miễn là trẻ khuyết tật được thực sự nhập vào sinh hoạt xã hội chung, cũng như không có chứng cớ là việc giáo dục tách riêng có lợi ích thực sự gì cho trẻ. Học chung cũng có lợi cho trẻ bình thường là biết chấp nhận người khuyết tật, tuy nhiên không phải chuyện lúc nào cũng dễ dàng cho cha mẹ muốn con học trường bình thường, ngay cả ở nơi học chung được xem là một quyền theo luật định. Cha mẹ có khi vẫn phải tranh đấu để đòi được một chỗ cho con trong trường.
“Lên trung học tôi được vào trường bình thường, tôi cố gắng rất nhiều và nó đáng công cho tôi cũng như cho người khác. Mỗi học sinh đều có khác biệt riêng và có chỗ đứng trong cuộc đời. Tôi rất may mắn với những bạn của mình, tôi học được rất nhiều điều từ các bạn. Bạn luôn luôn đối đãi với tôi như người trong nhóm họ, và tôi không quên những thầy cô đã giúp tôi rât nhiều.”
Về bất lợi của việc học chung thì cha mẹ và thầy cô cho rằng trong lớp trẻ có Hội chứng Down có thể bị bỏ quên ít được chú ý đến, lại không có gì bảo đảm là những học sinh khác sẽ luôn luôn chấp nhận trẻ khuyết tật và đối đãi với các em theo một cách tốt đẹp. Có em kể:
“Lên trung học thật là khó, bạn bè chọc phá em vì chúng nghĩ như vậy là vui. Chúng nói những lời em không thích, kêu em bằng chữ không hay. Em không thoải mái khi người ta trêu ghẹo em. Khi tới giờ thì có đứa gây tiếng động để làm em không tập trung tư tưởng được, nhưng em cũng làm xong bài.”
Cha mẹ khác thì cho rằng nếu cho trẻ vào trường bình thường thì chính phủ có thể lơ là với trường đặc biệt. Với những trẻ chưa đủ sức vào hẳn trường bình thường thì có xếp đặt cho em học ở trường đặc biệt những môn cần cho em như đọc, viết, ngôn ngữ, vân vân…; và vài giờ ở trường bình thường, chung ddunhj với bạn cùng tuổi để phát triển mặt xã hội, giao tế.
Cha mẹ nói cho dù có hội nhập và cho học cùng lớp thì trẻ bình thường vẫn chỉ chơi với nhau và trẻ khuyết tật chơi theo nhóm riêng mà cả hai không chơi chung một nhóm. Họ mừng là con học chung với trẻ bình thường, nhưng họ không nghĩ là nhờ vậy con có được lợi mấy. Chúng có thể chào hỏi nhau trong hành lang ở trường nhưng tan học rồi thì không gọi điện thoại trò chuyện, không mời trẻ khuyêt tật đi chơi, dự các buổi họp mặt; đó là thực tế phụ huynh nên biết để không nuôi ảo mộng.
Có những điều trẻ nói chung sẽ học được từ bạn trong lớp khi vào trường và cha mẹ không cần quá lo lắng, trẻ có Hội chứng Down bắt chước bạn học dễ dàng và cũng mau lẹ học những điều khác, dầu vậy vài chỉ dẫn thiết thực khi em đi học là:
– Y phục có ghi tên em bằng mực không phai để giúp em dễ tìm trong lớp đông đảo, bận rộn.
– Y phục nên dễ cởi ra khi đi vệ sinh, nên tránh loại áo liền quần có nút gài rắc rối.
– Quần dài mùa lạnh cho phép trẻ bò trên sàn lạnh không bị trầy đầu gối và lạnh chân.
– Áo nên có tay không có khuy cài ở cổ tay, để có thể xắn lên dễ dàng khi trẻ chơi nước hay sơn mà không sợ bị ướt.
– Nếu tóc dài thì buộc lại một phần cho khỏi vướng, phần khác tránh không để kẻ khác chơi với tóc của con.
Trẻ nhỏ chưa có ý niệm rõ rệt về thời gian nên cha mẹ hãy trấn an con rằng mình sẽ trở lại đón con sau sinh hoạt cuối cùng trong lớp:
– Sau khi con ăn trưa xong
– Khi con vẽ xong hình
Cha mẹ cần chính xác và bạn hãy hỏi thầy cô cho chắc chắn về sinh hoạt chót trong ngày. Trẻ có Hội chứng Down thường hiểu theo nghĩa đen, nếu vẽ hình xong chưa phải là chấm dứt buổi học mà còn chuyện khác phải làm, trẻ sẽ hoang mang là tại sao chưa đến giờ về nhà.
Bạn cùng lớp nên được khuyến khích đối xử với trẻ có Hội chứng Down theo cách bình thường như với trẻ khác, mà không cố tình “che chở”, “bảo vệ” dù rằng trẻ có Hội chứng Down thấy yếu ớt. Ở đây ta nhấn mạnh quan niệm rập khuôn sau lầm nói rằng người có Hội chứng Down dễ thương, thân thiện. Trẻ có Hội chứng Down giống như bất cứ trẻ nào và dĩ nhiên có em dễ thương, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Tất cả trẻ con đều có lúc khó thương, hư, không vâng lời, đãng trí và trẻ có Hội chứng Down cũng thế. Khi đến trường trẻ chung đụng với những trẻ khác và em sẽ học được nhiều điều mà cha mẹ không thể dạy ở nhà, thí dụ bị trẻ khác cắn em thì sau một lúc ngỡ ngàng trẻ có Hội chứng Down sẽ …biết cắn lại! Ta không khuyến khích việc ấy nhưng đó là kinh nghiệm mà em nên trải qua để biết cách đối phó, về phần cha mẹ thì không nên quá lo lắng về con. Nếu phản ứng mọi bề thích hợp thì trẻ có Hội chứng Down sẽ học được lòng tự tin, hăng hái và độc lập.
Học Đọc, Viêt và làm Toán
Trẻ có Hội chứng Down học những điều này như các trẻ khác và có tiến bộ đều đặn cũng như người có Hội chứng Down tiếp tục phát triển chúng khi trưởng thành. Cha mẹ và nhà trường có thể dạy trẻ theo cùng cách như trẻ bình thường nhưng cần thay đổi cho hợp vì trẻ bị chậm nói. Mặt khác, khả năng đọc của trẻ có Hội chứng Down thường khá hơn những khả năng khác.
(Trích từ “Hội chứng Down và chỉ dẫn cho cha mẹ” do nhóm tương trợ phụ huynh có con khuyết tật và chậm phát triển tại NSW (Úc) dịch và biên soạn)