
Đức Chúa Trời, Ngài có quan tâm không?
Miriam Kauk
Đây là bài báo đầu tay tôi viết như là một lá thư gửi tới cha mẹ có con bị hội chứng down. Thay vì chỉ ngồi bên tách cà phê, mở Kinh Thánh ra và chuyện trò với một ai đó, thì tôi tập trung vào viết lá thư này. Ông xã tôi là một nhà thần học có thể viết về vấn đề này một cách dễ hiểu và rõ ràng hơn, còn tôi thì e rằng sẽ phải trích dẫn ra nhiều đoạn Kinh Thánh khác nhau và cố gắng chứng minh rằng tôi hiểu nội dung của những đoạn trích ấy như thế nào. Tôi không gỉả bộ rằng bài viết này là đầy đủ về những gì Kinh Thánh nói về hội chứng down, nhưng tôi hy vọng nó sẽ cung cấp một điểm khởi đầu cho những người muốn tìm hiểu những gì Chúa nói về đề tài này.
Mary của chúng tôi sinh ra với hội chứng down vào tháng 11 năm 1992. Trước đó, tôi không làm xét nghiệm thai sản về vấn đề này, vì vậy cả hai vợ chồng tôi không được chuẩn bị tinh thần trước cho tình trạng của em bé khi em ra đời.
Ngày tôi sinh con cũng là ngày cả tinh thần và thể xác của tôi rơi vào trạng thái kiệt quệ. Vào cuối ngày hôm đó, khi chỉ còn lại một mình tôi, chỉ mình tôi với cuốn Kinh Thánh của tôi mà chồng tôi mới mang từ nhà vào. Ông xã đã đi về nhà với mấy đứa lớn. Tôi cần phải “gặp” Chúa. Tôi bức bối muốn biết Chúa nói về hội chứng down như thế nào. Tôi bắt đầu lục tìm trong Kinh Thánh. Liệu tôi có tìm thấy những gì tôi cần trong Kinh Thánh? Những bài thánh ca ư? Những bài thánh ca thường mang lại cảm giác dễ chịu, nhưng đêm hôm đó thì không, đêm hôm đó nó trở nên trống rỗng và vô nghĩa. Tôi lật tìm một vài đoạn trong Kinh Thánh. Tôi không thể nhớ bất cứ điều gì thậm chí ngay cả trong Kinh Thánh về điều này.
Vì vậy, trong cơn tuyệt vọng tôi trở lại phần mà trước đây tôi đã bỏ qua trong đoạn kinh đọc hàng ngày của tôi. Exodus -Di cư (sự kiện người Do thái rời khỏi Ai cập –traimoxanh chú thích). Giờ đây, tôi hầu như chắc chắn rằng không có gì trong Exodus có liên quan đến sự khao khát tìm tòi của tôi tối hôm đó. Toàn bộ mục Exodus là về bệnh dịch, về Mười Điều Răn. Nhưng tôi nhớ đã đọc ở đâu đó. Tối hôm đó, tôi bắt đầu đọc chương bốn trong phần Exodus. Tôi chỉ đọc mười một câu thơ, và tôi cực kỳ ngạc nhiên với những gì tôi đọc được. Thì ra là có, có một đoạn trong Kinh Thánh mô tả về người khuyết tật thể chất vẫn đang đợi tôi trong phần đọc hàng ngày của tôi!
Đây là tình huống. Môi-se thấy Chúa hiện ra với ông trong lửa cháy giữa bụi gai. Chúa muốn ông đi đến gặp đức vua Pha-ra-ông để đàm phán đưa dân Do Thái (Israel) ra khỏi Ai Cập và Moses bắt đầu thoái thác.
“Môi-se thưa cùng Ðức Chúa rằng: Ôi! lạy Chúa, từ hôm qua, hôm kia, hay là từ lúc Chúa phán dạy kẻ tôi tớ Chúa, con vẫn chẳng phải một tay nói giỏi, vì miệng và lưỡi con hay ngập ngừng.”
Ðức Chúa bèn phán rằng: Ai tạo miệng loài người ra? hay là ai đã làm câm, làm điếc, làm sáng, làm mờ? Có phải Ta là Ðức Chúa Trời chăng?
Vậy bây giờ, hãy đi; Ta sẽ ở cùng miệng ngươi và dạy ngươi những lời cần phải nói.” Exodus 4:10-12
Ở đây, Chúa đang chịu trách nhiệm về một “khuyết tật” Ngài tuyên bố những gì do Ngài tạo ra đều có mục đích và ý nghĩa riêng của nó! Mary của tôi không phải là một “sự cố về di truyền“. Con được Thiên Chúa tạo ra theo cách riêng của Ngài. Nhưng điều thực sự thú vị là Thiên Chúa hoàn toàn không cho rằng sự câm, sự mù, hoặc sự điếc đặc là một khuyết tật. Vì vậy mà Ngài không thấy những trở ngại mà Môi-se nêu ra lại trở thành lý do để ngăn cản ông đi gặp nhà vua. Thiên Chúa hứa sẽ không chỉ đi cùng với ông, mà còn sẽ dạy ông nên nói những gì. Thành công của Môi-se trong cuộc sống không phụ thuộc vào kỹ năng của chính mình, mà vào Thiên Chúa, Đấng Tối Cao sẽ luôn ở bên ông.
Áp dụng điều này vào vấn đề hội chứng down, Thiên Chúa sáng tạo ra Mary theo cách mà con sẽ là, con có cặp ba nhiễm sắc thể thứ 21, và đó là tất cả. Và Ngài có thể nói với con: ” Vậy bây giờ, hãy đi; Ta sẽ ở cùng với trí tuệ của con và dạy con những điều con cần phải hiểu.” Thành công của Mary trong cuộc sống không phụ thuộc vào kỹ năng của riêng con, mà phụ thuộc vào Thiên Chúa, Đấng Tối Cao sẽ luôn ở bên con.
Mi-chê 6:8 nói,
” Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Ðức Chúa Trời đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhơn từ và bước đi cách khiêm nhường với Ðức Chúa Trời của ngươi sao?”
Dưới cặp mắt của Đức Chúa, không có gì cản trở sự thành công của người có hội chứng down. Vì vậy, công việc của tôi với Marry, (và với tất cả bọn trẻ của tôi), không phải là dạy con trở thành một “thành viên xuất sắc của xã hội“, mà là dạy cho con về sự công bằng, về diều thiện và bước đi một cách khiêm nhường với Ðức Chúa Trời của mình.
Kinh Thánh có nói về bệnh tật không?
Kinh Thánh có nói tới bệnh tật, bao gồm cả hội chứng down. Tôi hy vọng điều này sẽ mang đến cho bạn niềm hy vọng rằng Chúa luôn hiện diện khắp nơi và quan tâm đến bạn, và Ngài thực sự muốn có một mối quan hệ riêng tư với bạn. Nếu bạn chưa biết Ngài, tôi hy vọng bạn sẽ biết cách để bắt đầu một mối quan hệ với Ngài. Một trong những vấn đề chính mà cha mẹ của trẻ với khuôn mặt điển hình của hội chứng down phải đối mặt đã được đề cập một cách ngắn gọn trong bức thư của một người mẹ gửi cho tôi. Cô viết:
“Rất nhiều người hỏi tôi làm sao tôi có thể tin rằng Chúa đã đặt tay lên con gái tôi khi cháu có hội chứng down. Nếu tay của Ngài đã từng ở đó, tại sao cháu lại có hội chứng down? Tại sao Ngài không mang nó đi hoặc ngay từ đầu đã không cho nó có mặt ở đó? Tại sao Chúa lại cho đứa trẻ sự khuyết tật? Tại sao Chúa tạo ra đứa trẻ phải chịu đựng tất cả mọi điều như sự rối loạn, sự thử nghiệm và sự nhạo báng, đứa trẻ phải chịu đựng tất cả chỉ vì sự khác biệt của mình?”
Có hai mức độ trả lời cho điều này. Trước tiên, tôi sẽ trình bày nguyên nhân tại sao con người lại bị bệnh hoặc có khuyết tật, rồi sau đó tôi sẽ dẫn chứng một số đoạn trích từ Kinh Thánh rằng câu trả lời nguyên nhân tại sao một người cụ thể bị bệnh hoặc có khuyết tật cụ thể.
Tại sao chúng ta lại bị bệnh tật?
Vậy, tại sao lại có bệnh tật trên trái đất? Tại sao không có ai không bao giờ bị bệnh? Tại sao Chúa lòng lành lại cho phép sự có mặt của bệnh tật? Tại sao? Đó là vì tội lỗi. Khi Chúa sáng tạo thế giới, thế giới hoàn toàn không có bệnh tật và không có cái chết Với kế hoạch tràn đầy yêu thương, Ngài dự định rằng người đàn ông và người phụ nữ mà Ngài sáng tạo ra sẽ không bao giờ bị bệnh, và không bao giờ chết. Ngài chỉ yêu cầu họ tuân theo một nguyên tắc nhỏ: không được ăn trái cấm, vì một mai ngươi ăn, ngươi sẽ chết. (Genesis – Sáng thế ký: Chương 2 và 3)
Tổ tiên đầu tiên của chúng ta, Adam và Eve đã ăn trái cấm, và cái chết đi vào thế gian. Cái chết đó không chỉ áp dụng đối với họ, mà còn cho tất cả các con cháu của họ, (là chúng ta).
“Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội.” Rô-ma 5:12
Rô-ma 8 nói rằng cái chết này không chỉ áp dụng cho con người mà còn cho vạn vật trên thế giới do Chúa sáng tạo ra.
“Sáng tạo đã bị vô ích. . .những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh …..Muôn vật mong rằng mình cũng sẽ được giải cứu khỏi sự hư nát…. muôn vật đều than thở và chịu khó nhọc cho đến ngày nay” Rô-ma. 8:18-22
Tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng. Thời điểm chúng ta được sinh ra trên trái đất, chúng ta bắt đầu chết. Các tác động tích lũy của DNA bị hư hỏng, các chất độc trong thế giới đầy cám dỗ của chúng ta, và một loạt các thứ khác tác động tới cơ thể chúng ta và tất cả chúng ta cuối cùng chết. Bệnh tật là sự khởi đầu quá trình của sự chết. Nó được gây ra bởi vì chúng ta, loài người, là tội nhân.
Dường như không công bằng khi tôi bị bệnh và sắp chết vì tội lỗi của Adam, nhưng không phải như vậy, cái chết của tôi là hình phạt cho những tội lội do chính tôi gây ra cũng giống như đối với tội lỗi của Adam.
Dĩ nhiên, bên cạnh tin xấu luôn có những tin tức tốt lành, đó là Chúa đã không để cho chúng ta phải chết trong cô đơn. Trong tình yêu của Ngài, Ngài đã ngay lập tức thực hiện kế hoạch nhằm giải quyết cái chết do tội lỗi của Adam và Eva gây ra. Cuối cùng Ngài cũng hoàn thành kế hoạch, Thiên Chúa trở thành một người đàn ông và tự nguyện chết trên giá thập tự, để trả giá cho mọi tội lỗi của chúng ta. Sau đó, Ngài lại trở về từ cõi chết để chứng minh sức mạnh của Ngài vượt lên trên sự chết chóc. Kinh Thánh nói,
“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Ðức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Ðức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta.” (Rô-ma 6:23)
tôi đáng chết, nhưng Thiên Chúa ban tặng cho tôi một món quà miễn phí: sự sống bất diệt.
Khi Chúa Giêsu đến, Ngài đã trả án phạt mà lẽ ra ta phải chịu cho tội lỗi của mình.
“Nhưng Ðức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Ðấng Christ vì chúng ta chịu chết ” Rô-ma 5:8.
Và hơn thế nữa, Ngài mang vào trong cơ thể của Ngài mọi bệnh tật của thế giới, để chúng ta cuối cùng có thể được chữa lành mãi mãi khỏi bệnh tật.
” Nhưng Người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt Người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi Người chúng ta được lành bịnh. …Ðức Chúa đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên Người.” Ê-sai 53:5-6
Do đó, nguyên nhân khiến bất kỳ ai trong chúng ta cũng có bệnh là do tội lỗi bao quanh tất cả chúng ta, thậm chí cả vạn vận quanh chúng ta. Tội lỗi đã mang bệnh tật và cái chết đến với thế gian. Tuy nhiên, Chúa đã tha thứ cho tội lỗi của chúng ta, và Ngài khiến Con Trai của mình gánh toàn bộ hình phạt của thế gian bên trong cơ thể của chính đứa Con của Ngài để mang đến mục đích giúp con người chữa lành mọi tật bệnh và thoát khỏi sự chết.
Vậy tại sao trẻ em lại bị bệnh?
Vâng, khi chúng ta bị bệnh tật đến mức độ nào đó thì chúng ta sẽ đi đến cái chết, điều này là công bằng. Nhưng dường như không công bằng khi có một số người mới sinh ra lại mang bệnh hoặc có khuyết tật. Tại sao?
Các môn đệ của Chúa Giêsu hỏi câu hỏi này trong Giăng 9:1-3. Họ chỉ ra một người đàn ông mù bẩm sinh, và hỏi:
” Thưa thầy ai đã phạm tội, người đàn ông hay là cha mẹ của mình?”
Đây là một phản ứng thường thấy, suy nghĩ thông thường là Chúa đang trừng phạt tôi. Nếu một người nào đó bị bệnh, chắc chắn họ phải làm điều gì đó sai trái! Có rất nhiều bằng chứng về điều này trong Kinh Thánh, tất cả Kinh Thánh đều nói rằng chúng ta gặt hái những gì chúng ta gieo. Vì vậy, người đàn ông này đã gieo một số tội lỗi và do đó gặt hái sự mù lòa?
Tôi trao đổi thư từ với một người mẹ mới sinh con có hội chứng down. Cô cảm thấy tội lỗi vì hội chứng down của con mình. Cô nhận ra tình trạng của con trai đã khiến cô vô cùng gần gũi với Thiên Chúa và do đó cảm thấy có trách nhiệm với điều này. Có thể Chúa đã tạo ra con trai của cô, chỉ để khiến cô chú ý và đến gần Ngài. Có thể đó là tội lỗi của cô. Nếu cô ấy có được đức tin sớm hơn, cô tới gần Chúa hơn thì con trai cô sẽ không có bệnh này.
Tôi chỉ ra đoạn trích này với người mẹ trẻ. Chắc chắn mẹ của người đàn ông mù đã không nghĩ rằng càng tới gần với Chúa càng tốt. Vậy thì đó là ai? Chúa Giêsu nói lý do của sự mù? Ngài nói rằng đó chẳng phải tại người đàn ông mù hay tại cha mẹ anh ta. Người đàn ông bị mù để mọi người có thể nhìn thấy Chúa Giêsu chữa lành cho anh ta! Thiên Chúa muốn được tôn vinh, và vì thế Ngài làm cho người đàn ông mù để thế giới được biết rằng Chúa Giêsu có sức mạnh chữa lành mọi bệnh tật. Khi người đàn ông bây giờ được chữa lành tuyên bố với những tín đồ, ” Nếu người này chẳng phải đến từ Ðức Chúa Trời, thì Ngài không làm gì được hết.” (câu 33). Đó là vai trò của người đàn ông, nhằm giúp thế giới nhận ra Đấng Cứu Thế! Điều này thậm chí khiến cho việc bị mù trở nên có giá trị hơn.
Chúa muốn được tôn vinh, và một số bệnh là do ý muốn của Chúa nhằm tôn vinh Ngài qua việc chữa lành bệnh. Nhưng đôi khi Ngài nhận sự tôn vinh bằng cách khác. Xem chương 12 của Thư thứ Hai của Paul gởi cho người Côrinhtô (2 Corinthians). Paul kể về một cái dằm xóc vào da thịt khiến ông đau đớn. Ông đã cầu nguyện để chữa bệnh. Ba lần ông đã cầu nguyện để chữa bệnh. Chắc chắn Chúa sẽ được tôn vinh bằng cách chữa bệnh cho ông. Nhưng thời gian này, Chúa muốn thể hiện một loại quyền lực khác. Chắc chắn, Ngài có thể chữa lành. Nhưng Ngài muốn thể hiện sức mạnh của mình qua một người đàn ông yếu. Và Ngài trả lời ông Paul. “Ân điển Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.” 2 Cor 12:9. Vì vậy, Paul quyết định khoe những điểm yếu của mình, để cho công chúng thấy sức mạnh của Chúa trong anh.
Điều này về cơ bản giống như sự phụ giúp của Chúa cho Moses trong Exodus 4. Nếu Đức Chúa Trời chọn một người đàn ông “chậm ngôn luận và miệng lưỡi không hoạt bát” đi giải phóng người Do Thái khỏi ách nô lệ, sau đó tất cả mọi người đều biết rằng những lời lẽ hùng biện không phải là của Môi-se mà là sức mạnh của Thiên Chúa!
Với hội chứng down, tôi chưa bao giờ nghe nói về chuyện Chúa cho thấy sự tôn vinh Người bằng cách thay đổi nhiễm sắc thể của bất kỳ ai, dù tôi chắc chắn rằng Ngài có thể nếu Ngài muốn. Nhưng Ngài chắc chắn là nhận được sự tôn vinh thông qua những nghiên cứu gần đây về sự độc đáo của nhiễm sắc thể thứ 21. Số lượng người quan tâm đến vấn đề hóa sinh ngày càng nhiều. Có nhiều công trình khoa học công bố rằng con người là kết quả của những thiết kế thông minh chứ không phải là sự tiến hóa. Càng nhiều người thấy được sự phức tạp đáng kinh ngạc của các tế bào, và sự phức tạp đáng kinh ngạc của các con đường sinh hóa khác nhau, càng có nhiều người buộc phải kết luận rằng “chúng ta đang tạo ra những thành quả tuyệt vời.”
Trong nhiều năm qua, Chúa đã được tôn vinh qua đức tin đơn giản và tình yêu đơn thuần của những người có hội chứng down. Và Ngài sẽ luôn được tôn vinh khi chúng tôi, những phụ huynnh có con bị bệnh down, tin cậy Ngài, chúng ta luôn tin cậy Ngài ngay cả trong những khi chúng ta cảm thấy tuyệt vọng nhất. Qua đứa con có hội chứng down, chúng ta chia sẻ tình yêu của Ngài và có được mối quan hệ với Ngài, Thiên Chúa ví đại. Một trong những việc làm của tôi đối với Mary là tìn cách tôn vinh Thiên Chúa thông qua trạng thái của con.
Điều đầu tiên cần làm là hãy đánh giá mối quan hệ của mình với Thiên Chúa. Bạn đã có được mối quan hệ với Thiên Chúa chưa? Bạn đã đến đúng nơi trong đời sống tinh thần của bạn, nơi mà bạn biết chắc chắn rằng nếu bạn chết hôm nay bạn sẽ được lên thiên đường? Bạn có thể chắc chắn là mình biết điều này chăng.
Khi Chúa Giêsu chết trên thập tự, đó là cầu nối vực ngăn cách giữa chúng ta với Đức Chúa Trời, vực sâu do tội lỗi của chúng ta, và tạo ra đường đi để chúng ta đến với Thiên Chúa. Ngài nói, “Ta là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.”
Bằng sự tin tưởng vào Ngài để rửa sạch tội lỗi của bạn, và nhận được món quà miễn phí của sự sống đời đời, bạn tạo lập mối liên hệ với Thiên Chúa. Và Thiên Chúa sẽ bắt đầu thay đổi cuộc sống của bạn theo những cách mà sẽ tôn vinh Ngài. Nếu bạn không biết đến Chúa, thì mong muốn lớn nhất của Ngài đối với bạn, và có lẽ là thông qua đứa con mà Ngài ban cho bạn. Và sau đó, điều tiếp theo dành cho bạn là bạn bắt đầu tìm cách để tôn vinh Thiên Chúa qua cuộc sống của con bạn. Điều này sẽ làm cho cuộc sống trở nên thú vị!
Nguồn: http://einstein-syndrome.com/inspiration/god_cares/ – Traimoxanh sưu tầm và dịch