
Đôi tai và Các bệnh thông thường về tai
1. Cách nhận biết tình trạng yếu thính giác ở trẻ
Hãy kiểm tra tình trạng thính giác của con bạn bằng cách trả lời những câu hỏi dưới đây. Nếu có một câu trả lời “không” hoặc “chưa”, bạn nên nghĩ đến việc đưa con đi khám vì có thể bé đã bị yếu thính giác.
1. Trẻ dưới 3 tháng tuổi
– Bé có im lặng hoặc giảm các hoạt động khi có người khác đến gần và nói chuyện không?
– Bé có bị giật mình (hoặc chớp mắt nhanh, có thể co giật, khóc) bởi những tiếng động lớn không?
2. Từ 3 đến 6 tháng tuổi
– Con bạn có quay đầu để tìm nơi phát ra tiếng nói không?
– Bé có thích những đồ chơi phát ra tiếng kêu không?
– Bé có phản ứng với những tiếng động khi đang bú, ăn không?
3. Từ 6 đến 10 tháng tuổi
– Con bạn có nói bập bẹ những tiếng như mẹ, bà… không?
– Bé có phản ứng khi nghe gọi tên mình?
– Bé có nhìn vào chính người đang nói?
– Bé có hiểu những từ phổ biến như không, giỏi lắm, chào…?
4. Từ 10 đến 15 tháng tuổi
– Con bạn có biết tên những đồ chơi ưa thích và chỉ vào khi được hỏi không?
– Con bạn có thích nghe những lời ru có vần điệu êm ái không?
– Bé có bắt chước được những lời và âm thanh đơn giản?
5. Từ 15 đến 20 tháng tuổi
– Con bạn có thể thực hiện theo những chỉ dẫn đơn giản không?
– Bé có nhận ra được tóc, mũi, mắt và những phần khác của cơ thể không?
6. Từ 20 đến 24 tháng
– Bé đã bắt đầu nói được những từ đôi và câu ngắn chưa?
– Bé có biết xưng tên mình?
– Bé thích chơi trò đọc sách?
– Bé thích xem ti vi và nghe radio?
7. Từ 24 đến 36 tháng tuổi
– Con bạn đã có vốn từ vựng khoảng 270 từ vào lúc 24 tháng tuổi chưa? Vốn từ đó có gia tăng mỗi ngày?
– Bé có diễn đạt được các yêu cầu, sự thích thú, bất mãn không?
8. Trẻ 36 tháng tuổi
– Con bạn đã có vốn từ vựng khoảng 1.000 từ (trong đó 80% có thể khiến người lạ hiểu được) chưa?
2. Bệnh thối tai
Thối tai là cách nói dân gian chỉ những trường hợp viêm tai mạn tính có chảy mủ. Nếu mủ có mùi thối, đó là dấu hiệu của loại viêm tai nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.
Tại sao lại có hiện tượng chảy mủ tai? Bình thường, niêm mạc trong tai giữa được ngăn cách với môi trường bên ngoài bởi màng nhĩ. Khi bị viêm tai kèm theo thủng màng nhĩ, tai giữa sẽ thông trực tiếp với môi trường bên ngoài qua lỗ thủng, niêm mạc tai giữa sẽ rất hay bị viêm nhiễm và tăng xuất tiết, tạo thành dịch chảy ra ngoài cửa tai.
Mủ tai chảy từng đợt hoặc chảy liên tục. Dịch chảy ra có thể màu trắng, lổn nhổn như bã đậu, có thể màu vàng xanh, mùi tanh hôi. Nếu dịch tai có mùi thối thì đó là dấu hiệu của bệnh lý viêm tai có chất cholesteatoma. Đây là một loại viêm tai nguy hiểm vì chất này có khả năng ăn mòn xương, đưa viêm nhiễm từ tai vào não, gây những biến chứng nội sọ như: viêm màng não, viêm tĩnh mạch bên, áp xe não… dẫn tới tử vong.
Những đợt chảy mủ tai, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, rất hay đi kèm với những đợt viêm nhiễm mũi họng. Chảy mủ tai thường kéo theo nghe kém và ù tai ở mức độ khác nhau, tùy thuộc mức độ và tính chất của từng loại viêm tai. Bệnh nhân đau đầu vùng thái dương đỉnh, đau âm ỉ, liên tục, thỉnh thoảng lại có cơn kịch phát khi bệnh viêm tai đã lan vào xương chũm.
Bệnh nhân thường phải làm thuốc tai ở các cơ sở chuyên khoa tai mũi họng hoặc theo hướng dẫn và theo dõi của thầy thuốc. Nếu dịch chảy ra có mùi thối thì phải đi khám ngay để được phẫu thuật kịp thời, trách các biến chứng.
Viêm tai mạn tính là một bệnh có thể phòng tránh được bằng cách điều trị đúng và kịp thời các chứng viêm tai giữa cấp tính, viêm mũi họng, tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.
3. Viêm tai giữa tiết dịch – bệnh hay gặp ở trẻ
Bệnh thường xuất hiện sau viêm nhiễm đường hô hấp trên, hay bị bỏ qua vì không có biểu hiện rõ, nhất là ở trẻ chưa biết nói. Viêm tai giữa tiết dịch nếu kéo dài sẽ gây giảm thính lực, giảm khả năng hình thành ngôn ngữ, giao tiếp và học tập.
Về mặt thời gian, có thể xếp thành 3 thể: thể cấp tính xảy ra trong thời gian 3 tuần trở lại; thể mạn tính khi bệnh kéo dài trên 3 tháng. Bệnh kéo dài trong khoảng thời gian từ 3 tuần đến 3 tháng được xếp vào thể bán cấp.
Cuộc khảo sát trên 3.300 trẻ từ 6 tháng đến 15 tuổi ở hai quận nội và ngoại thành TP HCM cho thấy tần suất viêm tai giữa tiết dịch là 7%, trong đó đỉnh cao nhất là 2 tuổi, chiếm 22%. Bệnh thường xảy ra trong những tháng mùa đông và liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp trên. Một số tác giả cho rằng bệnh thường xảy ra sau một đợt viêm tai giữa cấp.
Một nghiên cứu khác ở trẻ em 2-5 tuổi cho thấy, 53% trẻ trong năm đầu tiên và 61% trẻ trong năm thứ hai bị viêm tai giữa tiết dịch ở ít nhất một tai. Trong hai năm đầu tiên, bệnh thường xảy ra ở cả hai tai, có khuynh hướng xảy ra ở một tai ở trẻ lớn. Đa số các trường hợp tự khỏi trong vòng vài tháng không cần điều trị.
Nhiều bệnh nhi không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Cha mẹ hoặc thầy cô giáo có thể nghi ngờ trẻ bị giảm thính lực khi thấy trẻ mất tập trung hay chậm nói. Có thể phát hiện nghe kém bằng khám sàng lọc định kỳ cho trẻ tại trường học, nhưng cũng có trường hợp không phát hiện ra, nhất là khi trẻ chỉ nghe kém một tai. Một số trẻ có những đợt đau tai thường vào ban đêm, loạng choạng, ù tai, sốt và bứt rứt.
Ngoài việc giảm thính lực và khả năng ngôn ngữ, giao tiếp, viêm tai giữa tiết dịch không điều trị còn gây một số di chứng như: để lại một lỗ thủng vĩnh viễn trên màng nhĩ, viêm tai giữa nung mủ mãn, xơ nhĩ, viêm tai giữa dính, hoại tử chuỗi xương con, các túi lõm trên màng nhĩ… Vì vậy, cha mẹ cần sớm phát hiện những bất thường ở tai trẻ để điều trị sớm.
4. Viêm tai giữa ứ dịch gây điếc vĩnh viễn
Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em với tần suất 1/10. Viêm tai giữa ứ dịch là nguyên nhân hàng đầu làm giảm sức nghe, từ đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tiếng nói, học tập, tới sự phát triển trí thông minh của trẻ.
Nếu không được điều trị, bệnh có thể làm nền cho những đợt tái phát của viêm tai giữa cấp hoặc dẫn đến viêm tai xương chũm có cholesteatoma; từ đó có thể gây ra các biến chứng đặc biệt nguy hiểm. Mặt khác, viêm tai giữa ứ dịch có thể tiến triển tới các bệnh lý mạn tính của tai giữa như viêm tai xơ dính, xẹp nhĩ… dẫn đến di chứng điếc không hồi phục ở giai đoạn sau.
Triệu chứng cơ năng chủ yếu của bệnh là nghe kém, không có các dấu hiệu khác về bệnh học tai như đau tai, chảy mủ tai. Vì thế, bệnh thường bị bỏ qua trong nhiều tháng nhiều năm, vì trẻ nhỏ nên khó phát hiện nghe kém. Các cách chẩn đoán viêm tai giữa ứ dịch gồm:
– Soi tai: Trong đa số trường hợp, màng tai không có biến đổi rõ rệt, không thủng. Hiếm khi thấy bóng hơi hoặc mức nước, mức hơi trong hòm tai. Nếu dùng soi tai có bơm khí sẽ thấy màng tai kém di động hoặc không di động. Đây là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán bệnh.
– Đo nhĩ lượng sẽ xác định được chẩn đoán bệnh.
– Đo thính lực: Là biện pháp cần thiết để biết mức độ bệnh trước khi chỉ định điều trị.
Để phòng chống bệnh, bố mẹ và cô nuôi dạy trẻ phải biết cách phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp trên – nguy cơ hàng đầu dẫn đến viêm tai giữa ứ dịch. Đưa con đi khám và kiểm tra thính lực sớm khi thấy trẻ có biểu hiện gián tiếp của nghe kém như: học hành giảm sút, thay đổi tính nết, thiếu tập trung trong khi giao tiếp, bướng bỉnh, không vâng lời… Ngoài ra, cần giải quyết sớm các ổ viêm ở đường hô hấp trên có thể gây viêm tai giữa: nạo VA, làm khô mũi cho những trẻ chảy mũi kéo dài… Những trẻ có nguy cơ cao như nhiễm khuẩn hô hấp trên kéo dài, sau đợt viêm tai giữa cấp, trẻ sứt môi, hở hàm ếch… cần được kiểm tra nhĩ lượng và thính lực.
5. Rò luân nhĩ dễ bị nhầm với nhọt ở tai
Trong bệnh này, một đường rò xuất hiện ở vùng tai. Từ một lỗ ở trước tai, nó chạy sâu vào phía trong và kết thúc ở chân sụn, hoặc phình ra tạo thành một nang. Khi viêm nhiễm, lỗ rò trông giống như mụn nhọt và dễ bị điều trị nhầm.
Rò luân nhĩ là bệnh bẩm sinh, xuất hiện nhiều ở các nước châu Á; 1/3 số bệnh nhân là trẻ em. Bình thường, khi chưa viêm nhiễm, miệng lỗ rò nhỏ như đầu kim, khô ráo, không có dịch mủ. Khi đường rò bị bội nhiễm, miệng lỗ sẽ viêm dính, xơ sẹo, bên trong có dịch hôi vàng, dùng tay ấn thấy có tổ chức bã đậu trào ra.
Cách điều trị rò luân nhĩ là phẫu thuật bỏ đường rò. Đây là một tiểu phẫu, dễ làm, ngoài tác dụng trị bệnh còn giúp tạo thẩm mỹ cho người bệnh. Các phương pháp khác đều không có hiệu quả và tạo những hậu quả không tốt cho quá trình điều trị sau này. Đặc biệt, không nên chữa bằng phương pháp trích rạch, hoặc dùng kháng sinh kéo dài bởi sẽ gây nhiễm trùng trường diễn, viêm nhiễm tái phát, vỡ mủ và để lại sẹo xấu.
Ở Việt Nam, bệnh rò luân nhĩ chưa được chú ý đúng mức. Khi lỗ rò nhiễm trùng, nhiều người tưởng là bị một cái nhọt trước tai nên chỉ dùng kháng sinh để tự điều trị. Hậu quả là đường rò bị viêm nhiễm, xơ sẹo nhiều lần, gây co dính, ảnh hưởng rất lớn tới thẩm mỹ và gây khó khăn cho việc điều trị sau này.
Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý tới những lỗ rò và nhọt ở vùng trước tai của trẻ. Nếu phát hiện ra, nên đưa trẻ đến khám sớm, phẫu thuật kịp thời; tránh để đường rò bị viêm nhiễm nhiều lần.
6. Zona tai – bệnh hay phát trong mùa hè
Mùa hè là mùa khởi đầu cho rất nhiều dịch bệnh do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, trong đó có bệnh zona tai. Bệnh do virus Herpes – Zoster gây nên, dẫn đến đau rát, loạn cảm hoặc liệt vùng mặt.
Zona tai chủ yếu gặp ở người lớn. Thời gian ủ bệnh là 7-12 ngày với các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, đôi khi không có biểu hiện gì. Sau đó, trên da bắt đầu xuất hiện một ít mụn nước ở vùng tai, to bằng đầu đinh ghim, chứa dịch màu vàng chanh hoặc nâu. Các mụn nước thường mọc dọc theo đường đi của dây thần kinh.
Qua 4-5 ngày, mụn nước khô và biến thành vảy, rụng đi, để lại sẹo vĩnh viễn. Kèm theo đó, bệnh nhân có cảm giác rát bỏng, đau vùng tai, có thể lan ra thái dương và gáy. Đau xảy ra từng cơn kéo dài nhiều ngày làm bệnh nhân không ăn, không ngủ được, đặc biệt là với những ca zona tai kết hợp với zona vùng họng, gây đau họng không nuốt được. Bệnh nhân bị rối loạn cảm giác vùng mặt, liệt mặt ngoại biên (ngay khi xuất hiện mụn nước hoặc sau vài ngày), nghe kém nhiều hoặc ít (tùy theo tổn thương có tấn công vào tai trong hay không), ù tai và chóng mặt. Người bệnh cũng bị rối loạn cảm giác vùng họng, lưỡi như ăn thấy rát bỏng, đau; nổi hạch trước hoặc sau tai. Một số rất ít trường hợp có hội chứng màng não như đau đầu dữ dội, nôn vọt không liên quan đến bữa ăn, rối loạn tiêu hóa (táo bón hoặc tiêu chảy).
Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng, có thể phải kết hợp chọc dịch não tủy.
Bệnh zona tai được điều trị toàn thân bằng các thuốc chống virus như zovirax, thuốc kháng viêm, giảm đau, các vitamin nhóm B, nâng cao thể trạng. Điều trị tại chỗ với thuốc giảm đau, chống bội nhiễm các mụn nước. Cần châm cứu nếu có tổn thương dây 7, đôi khi có thể tiến hành phẫu thuật để giải áp dây 7.
Bệnh zona tai được phòng tránh chủ yếu bằng rèn luyện để nâng cao sức khỏe, sinh hoạt, ăn uống điều độ. Nếu xuất hiện những triệu chứng của bệnh, cần đi khám và điều trị ngay.
7. Thuốc có tác dụng phụ làm giảm thính lực và gây điếc
Ngoài những tác dụng hữu ích, có lợi cho việc điều trị, hầu hết CÁC THUỐC đều có ít nhiều tác dụng phụ ngoài ý muốn, gâytác hại cho cơ thể người bệnh; Trong số đó có những thuốc gây hại cho tai, làm giảm khả năng nghe, giảm thính lực, thậm chí có thể gây điếc vĩnh viễn.
Vấn đề tác dụng phụ của thuốc làm giảm thính lực, gây điếc như thuốc Quinin, Salicylat và tinh dầu giun… đã được đề cập từ thế kỷ thứ 19, với các triệu chứng ù tai, chóng mặt, nghe kém. Các triệu chứng này có thể xuất hiện tạm thời rồi hết, nhưng cũng có thể diễn tiến ngày càng nặng và không thể hồi phục.
Mức độ suy giảm thính lực cũng tùy thuộc vào từng người, thường nặng ở người cao tuổi, người suy giảm chức năng thận, chức năng gan.
Có nhiều thuốc gây suy giảm thính lực, gây điếc, nhưng hai loại gây tác hại nhiều nhất là kháng sinh thuộc nhóm aminoglycosid và thuốc lợi tiểu tác động ở quai Henlé.
1. Nhóm kháng sinh aminoglycosid
Gồm các kháng sinh: Néomycin, Streptomycin,Amikacin,Paramycin, Kanamycin, Gentamycin…
a. Néomycin: Là kháng sinh gây hại nhất cho tai, ngay cả khi dùng bằng đường uống với liều cao để diệt khuẩn đường ruột hoặc dùng liều cao để bôi vết thương cũng có thể gây điếc. Hiện nay, thuốc không được dùng dưới dạng tiêm.
Kanamycin và Amikacin cũng gây độc hại mạnh như Néomycin.
b. Streptomycin: Gây tổn hại nhanh chóng cho bộ phận tiền đình, dẫn đến chóng mặt, mất cân bằng, loạng choạng, khó bước đi trong chỗ tối. Nếu sử dụng 1g/ngày cho bệnh nhân trong 1 tuần lễ thì sau 7-10 ngày sẽ làm suy giảm sức nghe. Nếu tiếp tục điều trị sẽ dẫn tới điếc nặng, điếc vĩnh viễn không phục hồi được. Đã có trường hợp dùng Streptomycin điều trị viêm phổi cho trẻ rồi dẫn tới hậu quả trẻ bị câm điếc.
Gentamycin cũng gây độc cho tai như Streptomycin nhưng nhẹ hơn.
2. Các kháng sinh khác
a. Erythromycin: Dùng liều cao 4g/ngày, tiêm tĩnh mạch để điều trị viêm phổi cho bệnh nhân cao tuổi, suy gan, thận có thể gây điếc và chóng mặt. Tuy vậy triệu chứng này sẽ giảm và hết nếu ngưng thuốc kịp thời.
b. Ampicillin: Dùng điều trị viêm màng não do Hemophillus influenzae có thể làm suy giảm thính lực.
c. Chloramphenicol: Giống như Ampicillin, dùng điều trị viêm màng não cũng làm giảm sút sức nghe.
d. Những kháng sinh như Viomycin, Vancomycin, Capreomycin cũng gây độc hại cho tai, làm suy giảm thính lực, gây điếc.
3. Thuốc lợi tiểu tác động ở quai Henlé
Nhóm thuốc lợi tiểu này gồm Acid Ethacrynic, Furosemid, Bumetanid; có tác dụng ức chế tái hấp thu các chất điện giải ở nhánh lên của quai Henlé, tác dụng lợi tiểu mạnh, làm giảm nhanh Natri. Thuốc gây độc mạnh cho tai nhất là ở người cao tuổi, người suy gan, suy thận. Độc tính tăng thêm khi dùng đồng thời với kháng sinh nhóm aminoglycosid. Độc tính giảm dần theo thứ tự Bumetanid, acid Ethacrynic, Furosemid.
4. Thuốc chống viêm
Salicylat thường gây ù tai và giảm thính lực, nhưng có khả năng hồi phục.
Aspirin liều cao cũng gây ù tai và giảm thính lực ở tần số cao, thường phục hồi sau khi ngừng thuốc.
Các thuốc chống viêm không steroid như Ibuprofen, Indomethacin, Piroxicam… cũng có tác dụng làm suy giảm sức nghe, gây điếc.
5. Thuốc chống sốt rét
Từ thế kỷ 19, người ta đã phát hiện Quinin và Chloroquin có thể làm giảm thính lực. Nếu dùng liều nhỏ thì triệu chứng sẽ mất hẳn khi ngưng thuốc, nhưng với liều cao thì có thể gây điếc vĩnh viễn.
6. Thuốc chống ung thư
Cis-Platinum có thể gây nghe kém, ù tai, rối loạn tiền đình; Ở mức độ nhẹ có thể hồi phục được, nếu nặng có thể gây điếc vĩnh viễn.
Bleomycin, – 5. Fluorouracil cũng có thể gây hại cho tai, làm suy giảm thính lực.
Tuy vậy các thuốc thuộc nhóm này chưa được nghiên cứu nhiều.
7. Các loại thuốc khác
– Thạch tín.
– Tinh dầu giun.
– Hexadin.
– Pentobarbital.
– Thuốc tim mạch, thuốc trị cao huyết áp: Quinidin chữa loạn nhịp tim, Propanolol (thuốc chẹn beta) chữa cao huyết áp.
– Kháng độc tố uốn ván…
Để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân cao tuổi, có thai, suy gan thận, không được dùng các thuốc có khả năng gây độc cho tai, mà phải thay thế bằng các thuốc khác có cùng tác dụng. Nếu bắt buộc phải dùng, bệnh nhân cần được đo thính lực và theo dõi thường xuyên trong suốt quá trình dùng thuốc (đặc biệt là các kháng sinh); Và nếu có suy thận, phải đo nồng độ thuốc trong máu và điều chỉnh liều để không vượt quá mức cần thiết.
Nguồn: Sưu tầm từ ykhoa.net