
Dạy đọc cho trẻ có Hội chứng Down
Tác giả: Rifka Schonfeld, Director S.O.S (Strategies for Optimum Success)
Ngay sau khi nhận nuôi Regina, cô bé 16 tháng có hội chứng Down, Sue bắt đầu tìm hiểu những cơ hội học tập của con gái mình và bà nhận thấy rằng có rất ít nghiên cứu về khả năng học tập của trẻ em có hội chứng Down.
Trẻ có hội chứng Down thường phát triển chậm hơn trẻ em bình thường khác, nhưng chuyên gia Buckley nhận thấy rằng các vấn đề trở ngại trong việc học tập của các em có liên quan chặt chẽ đến thể lực của các em. Chính điều này đã khiến bà phát triển quỹ nghiên cứu nhằm trợ giúp các em học cách đọc từ sớm. Rất nhiều phụ huynh đã nhận thấy rằng việc dạy con cái của họ đọc đã giúp cải thiện ngôn ngữ phát âm và giúp cải thiện trí nhớ của các em. Một phụ huynh đã gửi thư cho chuyên gia Bruckley “Đó là một kinh nghiệm của sự thay đổi cuộc sống khi xem các video về việc tập đọc của trẻ có hội chứng Down, và tôi nhận thấy rằng mặc dù con gái của tôi chưa nói rõ nhưng cháu có thể bắt đầu tập đọc trong thời gian sớm nhất.”
Vậy đâu là phương pháp hiệu quả để dạy trẻ có hội chứng Down biết đọc? và làm thế nào để thông qua việc đọc có thể phát triển các kỹ năng ngôn ngữ và kỹ năng xã hội? Tôi sẽ cố gắng trả lời những câu hỏi này trong bài báo dưới đây.
Nhu cầu khác nhau, phương pháp khác nhau
Không có hai đứa trẻ giống nhau, tuy nhiên, đối với hầu hết trẻ có hội chứng Down thì việc nhận biết về xã hội tốt nhất là ngay từ thời kỳ thơ ấu. Nhiều dấu hiệu cho thấy rằng các em biểu thị sự nhận biết hiện tượng xung quanh không bằng lời nói mà biểu hiện qua khuôn mặt, giọng điệu, tư thế và cử chỉ. Do đó, mặc dù em bé không hiểu hoàn toàn những lời nói xung quanh em, thì em vẫn có thể sử dụng những tín hiệu phi ngôn ngữ để nhận thức được các hiện tượng xã hội.
Down Syndrome Education International, một tổ chức từ thiện được thành lập với mục đích mang đến cho trẻ có hội chứng Down cơ hội học tập, chứng minh rằng trẻ em có hội chứng Down có xu hướng hiểu biết về những hiện tương và hành vi của xã hội tốt hơn những trẻ em khác có mức độ chậm tương tự trong nhận thức và giao tiếp xã hội, và tổ chức từ thiện này sẽ giúp các em trở nên thành công hơn trong sinh hoạt cộng động và giáo dục hòa nhập.
Khi ở độ tuổi mầm non, sự chậm phát triển ngôn ngữ không gây trở ngại lớn đến sự giao tiếp xã hội của trẻ, tuy nhiên khi bé lớn lên, ngôn ngữ đóng một vai trò lớn trong vấn đề giao tiếp xã hội của trẻ. Vì vậy, trẻ dường như gặp khó khắn hơn trong việc giao tiếp xã hội cũng như trong việc điều chỉnh hành vi của bản thân. Các em lớn về thể chất nhưng trí óc vẫn rất non nớt đến độ các em không nhận ra tại sao một số hành vi nào đó có thể gây ra nguy hiểm hoặc không thích hợp.
Tỷ lệ phát triển ngôn ngữ của trẻ sẽ ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của phát triển xã hội của các em. Khi sự hiểu biết ngôn ngữ của trẻ phát triển sẽ giúp cho các em giải thích được tại sao một số hành vi được chấp nhận còn một số khách thì không. Dĩ nhiên là vấn đề này có thể vẫn hiệu quả khi áp dụng cách giải thích phi ngôn ngữ, nhưng lại đòi hỏi cả người lớn và trẻ em phải có sự kiên nhẫn nhiều hơn. Khi kỹ năng sử dụng ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp của trẻ phát triển, trẻ sẽ cảm thấy ít thất vọng và có thể giải thích cảm giác của em hoặc đưa ra yêu cầu cho những vấn đề em mong muốn.
Đây là lý do tại sao phải dạy trẻ đọc. Nghiên cứu cho thấy rằng phát triển kỹ năng đọc của trẻ có hội chứng Down sẽ mở ra sự phát triển ngôn ngữ cho trẻ, điều này cũng ảnh hưởng tới các kỹ năng xã hội và hành vi của trẻ. Vậy chúng ta sẽ dạy trẻ có hội chứng Down kỹ năng đọc như thế nào?
Đọc và Hội chứng Down
Trẻ em có hội chứng Down sẽ học tập hiệu quả từ những gì các em nhìn thấy hơn là những gì các em nghe thấy. Không như những trẻ em khác, các em gặp khó khăn trong việc học ngôn ngữ đầu tiên thông qua việc nghe. Vì vậy, đối với các em, việc hiểu và nhớ cách phát âm một từ, hoặc một câu sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu các em học được cách đọc từ hay câu đó ngay từ khi còn nhỏ.
Một trong những bước đầu tiên để việc đọc được thành công chỉ đơn giản là được đọc. Khi còn thơ ấu, trẻ chỉ coi sách như món đồ giải trí và vui thú. Điều này sẽ khuyến khích các em thích đọc và đọc cũng trở thành niềm vui của các em khi các em lớn lên. Đọc sách là một kỹ năng sống cơ bản, nhưng cũng giúp cho trẻ có hội chứng Down ý thức về bản thân và năng lực bản thân, và đó là những vấn đề mà các em có thể làm tốt.
Khi bắt đầu hướng dẫn đọc (cho trẻ có hội chứng Down, thì nên bắt đầu sớm khi trẻ lên hai tuổi), điều quan trọng là phải bắt đầu với toàn bộ từ vựng và cố gắng làm cho việc đọc có một ý nghĩa nào đó ngay trong bước đầu tiên. Một khi trẻ đã đạt được một “tầm nhìn” từ vựng có ý nghĩa, các em có thể bắt đầu học cách phát âm những âm tiết mới và những từ mới thông qua sự chỉ dẫn phát âm. Từ đó, đọc sách có thể giúp các em nói một cách khá trôi chảy, trọn vẹn một từ và một câu. Trên website của tổ chức Down Syndrome Education International, một bà mẹ đã bộc lộ về lợi ích của việc đọc sách đối với cô con gái như sau:
“Đọc sách giúp cho con tôi nói tốt hơn. Ví dụ, khi lên hai, cháu bắt đầu tập đọc, lúc đó tuy cháu đã biết nói nhưng vẫn chưa rõ ràng như bỏ sót mạo từ, giới từ, vv.
Sự thay đổi xảy ra khi cháu học đọc bằng các thẻ từ. Hiện nay, cháu đã phát biểu được trọn vẹn cả câu và cô giáo của cháu nhận xét từ vựng của cháu khá tốt.
Điều này còn khiến các em nhỏ khác tôn trọng Emma và không chỉ như vậy, còn giúp cho Emma có sự tự trọng. Các em biết rằng bằng việc đọc sách, Emma đứng trong nhóm những bạn đọc tốt nhất trong lớp. Điều này chứng minh rằng trẻ chậm phát triển không phải luôn chậm phát triển ở tất cả mọi lĩnh vực.
Phương pháp dạy ký hiệu từ ngữ
Phụ huynh chúng ta đương nhiên sẽ giúp con em của mình tập đọc thông qua những trò chơi hoặc khuyến khích trẻ nhận biết và ghi nhớ ký hiệu của từ ngữ.
Hình ảnh tương tự:
Dạy trẻ đọc có thể bắt đầu bằng việc sử dụng một số hình ảnh tương tự nhau trong hai hoặc bốn bức tranh trên bảng dính.
Chọn một bức tranh nói: “đây là một chiếc ghế. Cái nào tương tự như vậy?”
Hướng dẫn các em lựa chọn bức tranh đúng. Điều quan trọng bạn phải nhớ rằng đây không phải là một bài kiểm tra mà bạn luôn sẵn sàng hỗ trợ các em khi cần thiết trong mọi lúc.
Làm đi, làm lại cho tới khi con của bạn trở nên hành thạo.
Đặt tên cho hình ảnh:
Sử dụng bảng dính ở trên, chỉ vào một bức tranh và nói với con của bạn “Đây là gì? Đây là một chiếc ghế. Con có thể nói ghê không?”
Liệu con của bạn có thể đánh vần từ một cách chính xác và ngay lập tức hay không.
Tiếp tục làm đi làm lại cho đến khi con bạn đánh vần từ một cách trơn tru và nhanh chóng.
Khi con bạn có thể tự tin xác định đúng hình ảnh theo cách này, bạn có thể trở lại bước thứ nhất và dạy con đọc cùng một từ. Lúc này, bạn dạy con viết từ mà không nhìn vào tranh, bạn thử đi, thử lại với cùng một bức tranh và đặt tên cho bức tranh đó. Bạn dính những bức tranh lên bảng theo những từ quen thuộc như là những loại quả, đoò ăn yêu thích của con bạn, tên của anh, chị em, hoặc những địa danh yêu thích của con bạn.
Kết luận
Đương nhiên đây không phải là vấn đề có thể thực hiện một sớm, một chiều, nhưng với sự kiên trì và kiên nhẫn của bạn, trẻ có Hội chứng Down có thể thu được những lợi ích từ việc đọc. Khi đọc sách mang lại niềm vui và sự thoải mái, trẻ có được sự tự tin cũng như ý thức được về bản thân. Điều quan trọng nhất là đọc sách làm tăng trưởng ngôn ngữ của trẻ, điều này gián tiếp giúp các em phát triển các giao tiếp xã hội. Vì vậy hãy bắt đầu với các bảng dính từ và bắt đầu việc tập đọc!
Traimoxanh sưu tầm và dịch, đề nghị ghi rõ nguồn khi trích