
Cùng con vượt qua bóng tối
Cuộc phỏng vấn với nhân vật đã ám ảnh tôi nhiều ngày, tôi đã nhận được 1 bài học về tình yêu thương, về việc làm mẹ…chỉ qua buổi nói chuyện với Hà.
(PHỤ NỮ Xuân 2012)
Trải hơn 10 lần phẫu thuật buồng trứng và vòi trứng, 3 lần làm thụ tinh ống nghiệm – người phụ nữ ấy mới được làm mẹ. Hai bé song sinh ra đời non tháng, yếu bấy đến nỗi lập tức đối diện với nguy cơ đột quỵ và bị bong võng mạc. Hành trình giành giật sự sống cho con và những ngày cùng con vượt qua bóng tối của chị đã khiến tôi tin rằng: phép nhiệm màu của tình mẫu tử có thể thay đổi được cả những định đoạt tàn nhẫn của số phận.
Trước mặt tôi là quyển vở học sinh bìa sờn cũ, đó là “hồ sơ” theo dõi việc ăn và dùng thuốc những tháng đầu đời của 2 bé song sinh Đỗ Bảo Linh- Đỗ Bảo Minh (sinh tháng 3.2008). Mỗi trang giấy là mỗi đêm trắng của bố mẹ 2 bé với chu trình lặp đi lặp lại: cho con uống thuốc và ăn – rồi bé trớ sạch – hút rửa mũi họng- lại bú- lại trớ…Nét chữ xiêu vẹo về đêm, thỉnh thoảng có đôi dòng nhật ký về tiến triển sức khỏe và nhận thức của bọn trẻ. Những dòng chữ ngắn ngủi ấy như chùm tia nắng rạng rỡ hy vọng giữa bộn bề những con số và ký hiệu hoang mang kiệt sức. Còn trong câu chuyện với tôi, người mẹ lúc thì cười, lúc thì rơm rớm nước mắt, khi quay ngược thời gian để nhớ lại hành trình cam go và đầy thương yêu mà vợ chồng chị đã trải qua…
Nguyễn Thu Hà và Đỗ Văn Hiệp (Đội Cấn- Hà Nội) kết hôn năm 2004, họ vừa kịp vui mừng khi Hà có thai đôi đã lập tức phải đối diện với tin dữ: một thai bị lưu, một thai không thể di chuyển vào tử cung nên đã gây vỡ vòi trứng. Mổ cấp cứu, mới phát hiện buồng trứng của Hà còn có khối u như quả cam nhỏ. Vòi trứng còn lại bị dính tắc- vậy là chỉ trong vòng vài tháng, Hà phải trải qua khoảng 10 cuộc phẫu thuật với kết quả cô chỉ còn 1 bên buồng trứng, không còn vòi trứng nào. Giờ, Hà muốn làm mẹ chỉ còn cách duy nhất là thụ tinh ống nghiệm. Hai vợ chồng bắt đầu chặng đường “tìm con” ở BV Phụ Sản Trung Ương, tại đây họ làm ống nghiệm 2 lần. Đều thất bại! Vợ chồng họ quyết định: Lên đường vào Nam làm tiếp ống nghiệm, chưa có con chưa về!
Lần này thì ca ống nghiệm của Hà thành công. Nhưng vừa cấn thai Hà đã có dấu hiệu dọa sảy, bác sĩ chỉ định phải nằm tại chỗ trong 3 tháng đầu. Ăn và vệ sinh tại giường, liên tục đặt thuốc và máu vẫn ra hàng ngày, sau 3 tháng “liệt giường”, cơ chân Hà bị teo nhỏ, bắp chân chảy nhão đến mức có thể vắt ngược được lên ống đồng. Ngày trở dậy Hà phải tập đi từng bước như một em bé, lên xuống cầu thang chồng cô luôn phải bế. Hiệp có cách yêu vợ tận tụy và đầy chở che. Khi Hà đau ốm trên giường bệnh của 10 lần phẫu thuật, và hơn 3 tháng vợ anh nằm bất động giữ thai, Hiệp tự tay chăm vợ từ miếng ăn giấc ngủ, không nề hà việc tắm táp, đổ bô cho vợ.
Hà mang thai đôi, một trai một gái. Thai được 5 tháng, bác sĩ nói thai kỳ đã ổn định, họ có thể ra Hà Nội. Nhưng chỉ được đến tháng thứ 6, sức khỏe của Hà lại bất ổn, diễn tiến xấu dần từng ngày, cái thai đôi chèn chỗ của phổi khiến mỗi nhịp thở của Hà rít lên ầm ầm như cái van áp suất sắp bật. Gia đình hoảng sợ tính: phải mổ sớm, không Hà sẽ chết mất. Hà thở bình, kiên quyết không chịu mổ, cô chiến đấu từng ngày để tiếp tục được ủ con trong bụng. Vào ngày 22.3.2008, bé Bảo Linh (Mít)- Bảo Minh chào đời (sớm hơn hai tháng), do mẹ bị vỡ ối.
Mít nặng 1,8kg, Minh 1,6kg- sinh non nên cả hai bé đều chưa kịp hoàn thiện phổi và mắt. BS chỉ định Mít và Minh phải sang Viện Nhi Trung Ương để mổ mắt thật sớm do cả hai bé đều bị ROP (tình trạng rối loạn phát triển của mạch máu võng mạc ở trẻ sanh non), nguy cơ bị mù cực cao. Để muộn ngày nào thì võng mạc càng tiến gần đến mốc bị xơ hóa, cơ hội cứu đôi mắt càng ít đi. Điều kiện tối thiểu cho một ca mổ là bệnh nhân phải thở được, nhưng Mít suy hô hấp có lúc ngừng thở, cứ rời lồng ấp là bé lại tím ngắt. Bố Hiệp nhớ lại: “21 ngày tuổi, Minh phẫu thuật mắt lần đầu. Lúc đó, Minh gầy da bọc xương, đùi nó bé đúng bằng ngón tay tôi, nó đã sọp xuống nhẹ cân hơn cả lúc mới sinh. 2 ngày sau thì đến lượt Mít phẫu thuật, tôi quấn con vào cái khăn bế từ phòng X.Q sang phòng lồng ấp, người Mít trắng nhợt không còn chút máu, khoảng cách giữa hai căn phòng sao đằng đẵng. Tôi đã ứa nước mắt khi nghĩ không biết liệu Hà có còn được nhìn thấy con còn sống…”.
Thời gian ở cữ của Hà là những tuần dài cùng chồng túc trực 24/24h trong phòng sơ sinh của Viện Nhi. Hai bé thỉnh thoảng lại có cơn ngừng thở tự nhiên, nếu không kịp búng vào chân để bé khóc và tỉnh dậy, thì đó sẽ là giấc ngủ vĩnh viễn. “Ở phòng lồng ấp ấy, thỉnh thoảng lại có một em bé bị mất, rất nhiều trẻ đã chết một cách vô lý, tôi cứ ám ảnh mãi về một bé ra đi vào ngày 1.5 do bác sĩ nghỉ lễ. Con quá yếu, có lúc Mít thở máy đầu con bị phồng to như người ta bơm quá nhiều hơi vào một quả bóng – vợ chồng tôi không ai dám nói ra nỗi hoảng sợ rằng con mình có thể bị ngưng thở bất cứ lúc nào”.
Mít đã được trả lại đôi mắt lành lặn sau 3 lần phẫu thuật. Còn Minh thì không ổn- tổ chức xơ trong mắt vẫn tiếp tục tăng sinh. Sau lần mổ thứ 2 của Minh, tháng 5.2008 có đoàn chuyên gia về mắt của Mỹ đến Hà Nội, khám cho bé họ nói: mắt của Minh đáp ứng được điều trị, đang tiến triển tốt. Hai bố mẹ lại phập phồng hy vọng. Một tháng sau tái khám, bác sĩ cho biết võng mạc của Minh đã bị bong, không cách gì cứu mắt được nữa! Cú sét tuyệt vọng số phận giáng xuống khiến Hiệp và Hà quỵ gục, chỉ thấy bủa vây mịt mù, họ không biết rồi đây sẽ chăm con như thế nào, cuộc sống của Minh rồi sẽ ra sao??? Sau 3 tuần câm lặng và kiệt quệ, Hà là người bình tĩnh trước. Cô nói chuyện với chồng, để cùng anh chấp nhận thực tế. “ Hai vợ chồng đến gặp Nguyễn Thanh Tùng- nghệ sĩ đàn bầu bị khiếm thị do dioxin. Câu nói của Thanh Tùng “em không thấy mình bất hạnh mà chỉ thấy mình bị bất tiện” đã vực dậy tinh thần cho tôi. Như vậy, khiếm thị không có nghĩa là cuộc đời đóng cửa lại với đứa trẻ, bất hạnh hay hạnh phúc là do đứa trẻ tiếp nhận và chủ động với cuộc sống của mình như thế nào. Vợ chồng tôi quyết định chuyển sang phương án giáo dục con , thay vì ngồi đó chờ những phép màu hão huyền” – Hà nhớ lại.
Nhưng ở Nguyễn ĐÌnh Chiểu – trường dành cho người khiếm thị chỉ nhận trẻ từ 7 tuổi. Hiệp và Hà lại nghĩ: tại sao lại không can thiệp giáo dục cho bé từ 0 tuổi? Thế là họ lần tìm thông tin về các phương pháp can thiệp sớm dành cho trẻ khiếm thị của nước ngoài để tham khảo cho trường hợp của Minh. Lúc này, phát triển thể chất của Minh lại ở ngưỡng nguy hiểm: 10 tháng tuổi bé vẫn chưa tự nhấc nổi đầu mình lên, thêm nữa bé còn bị giãn não. Lại những chuỗi ngày đưa Minh đi phục hồi chức năng ở Viện Nhi, sau 2 tháng không thấy mảy may biến chuyển, vợ chồng họ lại tìm trên mạng để kết nối với một câu lạc bộ các bà mẹ có con bị thiểu năng bên Mỹ, để xin tài liệu tự tập cho con. Thật kỳ diệu là sau 10 ngày tập, bé Minh đã ngồi dậy được. Cũng theo tài liệu này, hàng ngày Hà kiên trì massage cho con, niềm tin của cô đã được đáp đền: kết quả siêu âm lúc Minh 1 tuổi cho thấy, bé không còn dấu vết nào của chứng giãn não.
Một ngày, nghe chuyện có người vừa đưa con bị bong võng mạc độ 5 (cấp độ nặng nhất) đi Nga phẫu thuật, em bé đã nhìn lại được. Hiệp lập tức tìm đến gia đình may mắn ấy, anh tận mắt thấy em bé 4 tuổi có thể nhặt cái tăm vừa đánh rơi. Ngay tối hôm đó, vợ chồng họ quyết định dồn góp tài sản cuối cùng để sang Nga cứu đôi mắt cho Minh. Đúng 1 tuần sau ngày Hiệp gặp em bé được cứu mắt- gia đình họ đã có mặt tại Saint Peterburg. Lúc đó là tháng 4.2009, chị em Mít được 13 tháng tuổi. 3 tuần ở Nga, xong phẫu thuật bóc xơ võng mạc, bác sĩ hẹn sau 4-6 tháng Minh quay lại mổ lần hai. Tháng 8.2009, bố mẹ đưa Minh sang Nga lần 2 để phẫu thuật ghép võng mạc. Đau đớn là phẫu thuật không thành công, võng mạc ghép lại bị bong!
Nghỉ việc ở một cơ quan nước ngoài, Hà vào TP HCM theo học lớp huấn luyện dành riêng cho giáo viên trường Nguyễn ĐÌnh Chiểu. Cô tin, chỉ có bố mẹ mới là chuyên gia tốt nhất để dạy Minh. Một cách bản năng, Minh rất sợ thế giới xung quanh, bé không dám chạm tay vào đồ vật và luôn nhút nhát. Minh cần phải khám phá thế giới bắt đầu bằng xúc giác, bé đã được tập “nhìn” bằng cách cảm nhận da thịt khi sờ vào tay bố mẹ, sờ để biết nhịp tim nhanh chậm, khái niệm ấm- lạnh, cứng- mềm qua những gì bé được chạm vào. Hà chia sẻ về quá trình dạy con của mình: “Minh học sờ, học ngửi, học nghe để khám phá thế giới. Để hiểu khái niệm cao- thấp, bé được tự leo cây; Để biết thế nào là chòng chành, bé được đi cano, lạnh- bé sờ đá, chua- bé được nếm chanh…Mẹ và bố thường tự bịt mắt mình lại để hình dung cái gì đang diễn ra xung quanh, điều chỉnh hướng dẫn cho phù hợp với Minh. Làm bất cứ điều gì cũng nói chuyện với bé: mẹ mở vòi nước này, mẹ múc nước, mẹ dội nước lên người Minh này. Bố đang bước xuống cầu thang, bố mở cửa, bố rẽ trái này… 6 tháng chỉ tập đi tập lại cho Minh 1 kỹ năng, rất lâu và nhẫn nại, đến mức có lúc tưởng như Minh không tiến triển gì. Nhưng hai vợ chồng đã xác định tinh thần là phải kiên nhẫn đồng hành cùng con”. Giờ thì Minh có thể “nhìn” bằng tất cả các giác quan còn lại. Bé nghe tiếng động mà biết được bố đang cạo râu, tiếng đánh răng này là của mẹ, tiếng nhai ròn tan kia là chị Mít đang ăn dưa chuột. Minh leo cầu thang không ngã, ngửi mùi khói biết bà đang nấu món gì, 3 tuổi bé đã tự phục vụ vệ sinh cá nhân của mình, ngã đau sẽ đứng dậy đi tiếp chứ không lèo nhèo khóc. Đặc biệt, Minh là em bé đầu tiên ở Việt Nam biết dò đường đi bằng gậy…
Với những em bé tật nguyền, bố mẹ thường có phản ứng: chiều chuộng con theo kiểu bù đắp: Hoặc coi bé là sản phẩm hỏng, giấu diếm về bệnh tật (thậm chí dấu cả sự tồn tại của bé) như bé là khiếm khuyết của gia đình. Vợ chồng Hiệp và Hà thì khác: “Bố mẹ phải tự tin thì mới truyền được sự tự tin cho con. Nếu mình xấu hổ về bé, thì làm sao bé có thể tự tin và yêu quý cuộc đời mình?!”. Minh và Mít đang học trường mầm non Tomoe, Minh ở giữa các bạn luôn là em bé vui vẻ, chủ động và hạnh phúc như mọi em bé bình thường. Mít thì mới hơn 3 tuổi đã tỏ ra một bà chị đích thực, yêu em hết mực dịu dàng và chu đáo. Mít có thể ru em ngủ, dạy em nhận biết xung quanh, thay quần áo và coi em giúp bố mẹ.
Với bản tính hướng về phía trước một cách thực tế và tích cực, Hà đã hình dung ra chặng đường tiếp theo: “Nhưng rồi sẽ đến lúc Minh nhận ra mình khác bạn bè. Để bé không sốc, Minh cần phải biết con khác thường. Nên ngay từ bây giờ, vợ chồng tôi đã yêu cầu mọi người không né tránh về tình trạng của Minh. Con đã biết mình không nhìn được, và việc ấy chẳng có gì là kinh khủng, thậm chí nó bình thường như chuyện Minh đói bụng. Minh không được ưu ái hay khoan nhượng trong những lỗi lầm của mình với lý do “phạm lỗi do khiếm thị”. Con lớn lên phải có niềm kiêu hãnh của một người đàn ông mạnh khỏe về cả thể chất và tinh thần. Trên thế giới nhiều người khiếm thị đã trượt tuyết, chơi nhạc, thể thao, viết văn…có thể Minh không có điều kiện để trở thành một trong những cá nhân xuất chúng đó, nhưng phải cho con cơ hội để thử sức và được phát triển bình thường!”.
Điều gì đã đem lại sức mạnh giúp Hiệp và Hà vượt qua chừng ấy gian khó? Hà nói đơn giản: “Đó là tình yêu và niềm tin về một tương lai luôn tươi đẹp. Phải yêu mới tin, vì chỉ cần một người ngã lòng, một người buông xuôi là người kia sẽ lập tức yếu đuối và kiệt sức!” Còn Hiệp, sau phút trầm ngâm anh trả lời: “Con đã chọn chúng tôi, đó là nhân duyên. Hạnh phúc diệu kỳ của việc làm bố mẹ đã cho chúng tôi sức mạnh và năng lượng bất tận của tình thương yêu”.
Hy vọng luôn thắp lửa trong tổ ấm nhỏ của họ. Gương mặt Hiệp và Hà rạng lên khi nói về một kỳ vọng mới: Các nhà khoa học Mỹ vừa mở một viện nghiên cứu về nghành mắt ở Bắc Kinh, đã có 4 bệnh nhân ROP như Minh được chữa thành công bằng phương pháp cấy tế bào gốc. Hồ sơ của bé Minh đã được gửi sang Bắc Kinh, biết đâu với phát triển của khoa học, một ngày nào đó đôi mắt Minh sẽ được thấy ánh sáng?
Cầu mong sao, ngày mà Đỗ Bảo Minh nhìn được sẽ không phải là câu chuyện hoang đường….