
Con vẫn được chào đời
Freddi là con ruột của cặp vợ chồng người Anh Amanda, một bác sĩ đa khoa 45 tuổi và Richard, một kỹ sư điện tử 57 tuổi. Năm 2003, một năm sau ngày cưới, Amanda mang thai.
“Đất trời bỗng sụp đổ sau lần nhận kết quả kiểm tra định kỳ sức khoẻ thai nhi, chúng tôi được thông báo đứa con có khả năng mắc hội chứng Down rất cao” – Amanda nhớ lại.
Song, “Chúng tôi muốn con mình được chào đời như bao đứa trẻ khác” – Amanda và Richard chia sẻ. Đứa con của họ chào đời với rất nhiều căn bệnh hiểm nghèo bên cạnh hội chứng Down. “Năm tháng đầu cả hai mẹ con đều phải ở trong bệnh viện do lịch phẫu thuật cho Freddi quá dày đặc. Có lần bác sĩ nói với tôi rằng khả năng sống của Freddi chỉ khoảng 5%. Nhưng Freddi đã chiến đấu rất kiên cường với bệnh tật và dần mạnh khoẻ để được về nhà” – Amanda cười hạnh phúc.
Dẫu tháng ngày nuôi dưỡng Freddi sau đó có nhiều nước mắt hơn nụ cười nhưng Amanda và Richard vẫn quyết định nhận thêm một đứa con nuôi với điều kiện duy nhất “đứa bé đó cũng phải mắc hội chứng Down”. Cả hai đón nhận Mimi, lúc đó mới 9 tháng tuổi và đang sống ở một nhà nuôi dạy trẻ chuyên biệt, vào năm 2008. “Bắt đầu từ ngày đó, tôi liên tục bị stress bởi cả hai đứa đều rất nghịch ngợm và hung hăng, thường xuyên gây hấn với nhau. Tôi phải xin nghỉ làm hẳn trong một năm để trông chừng con” – Amanda cho biết.
Theo thời gian, Mimi và Freddi lớn lên và đẳng cấp “quậy” cũng lớn theo, có nhiều lúc Amanda tưởng chừng đã gục ngã vì không đủ sức quản lý, dạy dỗ cả hai. “Tuy vậy, những nỗ lực dù là rất nhỏ của các con như biết nhặt đồ lên, biết uống nước đúng cách… đều trở thành niềm vui lớn cho cả hai vợ chồng” – Richard nói. “Tương lai chưa biết sẽ ra sao nhưng chúng tôi trân quý từng ngày cả gia đình được sống bên nhau. Cá nhân tôi tin các con sẽ trưởng thành từ tình yêu của bố mẹ chúng” – Amanda chia sẻ.
(Theo báo Tuổi trẻ)