
Chuyện cảm động về ban nhạc da cam
Đến thị trấn Ea Pôk (Cư M’Gar – Đắk Lắk), hỏi Trung tâm Người tàn tật Toàn Phát, ai cũng biết bởi trung tâm này có ban nhạc rất đặc biệt, gồm 14 người, độ tuổi từ 13-28, tất cả đều bị thiểu năng trí tuệ nhưng biết chơi nhạc dưới sự chỉ đạo của nhạc trưởng kiêm chủ cơ sở Trần Quang Trình, cũng là người khuyết tật.
Xoa dịu nỗi đau bằng nghệ thuật
Những ngày đầu tháng Tư, sau cơn mưa trái mùa, đường về Ea Pôk nhòe nhoẹt đất đỏ. Bên tách trà nóng, Trần Quang Trình trầm ngâm kể về những phận đời không may mắn: “Khi sinh ra đã mang trong mình nỗi đau da cam, đứa khuyết đi vài bộ phận, đứa sứt môi, mặt méo xệch, chân tay co quắp, nhưng ông Trời không lấy đi tất cả, bù lại chúng tôi có một tâm hồn nhạy cảm và biết yêu thương cuộc đời”.
Thế rồi anh kể về niềm đam mê âm nhạc của cả đội, say mê đến nỗi cứ mỗi lần thấy tiết mục văn nghệ trên đài truyền hình hay băng đĩa nhạc mẫu là các em đều rất hào hứng. Ê Ban Sương, người Ba Na, tuy bị khiếm thính nhưng vẫn thuộc hơn 20 bài hát, 24 bài thơ và nhiều chữ nổi. Sương tâm sự: “Được hát, đọc thơ, được học chữ nổi khiến em quên đi nỗi đau thân phận và sự mặc cảm của mình”.
Tới nay, anh Trình đã gắn bó với các em gần 10 năm, dìu dắt cả đội từ việc dạy chữ đến học hát, đọc thơ… Công việc đó với anh không chỉ là sở thích mà còn là tình thương, niềm đồng cảm.
Có chung số phận không may mắn nên các em trong ban nhạc da cam đều xem nhau như ruột thịt. Dồn tiền từ một số nhà hảo tâm hỗ trợ cộng thêm số tiền ủng hộ từ những lần biểu diễn ở các cuộc họp, chương trình văn nghệ, anh Trình mua được một chiếc xe ô tô để có thể thuận tiện chở các em đi biểu diễn. Một phần dành mua thuốc men, dụng cụ học tập. Nhiều em hát hay, học giỏi, thuộc nhiều thơ, anh Trình lại trích tiền mua quà thưởng nên các em rất hăng say tập luyện cũng như học tập.
Để giảm bớt vất vả cho các em, anh Trình chọn những em có chất giọng tốt cho hát đơn ca và có chương trình tập luyện riêng, em nào có năng khiếu âm thanh thì cho học nhạc, còn lại là hát đồng ca.
Hoàng Văn Lý, Trần Thanh Hà hồ hởi khoe: “Chúng em được thầy Trình chỉ dạy tận tình và hay được đi biểu diễn, có nhiều người khen bọn em hát hay, thổi sáo nghe da diết nên nhiều bữa bọn em quên cả ăn trưa để tập luyện, tập nhạc xong học chữ nổi cũng nhanh vào lắm”.
Mỗi em bị khuyết tật một bộ phận nên khi lên sân khấu, anh Trình ra hiệu lệnh bằng cách bảo các em nắm tay, ra hiệu với nhau bằng cách bấm tay. Hiệu lệnh này khá hiệu quả, thể hiện tinh thần đồng đội cao. Có đêm, đang biểu diễn ở huyện vùng sâu Ea Súp, bị mất điện, các em vẫn nắm chặt tay nhau hát và múa rồi đọc thơ cho đến khuya. Khán giả càng vỗ tay, các em biểu diễn càng hăng say.
Ngoài biểu diễn nhạc, các thành viên trong ban nhạc còn đi bán tăm tre để có thêm tiền trang trải cuộc sống và mua sách vở. Hình ảnh ấn tượng và xúc động nhất có lẽ là cặp đôi Trịnh Thế Chiến và Nguyễn Chương. Chiến tuy teo tóp cả hai chân nhưng hát khá hay; Chương thì một mắt lóa, một mắt mù hẳn nhưng chơi đàn giỏi, hàng ngày vẫn cõng Chiến đến trường. Những ngày chủ nhật rảnh rỗi, Chiến và Chương lại đến Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Đắk Lắk, người đàn, người hát suốt cả ngày cho các em nghe.
Không nguôi khát vọng
Tuy mỗi người trong ban nhạc da cam đều có nỗi đau riêng nhưng ai cũng nuôi khát vọng được trưởng thành và cống hiến. Đội trưởng Trình mong muốn sẽ soạn ra một giáo trình hoàn hảo về thanh nhạc dành cho người khuyết tật và viết một cuốn sách nói về quy trình phân loại nhóm và phương pháp dạy nghề cho người khuyết tật để các trung tâm như Toàn Phát có thể tham khảo. Anh cũng vừa bán nốt miếng đất rẫy còn lại mua thêm chiếc máy chẻ tăm và máy dệt chiếu với mong muốn sẽ thành lập xưởng dạy nghề dành riêng cho người khuyết tật. Anh bảo: “Trong năm 2013 này, cơ sở của tôi sẽ đổi tên thành Toàn Tâm. Tôi sẽ lập xưởng dạy nghề miễn phí cho tất cả những người khuyết tật có nhu cầu”.
Trịnh Thế Chiến là người phải ngồi xe lăn từ lúc chào đời với đôi chân co quắp nhưng chưa bao giờ lụi tắt khát vọng. Chiến nghẹn ngào tâm sự: “Nhà em nghèo lắm, bố bị tật nguyền, gia đình từng dốc hết tiền chữa trị cho em nhưng không khỏi nên học hết tiểu học em xin bố mẹ cho vào ban nhạc da cam. Những ngày đến trường với em rất cực nhọc vì chân đã liệt nhưng đôi tay thỉnh thoảng hay co giật, khó khăn lắm mới giữ được cây bút. Sau khi vào cơ sở Toàn Phát, em được dạy sử dụng máy vi tính. Bây giờ em đánh máy vi tính cũng nhanh rồi, nếu sau này đậu đại học, em sẽ nhận đánh máy tính thuê để kiếm tiền trang trải học hành chứ không để mình là gánh nặng cho ai cả”.
Cũng như Chiến, Nguyễn Chương nuôi khát vọng sẽ có ngày sáng tác ra những bài hát dành riêng cho người khuyết tật. “Có thể sẽ không thật hay nhưng bài hát do mình sáng tác chắc chắn sẽ mang một niềm vui và sức cổ vũ những người cùng cảnh ngộ để từ đó cùng nhau vươn lên trong cuộc sống”, Chương nói.
Ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đắk Lắk khẳng định: “Từng có nhiều năm quản lý và tâm huyết với việc giúp người nhiễm chất độc da cam hòa nhập cộng đồng và học nghề, tôi thấy cần phải nhìn nhận người khuyết tật thực sự là lực lượng lao động có ích của xã hội chứ đừng nhìn như một đối tượng chính sách để thương hại. Người khuyết tật tuy có nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều ưu thế như chăm chỉ, kiên nhẫn và ý chí vươn lên. Vậy nên, khi người khuyết tật có kiến thức căn bản về một nghề nào đó hay có khát vọng lao động và cống hiến thì các cơ quan, doanh nghiệp cũng nên rộng cửa chào đón để họ có cơ hội bộc lộ hết khả năng của mình chứ đừng ngần ngại, định kiến. Thực tế chứng minh, nhiều người khuyết tật đã làm nên nhiều điều phi thường”.
Hà Văn