
Chẩn đoán trẻ khuyết tật: Đường còn dài
Hội thảo “Thực trạng chẩn đoán trẻ khuyết tật ở các cơ sở y tế và giáo dục TPHCM” tổ chức tại trường Cao đẳng Sư phạm trung ương TPHCM hồi cuối tháng 10 vừa qua đã thu hút 27 tham luận từ các nhà khoa học giáo dục, tâm lý và y khoa. Hội thảo cho thấy các dịch vụ và chuyên môn chẩn đoán trẻ khuyết tật hiện tại vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế và quy chuẩn, đồng thời cũng đưa ra hướng đi cho sự hợp tác liên ngành trong công tác chẩn đoán và giáo dục – trị liệu trẻ khuyết tật hiện nay.
Một phụ huynh có con mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), kể chị còn rùng mình mỗi khi nhớ lại thời kỳ chẩn đoán bệnh cho con mình cách đây sáu năm tại Hà Nội. Khi phát hiện con trai ba tuổi có nhiều biểu hiện chậm nói, thiếu chú ý, chậm phát triển nhận thức…, vợ chồng chị cho con đi khám ở một phòng khám tư nhân được quảng cáo rất “kêu” về chẩn đoán và trị liệu trẻ tự kỷ. Sau khoảng 15 phút khám, chị nghe kết luận con chị bị “tự kỷ nặng”, cùng với hàng loạt yêu cầu đơn xét nghiệm tốn kém khác. Nghe vị bác sĩ này phán, “nếu không chữa trị gấp, con chị lớn lên sẽ chuyên đi giết người và hãm hiếp…” người mẹ này sốc nặng và trầm cảm một thời gian khá dài. Chị còn dẫn con đi gặp nhiều chuyên gia khác, với nhiều kiểu định bệnh khác nhau, có người có học vị tiến sĩ hẳn hoi, sau một hồi khám xét, lại tuyên bố: “Cháu bé bình thường, chẳng sao cả, chính chị bị tự kỷ thì có!”.
Giai đoạn chẩn đoán trẻ khuyết tật có vai trò đặc biệt quan trọng trong giáo dục đặc biệt và trị liệu, quyết định quá trình can thiệp sớm trong chữa trị với trẻ khuyết tật. Chẩn đoán trẻ giúp nhà chuyên môn, phụ huynh và người chăm sóc biết tình trạng của trẻ, sự phát triển, điểm mạnh, điểm yếu của trẻ ra sao, từ đó có thể đưa ra những hỗ trợ phù hợp để trẻ phát triển một cách tốt nhất. Vì vậy, không khó hiểu tại sao chuyện của vị phụ huynh trên còn dài, với những gian nan thăng trầm trong việc định bệnh, trị liệu và giáo dục cho con, khi tình hình chẩn đoán trẻ khuyết tật, nhất là khuyết tật liên quan đến ngôn ngữ và trí tuệ hiện nay còn khá nhiều bất cập.
Dịch vụ chẩn đoán y khoa: quá tải
Theo bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, các khuyết tật mà bệnh viện chẩn đoán và điều trị gồm có rối loạn tự kỷ, chậm phát triển toàn diện, chậm phát triển tâm thần, hội chứng DOWN, tăng động giảm chú ý, bại não, và chậm nói.
Trong giai đoạn 2007-2010, đã có tình trạng quá tải trẻ đến khám chẩn đoán tại Bệnh viện Nhi đồng 1, số người khám dao động từ 5.000 đến trên 6.000/năm, với tổng số bệnh nhi trên 3.000 trẻ, cao nhất là năm 2008 với 3.761 bệnh nhi. Do đó, bệnh nhi phải được hẹn trước ít nhất hai tuần và thời gian khám lần đầu khoảng 45-60 phút, những lần sau khoảng 30-45 phút. Trẻ đến từ tỉnh xa, gia đình thường yêu cầu hoàn thành trong ngày nên các bác sĩ phải tiến hành đánh giá tổng quát (khoảng 45-60 phút), trắc nghiệm chỉ số thông minh (90-120 phút), kết luận chẩn đoán đưa ra hướng can thiệp hoặc cấp giấy chứng nhận cho trẻ theo học trường chuyên biệt hay hòa nhập.
Theo bác sĩ Quỳnh Trang, bác sĩ Xuân Giang (Phòng khám đa khoa Thiên Phước), việc chẩn đoán tại TPHCM hiện nay chưa đồng bộ vì thiếu chuyên ngành nhi khoa phát triển hành vi trong các trường đại học y khoa nên thiếu cán bộ chuyên ngành để chẩn đoán chính xác và can thiệp sớm. Ngoài ra, việc phối hợp giữa dịch vụ y tế và giáo dục đặc biệt, trị liệu tâm lý và ngôn ngữ vẫn còn rất yếu.
Lỗ hổng chẩn đoán tâm lý và chẩn đoán – đánh giá trong nhà trường
TS. Nguyễn Thị Vân Thanh đưa ra ví dụ, có hồ sơ một bệnh nhi được khám ở một bệnh viện nhi ở TPHCM ghi rõ: “Trẻ không nhìn vào mắt, không chịu giao tiếp bằng lời… kết luận: tự kỷ”. Trong khi đó, ở Mỹ, để chẩn đoán tự kỷ điển hình, người ta sẽ tiến hành một loạt các thăm khám để loại trừ các bệnh thực thể có thể gây ra các triệu chứng tương tự tự kỷ; tiến hành các thăm khám tâm thần, tâm lý, tìm hiểu tiền sử bệnh nội khoa và phát triển… lập bệnh án phối hợp giữa bệnh sử và khám lâm sàng, và chẩn đoán tạm thời. Sau đó, trẻ được nhập viện và được các bác sĩ, nhà tâm lý lâm sàng, điều dưỡng quan sát, theo dõi chặt chẽ. Chẩn đoán tự kỷ chỉ được đưa ra sau sáu tháng nhập viện và sau một buổi hội chẩn có sự tham gia của tất cả các thành viên đã tiến hành thăm khám và theo dõi suốt quá trình chẩn đoán.
TS. Trương Thị Xuân Huệ cho biết chẩn đoán tâm lý là một giai đoạn quan trọng và được tiến hành sau chẩn đoán y khoa. Tham luận của nhiều nhà tâm lý, giáo dục và y khoa khác cũng nhấn mạnh tình trạng hiện nay các cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật tiến hành giáo dục trẻ chưa qua chẩn đoán y khoa và tâm lý, hoặc chỉ có giấy chứng nhận trẻ chậm phát triển do các cơ sở y tế cung cấp mà chưa có chẩn đoán tâm lý.
Việc chẩn đoán tâm lý hiện nay chủ yếu được thực hiện ở các bệnh viện. Vì vậy, chưa có những chẩn đoán chuyên sâu về từng dạng tật, nhằm đưa những mô tả chi tiết về các rối loạn tâm lý giúp giáo viên lập kế hoạch giáo dục cá nhân. Ngoài ra, việc đánh giá sau khi tiến hành giáo dục chưa hiệu quả vì không có chuyên gia tâm lý tham gia, giáo viên chỉ đánh giá theo chủ quan do chưa được đào tạo về phương pháp đánh giá giáo dục.
Một khảo sát của trường Đại học Sư phạm TPHCM trên 92 giáo viên các trường chuyên biệt, trường hòa nhập có dạy trẻ khuyết tật của TPHCM cho thấy chỉ có 34,8% giáo viên tham gia khảo sát cho rằng trường mình có thực hiện chẩn đoán trẻ khuyết tật, trong đó chủ yếu là sử dụng phương pháp quan sát trẻ và phỏng vấn phụ huynh, rất ít giáo viên sử dụng đầy đủ các công cụ đánh giá theo quy chuẩn.
Đáng chú ý, lực lượng chính tham gia thực hiện chẩn đoán trẻ khuyết tật (nếu có) là giáo viên và ban giám hiệu trường, sự tham gia của phụ huynh còn rất ít (theo khảo sát trên là 5,4%). Trong khi phụ huynh là nhân tố chính cung cấp thông tin trong mọi giai đoạn chẩn đoán, cũng là nhân tố quan trọng tham gia trị liệu và giáo dục trẻ. Theo một thống kê ý kiến của 60 phụ huynh có con phát hiện bệnh tự kỷ, 70% các bà mẹ phàn nàn con mình được chẩn đoán quá nhanh, và 80% lúng túng khi nhận nhiều kết quả chẩn đoán khác nhau từ các cơ sở y tế, giáo dục…
Hiện nay ở TPHCM việc chẩn đoán trẻ khuyết tật còn thiếu một quy trình khoa học thống nhất và thiếu nhân lực chuyên môn. Vì vậy, bên cạnh việc mở thêm nhiều chuyên ngành đào tạo liên quan, các cơ sở y tế và giáo dục cần đưa ra một hệ thống chẩn đoán đa ngành bao gồm: nhóm thành viên trụ cột (trẻ, gia đình và giáo viên) và nhóm thành viên hỗ trợ (nhà tâm lý, giáo dục, bác sĩ, các chuyên gia về các tật khác như ngôn ngữ/khiếm thính/khiếm thị/phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, dinh dưỡng…).
Box:
Nguyên nhân việc chẩn đoán trẻ khuyết tật ở Việt Nam chưa chính xác?
Theo tiêu chuẩn của WHO, chẩn đoán cho các rối loạn phát triển của một trẻ cần năm chuyên gia; theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ là sáu chuyên gia, cùng theo dõi trẻ trong tối thiểu một tháng ở ba môi trường khác nhau (phòng khám hoặc trung tâm; gia đình, cộng đồng). Tuy vậy việc chẩn đoán trẻ khuyết tật tại Việt Nam chỉ dưới một giờ do 1-2 chuyên gia (bác sĩ và chuyên viên tâm lý) tại duy nhất một môi trường là phòng khám hoặc trung tâm.
Các cơ sở y tế hoặc cơ sở giáo dục chú trọng quảng cáo cho hoạt động của mình, nhiều trẻ chỉ cần có dấu hiệu chậm nói, hoặc có những hành vi điển hình đều được chẩn đoán là “tự kỷ” hoặc “chậm phát triển” hoặc “tăng động”… Sau đó trẻ được can thiệp bằng các hoạt động đặc thù của từng cơ sở một thời gian ngắn hay dài thì cũng sẽ “tiến bộ” theo quan điểm của họ mà không dựa trên bất kỳ tiêu chuẩn khoa học nào.
TS. Nguyễn Thị Kim Anh
Khoa Giáo dục Đặc biệt, trường ĐHSP TPHCM
Một số dạng khuyết tật ít được can thiệp
Một số dạng khuyết tật liên quan đến trí tuệ và ngôn ngữ trẻ thường gặp nhưng ít được chú ý chẩn đoán và can thiệp kịp thời tại Việt Nam:
– Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một rối loạn thường gặp ở trẻ em, biểu hiện bằng những hành vi hoạt động quá mức, thiếu kiềm chế với giảm chú ý rõ rệt và thiếu kiên trì trong mọi công việc. Các triệu chứng thường giảm nhiều và một số mất đi khi đến tuổi trưởng thành. Các tài liệu y khoa cho biết tỷ lệ trẻ em mắc chứng ADHD là 3-5% ở mọi lứa tuổi, tuổi tiểu học là 17% ở con trai và 8% ở con gái.
– Chứng khó đọc (Dyslexia – hay còn gọi là rối loạn trong học tập) cũng được xem là một dạng “khuyết tật không nhìn thấy”. Trẻ mắc chứng khó đọc gặp khó khăn trong việc chuyển ý nghĩ thành lời nói (hoặc chữ viết) và ngược lại. Ở Việt Nam, chứng khó đọc mới được chú ý nghiên cứu khoảng chưa đầy 10 năm trở lại đây. Theo thống kê của bác sĩ Phạm Ngọc Thanh (2007, 2010), trong số những trẻ có triệu chứng đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM có tới 70-80% bị mắc chứng khó đọc.
Trần Thị Thanh Hương
Nguồn: http://www.ifpvnalumni.org