Càphê quán cóc và cô bé thiểu năng

Văn phòng làm việc của tôi nằm trong một cao ốc giữa trung tâm thành phố. Bên trong toà nhà có những quán càphê máy lạnh sang trọng phục vụ cho giới văn phòng. Nhưng tôi vẫn thích ngồi quán cóc để có thể nhìn đời và nhìn người.

Bé Na và chị Mai chủ quán

Dù không xác định được thứ càphê đang uống có phải là đầy hoá chất như báo chí cảnh báo hay không, nhưng tôi tin tưởng vào người bán. Thói quen của tôi là không trả tiền ngay mà cứ để dồn lâu lâu tính tiền luôn thể. Người phụ nữ bán quán chẳng màng đòi tiền, tôi cũng chẳng quan tâm đã nợ bao nhiêu ly. Bà có một tờ giấy, cứ mỗi lần tôi uống càphê thì bà “quệt” vào đó một phát.

Nhà cạnh quán có một cô bé khoảng 27 tuổi bị thiểu năng trí tuệ. Sáng nào anh trai của em cũng pha một ly sữa đợi em uống xong mới dắt xe đi làm. Trước khi đi, anh không quên bẹo vào đôi má phúng phính của cô. Khi anh trai đi rồi tức thì cô bé qua quán càphê chơi. Theo lời bà chủ quán thì cô bé chơi ở quán nhiều hơn ở nhà. Đôi khi tôi mua cho cô một chai nước ngọt, thỉnh thoảng vài cái bánh bông lan, gỏi cuốn và trò chuyện với cô bé bằng những câu hỏi đơn giản: “Em ăn cơm chưa?”, “Em ngủ chưa?” hoặc là “Anh trai đâu rồi?”, “Trời mưa rồi đi ngủ đi!”

Có hôm tôi đang mải mê nhìn trời nhìn đất thì bất ngờ có một bàn tay vỗ vỗ lên vai tôi từ sau lưng rồi có tiếng ngọng nghịu hỏi: “Uống càquê hả?” Quay sang thì thấy cô bé thiểu năng miệng cười tét bét. Tôi nghiệm ra một điều: cô bé vẫn cảm nhận được sự yêu thương và biết đáp lại lòng yêu thương. Lúc nào cô cũng cười được. Biết đâu cuộc sống của cô còn sướng hơn bao người!

Mưa tháng sáu rớt hạt. Cô bé buông lời ngọng nghịu: “Trời mưa rồi! Về kêu mẹ ru ngủ thôi!”

Nguồn: báo Sài Gòn Tiếp Thị

Print Friendly, PDF & Email

Leave a Reply