Bình minh cho những đứa trẻ mãi ‘không chịu’ lớn

Không thể lớn lên đâu phải là một tội, bởi con người sinh ra đâu có quyền được lựa chọn trước cho riêng mình…

Nếu không đi vào từ cổng trường, khó ai có thể nghĩ đây là một lớp học, lớp học dành cho trẻ khuyết tật trí tuệ của Trường Tiểu học Bình Minh (80 Thợ Nhuộm, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

085133_Anh5

 

Một lớp học trẻ khuyết tật trí tuệ

Trong lớp học đặc biệt này có rất nhiều trường hợp, biểu hiện, dạng tật khác nhau, thường có hai dạng là trẻ tự kỉ và trẻ bị Down.

Những cô giáo ở đây, ngoài tình yêu nghề, ngoài sự tâm huyết sâu sắc với nghề phải có trách nhiệm, sự yêu thương nhân đạo cao cả mới có thể gắn bó với nơi này lâu đến vậy.

Đến với một ngày dạy và học của các cô mới thấy hết được sự vất vả và nỗi niềm của cô giáo nuôi dạy trẻ chậm khôn.

Mỗi em, mỗi dạng tật là một loại giáo án riêng mà nhà trường và các cô nhiều năm phải tự nghiên cứu và soạn ra cho phù hợp.

Cũng chẳng cần kiến thức gì sâu rộng, chỉ cần các em biết đọc, biết viết, biết làm toán đơn giản là các cô cũng vui lắm rồi.

Thế mà có những em ở trường cả chục năm, tuổi cũng đôi mươi mà không cầm được bút đúng, không viết được chữ.

Nỗi gian nan không chỉ dừng ở việc học trò tiếp thu chậm, học không nhớ, các cô giáo ở đây phải dạy các em từ việc mặc quần áo, nói đi vệ sinh, tập tự ăn.

Để dạy được các em phải hiểu tâm lý từng em, vì vậy các cô thường nhận chăm và dạy các em từ khi mới vào đến khi được ra trường.

Mỗi lớp khoảng 20 học sinh thôi mà có 2 cô phụ trách, 1 cô chủ nhiệm và 1 cô chăm sóc nhưng công việc rất bận rộn.

Từ lo giảng dạy các đến giải quyết những mối mâu thuẫn, giận hờn cá nhân đến vệ sinh cá nhân cho từng học trò.

Có em còn không biết tự đi vệ sinh, cô phải dẫn đi, có khi đi vệ sinh ngay trong lớp, cô lại lặng lẽ thay đồ cho rồi lau dọn lớp học.

Trường Binh Minh mới chỉ dừng ở bậc tiểu học, các em được học lên lớp 6, đạt được trình độ nhất định, biết đọc, biết viết, biết tính toán và có thể làm lao động phổ thông giúp đỡ gia đình.

Nhưng con số trẻ khuyết tật có thể lao động có ích cho gia đình, cho xã hội là quá nhỏ.

Cô Lê Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng nhà trường trăn trở:

‘Có nhiều học sinh đã lớn tuổi, cũng mười tám đôi mươi, nhưng vẫn phải ở lại trường. Giờ các em ra trường, không nơi nào nhận nữa, các em chỉ có thể trở về nhà.

Chỉ mong sao xã hội quan tâm hơn, tạo cho các em một bước đi tiếp’.

Nụ cười, tiếng khóc của những đứa trẻ ấy trong lành như buổi bình minh, không hề vướng bận chút gì của cuộc sống thường nhật hối hả.

Sau khi rời cánh cửa yêu thương ấy, cánh cửa cuộc đời nào sẽ là nơi các em có thể đi qua, để các em có thể cảm nhận được niềm vui và nỗi buồn cuộc sống…?

Nguồn:tinngan.vn

Print Friendly, PDF & Email

Leave a Reply