
Bệnh lý ở trẻ có hội chứng down (Phần cuối: Tuyến giáp trạng, Ruột, Hô hấp, Xương, Máu, Động Kinh…)
1. Bệnh về tuyến giáp trạng
Nhiều nước thử kích thích tố tuyến giáp trạng ngay khi sinh hay không lâu sau đó, và có đề nghị là người có hội chứng down nên có thử nghiệm này hàng năm, vì chứng yếu tuyến giáp trạng thường thấy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hội chứng down, và lại càng thường hơn nữa ở người lớn có hội chứng down.
Tuyến giáp trạng (thyroid) nằm ở ngay dưới sụn Adam (sụn trái khế) ở cổ. Đây là một tuyến nội tiết cho ra kích thích tố ảnh hưởng mức biến dưỡng trong cơ thể. Khi tuyến hoạt động quá mức và tiết ra nhiều kích thích tố, cơ thể tiêu thụ nhiều năng lượng và ta sụt cân; ngược lại khi tuyến hoạt động yếu cơ thể sinh ra chậm chạp sử dụng ít năng lượng và có việc lên cân, da khô, bón hơn, chậm lớn.
Loại bệnh thường nhất về tuyến giáp trạng nơi người có hội chứng down là suy giáp trạng, có nghĩa là tuyến không tiết ra đủ kích thích tố. Tình trạng này có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng nếu không được chữa trị, có ước lượng là 25% người lớn có hội chứng down bị chứng này ít nhiều, mà nó cũng có thể xảy ra lúc nhỏ, thế nên trẻ có hội chứng down cần có thử nghiệm lúc mới sinh và sau đó hàng năm về tuyến để xem chắc là tuyến hoạt động tốt đẹp. Những triệu chứng lộ ra khi thiếu kích thích tố tuyến giáp trạng là:
– Chậm lớn,
– Bệnh về da,
– Bệnh về máu,
– Khó ngủ,
– Học khó,
– Bú khó.
Bệnh có thể chữa được dễ dàng bằng thuốc uống L-thyroxine không đắt tiền. Đây là hóa chất bù đắp cho việc cơ thể không đủ kích thích tố.
Khi tuyến giáp trạng tiết ra quá nhiều kích thích tố thì ta có tính trạng ngược lại và một bệnh loại này gọi là bệnh Graves. Triệu chứng là:
– Nóng nẩy,
– Bực bội,
– Hay đói, ăn nhiều,
– Ra nhiều mồ hôi,
– Khó ngủ,
– Tuyến giáp trạng sưng lớn.
Bệnh chữa được với thuốc ngăn chặn sự sinh ra kích thích tố, trong vài trường hợp người ta có thể phải cắt bỏ tuyến hay dùng chất phóng xạ iodine để phá hủy nó. Khi đó chất L-thyroxine được dùng để thay cho kích thích tố tuyến giáp trạng như ở trên.
Bệnh khác về kích thích tố có liên quan đến kích thích tố tăng trưởng do tuyến não thùy (pitituary gland) trên não tiết ra, nếu không có đủ kích thích tố này cơ thể sẽ chậm phát triển. Trẻ có hội chứng down có thể thiếu kích thích tố này nhưng dễ dàng được chữa trị bằng cách uống thuốc. Mặt khác người có hội chứng down trưởng thành thường thấp hơn người bình thường cùng tuổi nên có ý kiến cho trẻ có hội chứng down dùng kích thích tố tăng trưởng để cải thiện chiều cao khi trẻ lớn. Thực tế cho thấy rằng kích thích tố có hiệu quả cho trẻ bình thường nhiều hơn là cho trẻ có hội chứng down, và tuy trẻ có thể lớn nhanh trong một lúc nhưng không chắc là chiều cao cuối cùng có thay đổi đáng kể.
2. Bệnh về ruột
Hội chứng down sinh ra một số bệnh về ruột nhiều hơn so với người bình thường, trục trặc thuộc về hai loại chính:
– Cơ cấu của ruột bất thường.
– Các bộ phận hoạt động không đúng cách.
a) Cơ cấu của ruột bất thường cho ra những tật sau thường thấy hơn cả:
- Nghẽn ruột non
Bệnh về ruột trong hội chứng down hay xẩy ra lúc trẻ mới sinh với chứng thường thấy nhất là thập nhị chỉ tràng bị nghẽn hoàn toàn, lòng ruột có cấu tạo không thông. Đây là phần tiếp liền với dạ dày và là phần đầu của ruột non, thức ăn từ dạ dày đi tiếp qua thập nhị chỉ tràng nhưng rồi nghẽn lại ở đó, sinh ra triệu chứng là nôn mửa và bón.
Giải phẫu chữa lại được tật này và được làm ngay tức thì lúc phát giác ra bệnh, cắt bỏ phần ruột bị nghẽn. Thường thường tật này được khám phá lúc rà siêu âm khám thai, cho phép có giải phẫu sớm ngay sau khi sinh.
Trường hợp khác là lòng ruột non hẹp lại, nên cũng khiến thức ăn bị khó khăn đi từ dạ dày xuống ruột. Tình trạng này chỉ có thể khám phá sau một lúc lâu, nhất là khi triệu chứng lộ ra không thường, việc trẻ hay đau bụng và ói là dấu hiệu để khám phá việc ruột bị nghẽn một phần.
Tùy mức độ hẹp mà có khi phải giải phẫu, nếu đó là trường hợp nhẹ thì tình trạng có thể được giải quyết ổn thỏa bằng phương pháp dinh dưỡng.
- Cuống dưới bao tử hẹp lại.
Đây là nơi thông thương giữa bao tử và ruột non, thực phẩm đi từ bao tử qua nơi đây đổ vào thập nhị chỉ tràng . Bệnh được chữa bằng một giải phẫu giản dị và thường thành công tốt đẹp.
- Bệnh Hirschsprung.
Là tình trạng một phần của ruột không có tế bào thần kinh do đó không có nhu động, co bóp để đẩy chất trong ruột xuống hậu môn. Trẻ có thể rất bón, ruột căng lớn và trường hợp nặng nếu để lâu không chữa trị có thể nguy đến tính mạng. Cách chữa trị hay gặp là cắt bỏ phần ruột không hoạt động bình thường.
- Hậu môn không thông
Thường thường chứng này được chữa bằng cách giải phẫu trong vòng vài ngày sau khi trẻ sinh ra.
- Hốc ở chỗ giao tiếp thanh quản và thực quản.
Một số trẻ có tình trạng này mà không gặp trục trặc gì trong khi trẻ khác cần phải có giải phẫu để đóng hốc lại, ngăn không cho chất lỏng từ thực quản đi vào thanh quản.
b) Các bộ phận hoạt động không đúng cách
- Hay ọc, ói
Trẻ có hội chứng down thường bị ọc, nó không có nghĩa là em bé ựa ra trong lúc hay sau khi bú xong mà trong đa số trường hợp nó chỉ muốn nói là em nuốt hơi. Ọc có thể xảy ra vì thực quản gặp trục trặc trong việc đẩy thức ăn xuống bao tử, do cơ vòng ở cuối thực quản không đóng chặt đủ để ngăn thực phẩm trong bao tử đi ngược trở vào thực quản, hay vì bao tử đẩy thức ăn xuống ruột non quá chậm. Trẻ ọc thường xuyên có thể sinh ra bệnh nặng vì chất trong bao tử có tính acid mạnh, khi ọc và đi lên trên nó có thể gây hư hại cho thực quản, thanh quản. Nếu trẻ hít chất acid này vào thì có thể bị sặc hay ho ngay sau khi bú xong. Bệnh ọc thường được chữa bằng thuốc để làm giảm bớt tính acid của bao tử, và giúp thức ăn đi qua bao tử mau hơn. Trong nhiều trường hợp trẻ lớn dần và tự động hết tật này khi ăn thực phẩm đặc hơn, và ăn khi đứng hơn là ngồi hay nằm. Trường hợp nặng có thể khiến trẻ chậm lớn và có thể cần giải phẫu.
- Bón
Là vấn đề thông thường và là triệu chứng của việc thiếu kích thích tố tuyến giáp trạng, do đó cần có thử nghiệm để xác định việc này. Ta nên biết bón không phải là việc đi cầu không đều mà nó muốn nói đến tính chất của phân và cách đi ngoài. Em bé vài ngày mới đi cầu không có gì là khó khăn và phân cứng vừa phải thì không bị bón, mà bón là khi phân cứng và em phải đẩy ra một cách khó nhọc hay đau đớn. Sự việc có thể là do một số yếu tố hợp lại như bắp thịt bụng mềm, ít cử động và ăn ít chất lỏng, nhất là ở trẻ nhỏ. Nó cần được chữa trị kỹ lưỡng, bởi nó gây đau đớn, bụng căng.
Giống như mọi điều khác tình trạng khả quan hơn khi em lớn, tuy nhiên cha mẹ cần chú ý cho em uống đủ lượng chất lỏng cần thiết và thức ăn có chất sợi. Bạn có thể giúp em bé đi cầu bằng cách dùng bông gòn có thấm vaseline xoa nhẹ trên da cách hậu môn một chút, với trẻ lớn hơn, nếu ba ngày chưa đi cầu thì cho thuốc glycerine nhét hậu môn.
- Bệnh coeliac
Nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ người có hội chứng down có bệnh celiac hiện nay là khoảng 4-16%, trong khi tỷ lệ nơi người bình thường là 0,4%. Trẻ và người lớn có hội chứng down than là đau bụng, đau ở vùng xương chậu và thấy uể oải luôn. Cha mẹ có thể cho là con rên rỉ để được chú ý, tuy nhiên người có hội chứng down mà có bệnh về tuyến giáp trạng thì dễ mắc bệnh celiac.
Họ không chịu được chất gluten có trong lúa mì, lúa mạch (rye), barley, triticale và lúa kiều mạch (oats). Ruột non bị hư, dẹp xuống và sưng khiến cho mức hấp thụ chất bổ dưỡng và khoáng chất trong thực phẩm bị thiếu hụt nặng nề, dẫn tới việc thiếu sinh tố, sắt, calcium, đường, chấy đạm (protein), chất béo.
Khi cho kiêng ăn gluten có trong bột mì thì có thay đổi ngay là người ta không còn đau bụng, và phải mất vài tháng họ mới trở lại bình thường. Trục trặc khác là trẻ có thể khó hấp thu một số sinh tố. Nếu em không lớn bình thường hay có nhiều bệnh nhiễm trùng hay gặp mà khó chữa thì điều ấy có thể nói em có trục trặc này, và thử máu có thể giúp tìm ra bệnh.
3. Bệnh về đường hô hấp
Trẻ có hội chứng down dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp, có khi nhiễm trùng sinh ra từ bệnh ho nhẹ, khi khác là do trục trặc về tim dẫn tới việc chất lỏng tụ ở phổi, hay thức ăn từ bao tử đi ngược lên vào phổi, hay là do hệ miễn nhiễm bị yếu đi.
Bệnh khác là thỉnh thoảng ngưng thở trong lúc ngủ cũng đôi khi thấy, nó thường sinh ra do bạch huyết ở cổ (thường gọi là thịt dư) quá lớn so với kích thước của miệng, cho ra triệu chứng là bứt rứt trong người, thở ồn ào và ngáy. Nó có thể là bệnh đáng ngại vì không chừng lượng dưỡng khí lên não bị giảm đi. Chữa trị có thể là cắt bỏ thịt dư, tuy nhiên chỉ nên làm sau khi có cân nhắc kỹ, vì một số trẻ thay đổi giọng nói sau khi giải phẫu do vòm khẩu cái bị thay đổi.
Nghẹt mũi sẽ khiến trẻ há miệng để thở và thè lưỡi ra; vì vậy nên xem chừng để giữ cho mũi được thông. Tập về mặt và lưỡi không những để giúp trẻ kiểm soát lưỡi mà còn giúp việc phát âm và tập nói về sau.
– Thân nhiệt:
Trong mấy năm đầu mới sinh, cơ chế điều hòa thân nhiệt của em bé có hội chứng down chưa hoàn chỉnh nên em có thể bị lạnh và từ đó dẫn tới việc dễ bị cảm rồi nhiễm trùng cuống phổi.
Chuyện quan trọng là giữ cho em bé được ấm nhưng đừng ấm quá, nếu em ngủ trong túi ngủ hay một bộ áo liền quần đủ ấm thì tốt vì mền có khi bị đạp tung ra. Mặt khác, mặc hai lớp quần áo mỏng thì tốt hơn là một lớp dầy, vì bạn có thể cởi bớt một lớp nếu em bé thấy nóng. Trời lạnh thì nên cho bé đội mũ dù là trong nhà nếu nhà lạnh, vì đầu là nơi mất rất nhiều nhiệt.
4. Bệnh về xương
Trẻ có hội chứng down gặp một số trục trặc về xương do dây gân lỏng và cơ mềm như:
– Xương sống bị cong qua một bên.
– Khớp dễ bị trật
– Hông và đầu gối không vững.
– Mắt cá yếu.
– Bàn chân phẳng.
Vài tật này không lộ ra triệu chứng nào trong khi những tật khác có thể phải giải phẫu tùy mức nặng nhẹ.
- Xương sống cổ
Khớp không vững của hai đốt xương cổ đầu tiên C1 (gọi là xương atlas) và C2 (axis) là cái có tiềm năng nguy hại đáng kể nhất, vì nó có thể dẫn tới việc trật xương sống, đốt xương đầu trượt ra phía trước của trục xương sống và xương bị ép lại. Có tới 20% trẻ có hội chứng down có thể gặp trục trặc với xương sống cổ. Xương sống gồm nhiều đốt chồng lên nhau, ở giữa mỗi đốt có lỗ trống là chỗ của cột tủy sống đi từ não xuống cuối xương sống. Hai đốt C1 và C2 có hình dạng khác với những đốt khác, đốt xương atlas nâng đỡ đáy của xương sọ nằm ngay trên nó, cho phép xương sọ gật đầu tới lui. Mặt khác xương atlas có một vòng ở giữa cho phép mấu của đốt xương thứ hai lộ ra, khiến cho đốt axis xoay bên này sang bên kia được làm ta xoay đầu. Các đốt xương sống được nối lại bằng dây chằng và bắp thịt, nhưng trong hội chứng down dây chằng có khuynh hướng lỏng và cơ mềm khiến hai đốt thứ nhất và thứ hai có thể có chuyển động bất thường. Kết quả là phần ló ra của đốt thứ hai có thể đè bẹp tủy sống nằm ngay sau nó và tình trạng gọi là trật khớp atlas-axis. Chứng xương cổ lệch cũng có thể gây ra tướng đi ngả nghiêng, đầu cứng ngắc, nó hay kèm với trục trặc về bang quang (bọng đái) và ruột; tỷ lệ người có hội chứng down có xương sống bị tổn hại loại này là khoảng 2%.
Trục trặc do cột xương sống bị ép có thể ngừa được khi có khám phá sớm và chữa trị mau lẹ. Bình thường trẻ có hội chứng down nên có chụp hình xương sống trong khoảng 3 tuổi và đo khoảng cách giữa vòng của C1 và mấu xương C2. Nếu khoảng cách này là 5mm hay nhiều hơn thì bị xem là bất bình thường, khắp atlantoaxial không vững cho dù không có triệu chứng lộ ra. Việc chữa trị tùy thuộc vào mức không vững của khớp và khoảng cách giữa hai đốt xương, nếu bệnh nặng thì có thể cần phải giải phẫu.
Ai khi chụp tia X thấy có khoảng cách này là 5mm hay hơn mà không lộ triệu chứng là xương bị ép được khuyên nên có khám thường xuyên về những triệu chứng thần kinh bị hư hại và chụp tia X vùng cổ hàng năm. Ngoài ra cũng nên tránh những hoạt động như nhào lặn, bơi bướm, nhào lộn, nhảy cao, đá banh và bất cứ tập luyện nào tạo áp suất lên bắp thịt ở đầu, cổ. Ai lộ dấu hiệu xương sống bị ép thì nên giải phẫu để gắn cứng phía sau của xương atlas vào phía sau của trục xương sống. Làm vậy sẽ giảm mức chuyển động của cổ, ngăn cản cử động khiến dây thần kinh có thể bị đè, nhưng không khiến người ta phải ngưng các sinh hoạt và ngồi một chỗ.
Cha mẹ được khuyên nên sửa dổi lại hoạt động của con để tránh có cử động quá mức của đầu ra đằng trước và đằng sau cũng như tránh có lực áp dụng trực tiếp vào đầu. Ở trẻ nhỏ, trật khớp có thể xảy ra khi em có hoạt động thể dục mạnh mẽ như nhảy bàn nhún, nhào lặn từ trên cao, và ngay cả trong lúc gây mê khi thông ống vào khí quản, nhưng sự việc cải thiện khi em lớn lên. Mặt khác, nếu có tật này mà không được khám phá để chữa trị thì trật khớp có thể gây hư hại cho cột xương sống, trong trường hợp nặng gây ra tê liệt và cả cái chết.
Trẻ mà chụp quang tuyến cho thấy có tật này cần được theo dõi kỹ để xem có triệu chứng hay dấu hiệu đặc biệt của tật, như thay đổi tư thế, tướng đi (thí dụ đầu bị lệch), triệu chứng về ruột và bàng quang, thay đổi phản xạ, thay đổi cảm giác hay than phiền là bị đau. Nếu hình chụp bình thường thì không cần có ngăn cấm hoạt động gì nhưng nên đi chụp mỗi mười năm.
5. Hệ miễn nhiễm và ung thư máu (leukemia)
Người có hội chứng down có hệ miễn nhiễm yếu kém, họ phản ứng yếu khi bị nhiễm trùng và khuynh hướng bất lợi là tự tấn công các bộ phận trong cơ thể. Hệ miễn nhiễm có loại bạch huyết cầu gọi là tế bào T, sinh ra từ tuyến thymus nằm ở phần trên của ngực. Tế bào T có phận sự là nhận diện chất lạ từ ngoài vào cơ thể và tấn công tiêu diệt các chất này, đó có thể là vi trùng hay là bộ phận người khác ghép vào cơ thể. Có ý kiến nói rằng rối loạn hệ miễn nhiễm làm người có hội chứng down dễ bị nhiễm trùng, bệnh về tự miễn nhiễm, sinh bướu độc; tuy nhiên sau giai đoạn ấu nhi thì việc dễ bị nhiễm trùng xem ra không quan trọng lắm cho dù việc nhiễm trùng ở da và tai giữa gia tăng. Trẻ có hội chứng down có rủi ro bị ung thư máu cao hơn trẻ bình thường 14 lần.
6. Động kinh
Nói chung tật động kinh hiếm ở người có hội chứng down, gặp ở 1-5% tuy so ra thì nhiều hơn mức bình thường. Trẻ có hội chứng down bị động kinh thường có khiếm khuyết trí tuệ nặng và hay xẩy ra trong năm đầu tiên. Loại này bị xem là rất có hại cho trẻ, nhiều em bị chậm phát triển và mức tiến triển không bằng được như trước. Giống như mọi trẻ khác có động kinh, người ta cần xác định tính chất của động kinh bằng thử nghiệm và đo điện não đồ (electroencephalograph EEG), để khám phá hoạt động điện của não và loại động kinh. Dựa vào đây bác sĩ cho lời khuyên cùng loại trị liệu nào thích hợp nhất.
7. Mất trí nhớ (Alzheimer)
Người có hội chứng down dễ bị bệnh lãng trí (dementia) ở tuổi sớm hơn người bình thường. Có ước tính là từ 15-25% người có hội chứng down sẽ có triệu chứng của bệnh Alzheimer. Viễn ảnh người có hội chứng down bị bệnh Alzheimer là một trong những điều gây sầu não rất nhiều cho cha mẹ. Đại đa số người có hội chứng down có dấu hiệu về bệnh như Alzheimer trong não khi họ ở lứa tuổi 40. Tuy nhiên có vẻ như triệu chứng của bệnh không tỏ ra nặng cho lắm ở nơi người có hội chứng down và cho tới nay sự việc vẫn chưa có gì rõ ràng. Có ba cách định bệnh:
– Rà hình CT (computerized tomographic scanning) tỏ ra hữu ích trong việc loại trừ các nguyên nhân khác cũng gây ra bệnh. Cách này chụp hình não ba chiều cho thấy não có cấu tạo bình thường hay bất thường, và phần nào trong não bị ảnh hưởng.
– Chụp hình cộng hưởng từ (MRI magnetic resonance imaging) cần nhiều thì giờ hơn CT, với người khiếm khuyết trí tuệ đôi khi cần phải chụp thuốc mê.
– Chụp hình PET (position emission tomography).
Điểm chính yếu trong việc định bệnh là có bác sĩ thông cảm với người khiếm khuyết trí tuệ bị lãng trí và có liên hệ chặt chẽ giữa dịch vụ hỗ trợ với gia đình bệnh nhân.
8. Hội chứng down và chứng tự kỷ
Trong một số rất ít trường hợp, trẻ sinh ra có hội chứng down lẫn tự kỷ (autism) và thường là không biết nói. Trẻ có cả hai chứng này thường có tánh lập đi lập lại, hỏi hoài một câu cả trăm lần, lần nào cũng muốn được trả lời mới chịu, nhưng vài phút sau hỏi y như cũ làm như chưa được trả lời. Em cũng muốn biết chương trình cả nhà vào buổi sáng hay buổi trưa là gì, nhắc tới nhắc lui các chi tiết hoài không thôi.
Đặc tính khác là ưa thích giữ y một trật tự hay lề lối sinh hoạt, cách chơi.
“Khi con trai tôi còn nhỏ, nó lấy xe hơi xếp thành hàng. Nếu bạn đi ngang làm một cái xe nhích ra khỏi hàng chỉ vài mm là nó phát điên. Nó muốn cái hàng thật thẳng, đúng thứ tự đã có. Nó cũng không hề chơi cất nhà bằng mấy khối gỗ mà chỉ xếp chúng thành hàng. Ngay cả khi đi định bệnh và tâm lý gia muốn nó chồng gỗ xây nhà, nó cũng xếp thành một dọc như các toa xe lửa, nhất định không làm nhà….Cái gì cũng phải theo một thứ tự, cách thức nào đó mà nếu bạn làm khác là nó không chịu được. Nó không thích thay đổi một chút nào hết….”
Cha mẹ nên nhận biết các triệu chứng của tự kỷ để giúp con sớm.
9. Dinh dưỡng
Lúc nhỏ trẻ bị khó bú, khó nuốt hay có bệnh tim khiến em không lớn mạnh như bình thường, nhất là khi trẻ có bệnh tim bẩm sinh. Tuy nhiên khi bệnh tim được chữa lành thì thường là trẻ em lên đủ cân. Chuyện ngược lại khi trẻ vào tuổi thiếu niên và trưởng thành. Người có hội chứng down có khuynh hướng nặng cân, một phần vì ít hoạt động thể dục, ăn nhiều và ít tiêu hao năng lực nói chung, nghiên cứu còn thấy là người có hội chứng down có mức biến dưỡng thấp. Điểm sau hàm ý trẻ có hội chứng down cần ít năng lượng hơn trẻ bình thường có cùng chiều cao và sức nặng, khoảng 10-20% ít calories hơn. Vài người lớn có hội chứng down bị nặng cân đáng kể dù họ hấp thu năng lượng ở mức bình thường.
Bởi việc mập phì có thể gây một số bệnh tật, chuyện quan trọng là ngăn ngừa việc lên cân. Trẻ có hội chứng down cần được tập ăn uống đúng cách từ lúc nhỏ, cha mẹ nên tìm hiểu về phép dinh dưỡng cân bằng, trông nom cho trẻ đừng hấp thu quá nhiều năng lượng và khuyến khích con có hoạt động thể dục. Một khi trẻ bị mập phì đáng kể thì khó mà giảm cân. Trong trường hợp đó muốn bớt trọng lượng phải áp dụng ba việc: có thay đổi về hành vi, giới hạn lượng thức ăn và tăng vận động.
Liên quan đến việc ăn uống thì hốc miệng phát triển bất toàn dẫn tới cấu tạo răng không đều, răng thiếu hay có hình dạng và vị trí bất thường. Trẻ có hội chứng down có mức sâu răng thấp hơn bình thường nhưng có bệnh về nướu răng cao hơn nên chuyện quan trọng là em cần học giữ gìn vệ sinh răng miệng, nhất là chà răng cho sạch. Vì vậy, cha mẹ nên tập cho con có thói quen tốt về vệ sinh răng miệng từ lúc nhỏ, đi khám răng theo kỳ hạn, dùng nước hay kem đánh răng có thể thêm chút fluorine để ngăn ngừa bệnh sưng nướu răng lẫn sâu răng.
Ta liệt kê ở trên những bệnh mà hội chứng down gây ra và người có hội chứng down dễ mắc phải, tuy nhiên cha mẹ không nên quá lo lắng về mặt này tới mức quên rằng con cũng là đứa trẻ dễ yêu, hồn nhiên, mang lại niềm vui cho gia đình, ông bà, cô chú như tất cả trẻ khác.
(Trích từ “Hội chứng Down và chỉ dẫn cho cha mẹ” do nhóm tương trợ phụ huynh có con khuyết tật và chậm phát triển tại NSW (Úc) dịch và biên soạn – traimoxanh đánh máy)