
Bạn phải làm gì khi chơi cùng bé?
Dạy trẻ, nhất là dạy những bé có hội chứng down là công việc không hề dễ. Để việc dạy các bé ở lứa tuổi mầm non có hội chứng down một cách có hiệu quả, chúng tôi xin chia sẻ với quý vị một số kinh nghiệm đòi hỏi người dạy phải có khi dạy dỗ hoặc chơi với các em:
1. Tính kiên nhẫn
Kiên nhẫn là điều kiện cần (nhưng chưa đủ) đầu tiên mà bạn phải có khi chơi với bé. Khi bé chú ý tới một chủ đề nào đó (có thể là một câu chuyện), hoặc khi bé muốn chơi một trò chơi nào đó thì trong suốt một thời gian dài bé sẽ thích lặp đi, lặp lại chủ đề hay trò chơi đó.
Ví dụ:
– Chủ đề bé quan tâm:
Khi bạn tới lớp học đón bé, bạn nghe cô giáo kể ở lớp của bé có một bạn tên là Tũn rất nghịch ngợm và bị cô giáo phạt. Về nhà, bạn hỏi bé hôm nay bạn Tũn bị cô giáo phạt đấy, con biết vì sao không? Có lẽ em bé của bạn chưa biết diễn tả, nhưng bạn có thể kể lại cho bé nghe bạn Tũn hôm nay nghịch ngợm (bạn kể hành động nghịch ngợm của Tũn, ví dụ là xúc cơm đổ ra đất) nên cô giáo phạt bắt Tũn đứng khoanh tay. Tiếp đó, bạn sẽ nói với bé rằng bé ngoan lắm, bé không đổ cơm ra đất giống bạn Tũn đâu nên cô giáo yêu bé.
– Trò chơi bé thích:
Bé thích chơi xếp hình, có thể tay bé còn yếu chưa lắp ráp được và những hình bé xếp không tạo được hình khối gì cụ thể; nhiệm vụ của bạn là không được xếp hộ bé mà chỉ giúp đỡ bé gắn từng mảnh xếp cho chắc chắn hơn mà thôi.
Có thể bạn sẽ cảm thấy nhàm chán khi bé lặp đi, lặp lại một trò chơi, hoặc yêu cầu bạn kể mãi một câu chuyện trong một thời gian khá dài. Bạn có thể thấy hơi sốt ruột, bạn muốn giúp bé thay đổi chủ đề nhằm khuyến khích bé năng động hơn, có kinh nghiệm phong phú hơn.
Lúc này, tính kiên nhẫn trong bạn cần được phát huy. Bạn không nên sốt ruột, mà hãy kiên nhẫn làm theo yêu cầu của bé, hãy kiên nhẫn kể cho bé nghe chỉ một câu chuyện đêm này qua đêm khác, kiên nhẫn trả lời cùng một câu hỏi ngây thơ hoặc ngây ngô của bé ngày này, qua ngày khác, cho đến khi bé quan tâm đến chủ đề mới.
Việc lặp đi, lặp lại một câu chuyện hay một trò chơi sẽ khiến bé nhớ lâu hơn, giúp bé “thuộc lòng” từ và nhớ cách nói một câu hoàn chỉnh (qua việc bé hỏi – bạn giúp bé nhắc lại câu hỏi, rồi bạn trả lời bé.)
2. Tính linh họa hay tính không cứng nhắc
Trương lực cơ của các bé có hội chứng down thường yếu hơn các bé bình thường nên các bé dễ cảm thấy mỏi mệt khi ở lâu một tư thế. Khi chơi cùng bé, bạn hãy để bé thoải mái thay đổi tư thế, đứng, ngồi, nằm, bò một cách thoải mái nhất.
Nếu bạn đang chơi đá bóng cùng bé, khi mỏi, bé sẽ tự ngồi bệt xuống đất. Bạn không nên cứng nhắc yêu cầu bé phải đứng dậy để đá bóng tiếp mà hãy ngồi bệt xuống cùng bé. Lúc này, thay vì đá bóng bạn chuyển sang trò chơi cả hai người (bạn và bé) cùng ngồi bệt dưới sàn và lăn bóng bằng tay. Nếu lúc sau bé mệt, bé chuyển sang nằm lăn ra sàn thì bạn có thể chuyển sang trò chơi kéo cưa lừa xẻ. Bạn nắm lấy chân bé đề kéo cưa lừa xẻ và tranh thủ lúc này bạn có thể xoa bóp chân cho bé.
Việc linh hoạt thay đổi các trò chơi theo sự thay đổi tư thế của bé sẽ giúp tinh thần của bé luôn phấn chấn, bé không cáu giận vì bị bắt tuân theo ý muốn của người lớn, qua đó tăng trưởng sự tự tin của bé.
3. Tính hài hước
Trẻ em nói chung rất thích đùa. Để trò chơi hay câu chuyện thêm hứng thú cho bé bạn cần phải biết cách pha trò, nôm na như chúng ta đưa thêm gia vị vào món ăn.
Tùy vào tính cách của từng bé mà bạn có cách pha trò cho thích hợp.
Ví dụ: Khi bạn kể chuyện cho bé nghe, bạn có thể thay đổi giọng nói cho từng nhân vật. Bạn chọn kiểu giọng nói khiến bé dễ cười, hoặc bạn phối hợp giọng nói với hành động để bé bật cười khanh khách.
Khi bạn chơi cùng với bé, bạn có thể giả vờ ngã, giả vờ đau bụng, kèm theo biểu hiện trên khuôn mặt để làm bé buồn cười.
Các bé có hội chứng down rất thích sử dụng hình tượng, ví dụ như bạn nắm ngón tay làm tai thỏ, hoặc chụm các đầu ngón tay làm đầu con rắn để cù ki bé.
Khi trẻ em thấy buồn cười, các em sẽ thích thú với trò chơi và có nhu cầu chơi tiếp.
Traimoxanh chúc bạn sẽ có những thời gian chơi vui bên các bé.
Kim Liên
(Đây là bài viết của traimoxanh, bạn hãy link nguồn khi trích dẫn để trang web của chúng tôi hoạt động tốt hơn)