
Bản ba-lát của tình mẫu tử
Ðây là câu chuyện về một bà mẹ đã “không ở bên con trai mình khi nó chào đời, và cũng không kịp vuốt mắt cho nó khi cậu bé qua đời”, nhưng đã “chiến đấu từng in-sơ (inch) một”, chỉ để cậu bé được đối xử như một con người trong 17 năm cuộc đời ngắn ngủi. Câu chuyện về Ra-hi-la Gúp-ta (Rahila Gupta) và Ni-han Am-xtrong (Nihal Armstrong).
Hai mẹ con
Trí thông minh không được thừa nhận
Ni-han chào đời năm 1984 sau một ca sinh khó, mà các bác sĩ phải mổ để lấy cậu bé ra. Một tháng đầu tiên, cậu được chăm sóc đặc biệt, luôn chênh vênh giữa sự sống và cái chết. Thận của Ni-han đã hỏng, và não của cậu bị tổn thương. Như bà mẹ Ra-hi-la Gúp-ta viết trong tập truyện thơ “Bản ba-lát (một thể thi-ca phương tây) của Ni-han Am-xtrong”, cậu bé dường như “Chết từ lúc mới sinh/Cuốn sách kết thúc mà không có trang sự sống”.
Ni-han bị liệt cả tay lẫn chân. Cậu không thể cử động, giao tiếp, và mọi sinh hoạt thường nhật đều phải có người giúp đỡ. Ni-han thậm chí không thể di chuyển bằng cách lết đi, vì cơ của cậu đã bị teo. Các bác sĩ dự doán rằng cậu sẽ không thể đọc hoặc viết, và “không thể hòa nhập với cộng đồng”. Ba tháng tuổi, sau một loạt các xét nghiệm, họ kết luận rằng cậu bị bại não. Thật vô vọng!
Nhưng theo thời gian, Ra-hi-la nhận ra rằng Ni-han là một cậu bé thông minh. Cậu biết cách chạm vào thế giới xung quanh, khi là nụ cười trong khoảnh khắc, lúc là đôi mắt sáng đầy sự tò mò. Khi Ni-han được bảy tháng tuổi, Ra-hi-la nhận ra rằng Ni-han có thể phân biệt các bộ phận trên khuôn mặt của cậu. Bà đặt tay cậu bé gần mặt, đọc tên mũi, miệng, hoặc tai, và Ni-han sẽ đưa bộ phận ấy chạm vào tay cậu. Cuộc thử nghiệm khiến Ra-hi-la rất phấn khởi, nhưng đi kèm đó là cảm giác… chán nản.
Ðó là lúc mà Ra-hi-la Gúp-ta bắt đầu một cuộc đấu tranh cay đắng và cô đơn, chỉ để chứng minh với các chuyên gia rằng Ni-han hoàn toàn nhận thức được những gì xảy ra xung quanh. Ra-hi-la bị coi như một bà mẹ lẩm cẩm và điên rồ cố đi bấu víu vào một điều huyễn hoặc. Trong một bài báo trên tờ Người bảo vệ (Guardian) kể lại cuộc chiến cam go ấy, bà viết: “Tôi chiến đấu để giành từng inch (đơn vị đo lường của Anh) một trên con đường của Ni-han chỉ để thằng bé được đối xử như một CON NGƯỜI”. Không một bệnh viện hay trường học nào trong hệ thống giáo dục chịu thừa nhận rằng Ni-han có trí thông minh, và cả cảm xúc nữa.
Chứng minh được điều đó giống như khơi thông một dòng chảy có thể đưa cuộc đời Ni-han rẽ qua một hướng khác. Ðiều đó sẽ quyết định cậu bé có thể đi học ở một ngôi trường như thế nào, và được giáo dục như một người bình thường, hay phải chấp nhận đứng ở bên lề của cuộc đời để chờ cái chết mang đi một cách hoàn toàn tỉnh táo, dù nhận thức của cậu bé không được thừa nhận. Ngôn ngữ vẫn tồn tại trong cậu, nhưng cậu chỉ được phép nhìn thế giới qua một chấn song tù túng vì cơ thể tàn tật và những thành kiến.
“Chiến dịch” của tình mẫu tử
Bi kịch cho Ni-han là cậu bé thậm chí còn nhạy cảm hơn những đứa trẻ bình thường. Ra-hi-la nhớ lại: một lần, khi bà đang cho cậu bé ăn, thì Ni-han bỗng bật khóc tức tưởi. Thời điểm ấy, cậu mới 11 tuổi. Bà đã cố gặng hỏi Ni-han xem rằng liệu cậu có bị hành hạ, hoặc ngược đãi gì ở trường không? Câu trả lời đến sau đó hai ngày: Bà hiệu trưởng biên thư gửi cho Ra-hi-la, trong thư nói rằng bà sẽ buộc phải tìm một ngôi trường khác cho Ni-han, với lý do là họ không thể hiểu những nhu cầu của cậu. Ra-hi-la giận dữ gọi cho bà ta và phát hiện ra rằng họ đã thảo luận về Ni-han ngay trước mặt cậu bé.
Hai mẹ con Gúp-ta bắt gặp thái độ này rất nhiều lần. Một lần, bà nhờ các chuyên gia y khoa làm chứng cho khả năng nhận mặt chữ của Ni-han. Cậu bé sẽ di chuyển đầu để chọn những ký tự trên bảng chữ cái trước mặt và xếp thành tên mình. Nhưng trước khi Ni-han kịp hoàn tất bài kiểm tra của mình, hầu hết các “chuyên gia” đã rời khỏi phòng. Cậu di chuyển đầu chậm, nhưng đó không phải vấn đề về nhận thức. Hiệu trưởng của ngôi trường đặc biệt dành cho người khuyết tật kết luận: Ni-han không đủ điều kiện theo học, và tư vấn rằng Ra-hi-la nên cho cậu vào học ở trường dành cho những đứa trẻ mắc khó khăn nghiêm trọng về học tập, nói trắng ra là bị “thiểu năng trí tuệ”.
Ra-hi-la kiện lên Tòa án giải quyết các nhu cầu giáo dục đặc biệt, và mẹ con họ đã chiến thắng, dựa trên cơ sở là khả năng thật sự của Ni-han, bất chấp mọi lời nhận xét ác ý. Ra-hi-la đọc một bài thơ của Ni-han có tựa đề “Hoa Cát Cánh hát”, Hãy đọc thử vài dòng, và bạn có quyền cảm nhận nó theo cách của riêng mình:
Hoa Cát Cánh hát lên
Những vần thơ
Khi tôi băng qua cánh rừng
Những tán cây
Rủ xuống thăm thẳm
Cảnh tượng khủng khiếp
Những người lạ ngồi co quắp mệt mỏi
Hoa Cát Cánh vẫn hát lên
Những vần thơ…
Trước khi Ni-han viết bài thơ này, cậu và bà Ra-hi-la đã đi dạo trong rừng Ép-inh (Epping). Ra-hi-la nhớ lại rằng họ đã bị choáng ngợp trước cảnh tượng hoa Cát Cánh xếp lại thành hình một đám mây mầu tím rực rỡ. Những vần thơ từ đó bay ra.
Rahila Gupta chụp ảnh cùng con trai năm anh 17 tuổi
Khi cái chết ập đến
Ni-han bắt đầu được theo học ở trường, nhưng khi chiến dịch của bà mẹ Ra-hi-la bắt đầu thu quả ngọt, thì bi kịch xảy ra. “Ðó là một buổi sáng xám xịt trước Giáng sinh một ngày, tôi tìm thấy thằng bé trong trạng thái tim ngừng đập. Mặc dù chúng tôi có hệ thống liên lạc riêng, nhưng tôi đã không thể nghe thấy thằng bé. Tôi sẽ phải sống với ám ảnh ấy trong suốt phần còn lại của cuộc đời. Tôi không có ở đó khi nó qua đời, cũng như không ở bên nó khi nó chào đời”, bà hồi tưởng.
Ra-hi-la bắt đầu viết “Bản ba-lát của Ni-han Am-xtrong” từ đó, và trong một dịp tình cờ, nó được chuyển thể thành một vở kịch. Khi con gái một người bạn thân của bà qua đời cũng vì chứng bại não, người giám hộ của cô bé, Ghi Slây-tơ (Guy Slater), vốn là một đạo diễn sân khấu và truyền hình, đã rất xúc động với bài thơ mà Ra-hi-la viết để đọc trong tang lễ. Họ đã nói chuyện về nó, tập truyện thơ được viết trong chín năm. Một tác phẩm đem đến sự khuây khỏa cho người mẹ.
Tháng 8 năm ngoái, vở kịch lần đầu tiên được công chiếu. Ra-hi-la đứng ở góc khán phòng, nhìn vào những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt các khán giả và không giấu nổi sự nghẹn ngào. Bà tiết lộ: “Mỗi khi vở kịch được trình diễn, Ni-han lại trở về với tôi”.
Ni-han đã trở về như thế ở nhà hát Cốc-pít (Cockpitt) tại Luân Ðôn vào hôm 22-6 vừa qua, và thêm một đêm diễn nữa tại Ê-đin-bớc (Edinburg) vào ngày 25-8 sắp tới. Và sẽ còn nhiều lần nữa. Tình mẫu tử không bao giờ là cũ, dù ngoài kia, những điều tồi tệ vẫn xảy ra…
* Ra-hi-la Gúp-ta là nhà báo, nhà biên kịch gốc Ấn Ðộ. Sinh ra tại Luân Ðôn, Vương quốc Anh, bà đã viết rất nhiều bài báo bảo vệ cho nhân quyền, bình đẳng giới và cả bình đẳng cho người khuyết tật. Bà cũng tham gia viết kịch bản cho nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình.
PHẠM AN
Nguồn: nhandan.com.vn