
Bài tập thể dục cho bé từ 23 đến 36 tháng tuổi
Một đứa trẻ lứa tuổi này sẽ khiến bạn rộn hơn bao giờ hết. Leo trèo, chạy, tò mò chạm vào bất cứ đồ vật nào trong tầm tay của bé đều là những lựa chọn hoạt động của bé trong thời kỳ này.
Trong phần này, bạn sẽ tìm hiểu về phát triển các kỹ năng thể chất của bé bằng cách thêm vào các bài tập rèn luyện thân thể cho năm thứ ba.
Tập thể dục giúp cải thiện kỹ năng của bé và giúp bé tự tìm hiểu để làm chủ cơ thể của mình. Trong quá trình luyện tập, khuyến khích tăng cường các bài tập cho tim và phổi của bé với các hoạt động như chạy tại chỗ, bé dùng chân đá bóng cho bạn. Hãy thử cho 12 phút hoạt động không ngừng để phát triển khả năng chịu đựng và sức bền của bé.
Bổ sung thêm một vài dụng cụ mới vào những buổi tập thể dục hàng ngày của bé để tạo sự thích thú cho bé cũng như tính đa dạng của bài tập. Nhưng hãy lưu ý rằng luôn duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày là điều khó khăn và quan trọng nhất, lặp đi, lặp lại những động tác cũ cho thành thạo. Trải nghiệm mới và sự lặp lại đều được các em bé thích như nhau.
Ở tuổi này, em bé đôi khi phát triển nỗi sợ hãi. Đừng ép em phải có ngay một kinh nghiệm mới, một sự trải nghiệm vượt qua nỗi sợ hãi. Hãy ôm và giữ bé trong lòng bạn. Trấn an bé để giúp bé cảm thấy an toàn. Nỗi sợ hãi sẽ qua đi.
Chọn thời gian hoạt động tự nhiên của bé làm thời gian tập thể dục của bé và bạn. Mặc dù không nhất thiết phải mặc quần áo đặc biệt nhưng em bé rất thích được mặc đồ đặc biệt hơn đồ bình thường vào thời điểm tập thể dục. Vì vậy bạn có thể mặc đồ thể thao, đồ tập cho bé để làm tăng sự vui vẻ.
Đừng quên âm nhạc! Khi có thể, để cho bé quyết định sẽ sử dụng âm nhạc nào, và hướng dẫn cho bé các loại âm nhạc cũng như cách lựa chọn âm nhạc.
Nếu bạn muốn, bạn có thể sử dụng các bài tập yêu thích từ phần trước cùng với những bài tập bổ sung trong phần này, được trình bày dưới đây.
Bài tập cho bé từ 23 đến 36 tháng
Ngồi xổm
Tác dụng:
– Tăng sự vững chắc của chân, đặc biệt là mặt trên của đùi và đầu gối.
- Bạn đứng bên cạnh hoặc đứng đối diện với bé. Hai chân thẳng, cách nhau một khoảng rộng bằng vai, ngón chân chỉ về phía trước. Chống tay lên hông.
- Uốn cong đầu gối của bạn, đẩy mông của bạn về phía sau. Đưa thân trên của bạn về phía trước một chút để bụng của bạn trên các đỉnh của bắp đùi của bạn. Trong khi thực hiện động tác, bạn phải luôn giữ gót chân tiếp xúc với sàn nhà (không được nhấc gót chân khỏi sàn nhà), với cân nặng của bạn được phân bố đều trên gan bàn chân. Đừng cố gắng ngồi xổm thẳng xuống, choãi ngón chân ra, hoặc thả mông thấp hơn khoeo chân của bạn.
- Tập trung vào các cơ chân của bạn, đẩy lên trở về vị trí ban đầu. Thả lỏng đầu gối khi bạn đạt đến vị trí bắt đầu. Không được làm cứng đầu gối.
Lặp lại 4 đến 8 lần.
Bật lò xo
Tác dụng:
– Tăng sự linh hoạt của bắp đùi
Chú ý: Thực hiện bài tập này trên một sàn gỗ cứng, thảm, một tấm thảm tập thể dục hoặc cỏ. Không thực hiện trên một sàn bê tông cứng không được phủ thảm.
- Bạn đứng cạnh bé và thực hiện tư thế ngồi xổm (như trong bài tập “Ngồi Xổm” ở trên), đặt đôi bàn tay của bạn trên sàn nhà trước mặt bạn.
- Bạn dùng đôi chân đẩy cơ thể bật lên thật nhanh, bạn càng nảy lên cao càng tốt (bật như lò xo). Bạn cố gắng giữ cho toàn thân càng thẳng càng tốt. Sau đó, bạn uốn cong đầu gối khi chân bạn chạm trở lại sàn, chống hai tay xuống sàn để trở về vị trí ngồi xổm ban đầu.
Lặp lại 4 đến 8 lần.
Ngón chân chạm mũi
Tác dụng:
– Giúp cơ bụng săn chắc.
– Tăng sự dẻo dai của chân và thắt lưng.
- Bạn và bé ngồi gần nhau, để hai chân của bạn ở phía trước mặt. Giữ một bàn chân bằng cả hai tay.
- Dùng hai tay nâng chân lên cao cho đến khi ngón chân chạm vào mũi của bạn (không được cúi đầu để chân chạm mũi mà phải giữ thẳng đầu). Từ từ hạ chân như ở vị trí ban đầu. Lặp lại 5 đến 10 lần.
- Thay đổi chân và lặp lại trình tự của bài tập.
Chèo thuyền
Tác dụng:
– Tăng cường cơ cánh tay, lưng, ngực, và cơ bụng
– Tăng tính linh hoạt của kheo chân (mặt sau của đùi)
Khi bạn làm bài tập này, hãy thử hát “Dô hò, Dô hò dô….” – sẽ rất vui và thú vị!
- Bạn ngồi đối diện với bé, như trong hình vẽ minh họa, bàn chân của bé chạm vào mặt trong đầu gối của bạn. Hai tay của bạn nắm vào một chiếc chốt gỗ, hoặc một thanh gỗ ngắn, hai tay của bé cũng nắm vào chốt gỗ hoặc thanh gỗ đó nhưng ở vị trí bên trong hai tay của bạn.
- Bạn từ từ ngả về phía sau (độ nghiêng không đáng kể), kéo bé về phía bạn.
- Đổi chiều, bé ngả người về phía sau.Bạn giữ chân thẳng, nhưng thả lỏng đầu gối. (Không làm căng đầu gối). Nếu kheo chân của bạn bị chật cứng, khiến bạn gặp khó khăn khi duỗi chân thẳng thì bạn có thể cong đầu gối lên để ngồi cho thoải mái.
Lặp lại động tác từ 10 đến 16 lần.
Lên dốc
Tác dụng:
– Mang đến cho bé một thử thách an toàn.
– Phát triển sự cân bằng và phối hợp
– Tăng sự hoạt động của cơ thể / các giác quan.
Sử dụng một đoạn đường dốc tự làm ở nhà,hoặc đi mua tại cửa hàng bán dụng cụ thể thao, hoặc một cái bệ/bục có chiều dài từ 1,2 mét đếm 1,5 mét và chiều cao khoảng 32 cm. Đặt một đầu dốc nghiêng với sàn nhà (bạn phải đảm bảo giữ chắc chắn bục gỗ để an toàn cho bé).
- Bạn nắm tay bé, đưa bé đi bộ từ thấp đến cao. Khi bé đi bạn nên nói với bé là đưa chân nào lên để giúp bé phân biệt chân phải, chân trái.
- Khi bé đi tới đỉnh dốc, trong khi bạn vẫn còn nắm tay của bé, bạn để bé nhảy xuống đất. Bạn hướng dẫn bé nhảy làm sao để hai chân cùng chạm đất và thả lỏng đầu gối. (Nếu em bé của bạn không sẵn sàng nhảy xuống đất do bé sợ hay do khoảng cách quá cao để nhảy thì bạn có thể hạ chiều cao của bục gỗ hoặc bạn cho bé ngồi xuống ở phần cao nhất phía cuối bục gỗ rồi nhảy ra khỏi đó). Lặp lại 4 đến 6 lần.
- Bạn cho bé đi bộ theo chiều ngược lại, từ cao xuống thấp.
Khi con bạn cảm thấy thoải mái hơn với những động tác này, bạn để bé tự đi lên và đi xuống.
Ở tuổi lên ba, bé đã phát triển thêm về thể chất, từ vựng cũng như bé bắt đầu biết kiên nhẫn hơn. Do đó, bạn nên đưa thêm vào bài tập một số câu chuyện để phù hợp với bài tập cũng như đưa thêm vào một số thiết bị hoặc đồ chơi vào các bài tập (đặc biệt là bài tập chuyển động) như đĩa nhựa, vòng, thang, bóng, bóng bay, chốt hay gậy gỗ. Hãy sử dụng sự sáng tạo của bạn.
Lưu ý: Thông tin này chỉ duy nhất cho mục đích thông tin. Không phải cho mục đích tư vấn y tế. Tất cả các biên tập viên của Consumer Guide (R), Publications International, Ltd, tác giả cũng như nhà xuất bản sẽ không phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ hậu quả có thể xảy ra từ bất kỳ sự điều trị, tập thể dục, sửa đổi, bổ sung chế độ ăn uống, hành động hay ứng dụng của thuốc mà kết quả từ việc đọc hoặc theo các thông tin này. Việc công bố các thông tin này không cấu thành hành nghề y dược, và thông tin này không thay thế lời khuyên của các bác sĩ hoặc nhà cung cấp chăm sóc y tế khác. Trước khi thực hiện bất cứ quá trình điều trị, người đọc phải tìm những lời khuyên của bác sĩ hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác.
Kim Liên-sưu tập và dịch từ trang web howstuffworks.com – đề nghị ghi rõ nguồn khi bạn sử dụng bài dịch.