
100 bài can thiệp hành vi của Catherine Maurice với trẻ khuyết tật – Phần 12
Bài 52 – Dạy trẻ nói câu đơn
Các bước dạy trẻ:
1. Dạy trẻ nói “Đó là …”: Ngồi trên ghế đối diện với trẻ. Cho trẻ xem một đồ vật và hỏi trẻ “Đây là cái gì?”. Gợi ý cho trẻ trả lời “Đây là …… (tên đồ vật đó)”, (ví dụ: “quả bóng”). Khen và thưởng cho câu trả lời của trẻ. Càng về sau càng gợi ý ít dần đi, dần dần khen và thưởng cho trẻ những lần mà ít phải gợi ý nhất.
2. Dạy trẻ nói “Con nhìn thấy …”: Ngồi trên ghế đối diện với trẻ, giơ ra cho trẻ xem một bức tranh, ảnh và hỏi trẻ “Con nhìn thấy gì trong bức tranh này?”. Gợi ý cho trẻ trả lời “Con nhìn thấy …… (tên đồ vật trong bức tranh, ảnh đó)”. Khen và thưởng cho trẻ. Càng về sau càng giảm gợi ý cho trẻ, dần dần chỉ khen và thưởng những khi trẻ trả lời đúng mà không cần nhắc.
3. Dạy trẻ “Con có …”: Ngồi trên ghế đối diện với trẻ, đưa cho trẻ một đồ vật hoặc bảo trẻ chon lấy một thứ trong giỏ và hỏi “Con đang có cái gì vây?”. Gợi ý cho trẻ trả lời “Con có …… (tên đồ vật đó)”. Khen và thưởng cho trẻ. Càng về sau càng giảm gợi ý cho trẻ, dần dần chỉ khen và thưởng cho trẻ mà ít phải gợi ý nhất. Cuối cùng, chỉ khen và thưởng những khi trẻ trả lời đúng mà không cần nhắc.
- Giáo cụ: Đồ vật, tranh ảnh.
- Điều kiện trước tiên: Trẻ nhận biết đồ vật và nhắc lại lời người khác .
- Gợi ý cách dạy: Trả lời mẫu cho trẻ.
- Gợi ý bổ trợ: Câu hỏi số 2 dạy con bạn nhận biết được từ 2 vật trở lên (ví dụ: “Con nhìn thấy ngôi nhà, cái cây, chiếc ô tô quả bóng, bông hoa .. ”) và khái quát được câu trả lời cho các bức tranh.
Bài 53 – Trao đổi thông tin (Con có…… con nhìn thấy……)
Các bước dạy trẻ:
1. Với đồ vật: Bạn ngồi trên ghế đối diện với trẻ. Đưa cho trẻ một đồ vật trong khi bạn cũng cầm một đồ vật khác. Giơ đồ vật của bạn lên và nói với trẻ “Mẹ đang có…… (tên đồ vật đang cầm)”. Khen và thưởng cách làm của trẻ. Càng về sau càng giảm gợi ý cho trẻ, dần dần chỉ khen và thưởng những khi trẻ trả lời đúng mà không cần gợi ý trẻ. Cứ vài lần lại thay đổi đồ vật. Cuối cùng khi đang trao đổi, yêu cầu trẻ chọn lấy một đồ vật cho riêng mình từ trong hộp. Khi trẻ đã học được cách nói mình đang cầm cái gì, bạn hãy nói mở rộng thêm một vài câu về đồ vật đó (xem ví dụ ở bên dưới).
2. Với tranh ảnh/ sách báo: Đặt hai bức tranh trên bàn cho trẻ nhìn thấy. Chỉ vào một trong 2 bức tranh đó và nói: “Mẹ nhìn thấy…… (tên của con vật trong bức ảnh đó)”. Gợi ý cho trẻ chỉ vào một bức tranh khác và nói : “Con nhìn thấy …… (tên của vật trong bức tranh đó)”. Khen và thưởng cho trẻ. Càng về sau càng giảm gợi ý cho trẻ, dần dần chỉ khen và thưởng cho trẻ những khi trẻ trả lời đúng mà ít phải gợi ý nhất. Cuối cùng chỉ khen và thưởng cho trẻ những khi trẻ trả lời đúng mà không cần nhắc. Cứ vài lần lại thay đổi một bức tranh. Khi trẻ đã học được cách trao đổi thông tin từ các bức tranh, hãy dạy trẻ trả lời theo các bức tranh trong sách (xem các câu hỏi và đáp bên dưới).
- Giáo cụ: Đồ vật, tranh và sách báo.
- Điều kiện trước tiên: Trẻ nhận biết đồ vật và nhắc lại người khác
- Gợi ý cách dạy: Làm mẫu các câu hỏi và gợi ý cho trẻ. Có thể kéo dài thời gian bằng cách làm mẫu câu hỏi trả lời của trẻ ngay sau khi bạn nói. Mỗi lần làm trong 2 giây và dần dần giảm nhắc nhở cho trẻ.
- Gợi ý bổ trợ: Luyện tập cho trẻ khái quát hoá trong các tình huống tự nhiên (ví dụ: trong khi chơi, dạy trẻ nói “Con đang chơi với …” hoặc trong khi ăn dạy trẻ nói: “Con đang ăn …”)
Bài 54 – Trao đổi thông tin xã hội
Các bước dạy trẻ:
Ngồi trên ghế đối diện với trẻ. Yêu cầu trẻ chú ý và nói một câu mang tính xã hội : “Tên mẹ là …… (nói tên bạn)”. Gợi ý trẻ để nói được các thông tin tương ứng về bản thân trẻ (ví dụ: “Con tên là …… (nói tên của trẻ )”). Khen và thưởng cho câu nói của trẻ. Càng về sau càng giảm gợi ý cho trẻ, dần dần chỉ khen thưởng trẻ khi trẻ thực hiện đúng mà ít phải gợi ý nhất. Cuối cùng chỉ khen và thưởng những câu trẻ nói đúng mà không cần gợi ý .
- Điều kiện trước tiên : Trẻ trả lời được những câu hỏi mang tính xã hội đơn giản, trao đổi với nhau về các bức tranh/ đồ vật.
- Gợi ý cách dạy: Làm mẫu câu hỏi và đáp cho trẻ. Có thể kéo dài thời gian bằng cách làm mẫu câu trả lời của trẻ ngay sau khi bạn nói. Mỗi lần làm trong 2 giây và giảm dần nhắc nhở cho trẻ.
- Gợi ý bổ trợ: Sử dụng những câu hỏi mang tính xã hội mà trẻ tiếp thu được để trao đổi. Cuối cùng dạy con bạn trao đổi với nhau bằng các câu phức (ví dụ: “Khi đi công viên, con thích hoặc “con ăn trưa”). Dạy con bạn trao đổi với các bạn cùng lứa và trong một hoạt động theo chu kỳ.
Bài 55 – Dạy trẻ nói không biết (với những đồ vật và câu hỏi mà trẻ chưa biết)
Các bước dạy trẻ:
1. Với các đồ vật mà trẻ chưa biết: Ngồi trên ghế đối diện với trẻ. Yêu cầu trẻ chú ý. Giơ lên một đồ vật mà trẻ đã biết và hỏi “Đây là cái gì?” (trẻ phải nhận biết được vật đó). Làm lại ba lần hỏi trẻ về những thứ mà trẻ đã biết. Sau đó giơ lên một đồ vật mà trẻ chưa biết và hỏi : “Đây là cái gì?”. Ngay lập tức bạn hãy gợi ý cho trẻ trả lời “Con không biết”. Khen và thưởng cho câu trả lời đó của trẻ. Càng về sau càng giảm gợi ý cho trẻ, dần dần chỉ củng cố mỗi khi trẻ trả lời mà ít phải gợi ý nhất. Cuối cùng, chỉ củng cố những câu trả lời đúng mà không cần gợi ý. Hãy hỏi con bạn một cách ngẫu nhiên về những thứ mà trẻ đã biết hoặc chưa biết. Đồng thời qua mỗi lần dạy lại đổi đồ vật.
2. Với các câu hỏi mà trẻ chưa biết: Ngồi trên ghế đối diện với trẻ. Yêu cầu trẻ chú ý và hỏi trẻ câu hỏi mà trẻ đã biết câu trả lời (ví dụ: “Tên con là gì?”) và trẻ phải trả lời được câu hỏi này. Làm lại ba lần với những câu hỏi mà trẻ có thể trả lời được. Sau đó hãy hỏi trẻ câu hỏi mà trẻ không biết (ví dụ: “Ai đã phát hiện ra châu Mỹ?”). Ngay lập tức gợi ý cho trẻ trả lời: “Con không biết”. Khen và thưởng cho câu trả lời của trẻ. Càng về sau càng giảm gợi ý cho trẻ, dần dần chỉ củng cố mỗi khi trẻ thực hiện mà ít phải gợi ý nhất. Cuối cùng chỉ củng cố những câu trẻ trả lời đúng mà không cần gợi ý. Hãy hỏi con bạn một cách ngẫu nhiên về những thứ mà trẻ đã biết hoặc chưa biết.
- Giáo cụ: Các đồ vật mà trẻ đã biết hoặc chưa biết.
- Điều kiện trước tiên:
(1). Nhận biết đồ vật, nhắc lại được các cụm từ
(2). Biết nói “Con không biết ” với những thứ chưa biết và trả lời những câu hỏi xã hội và về kiến thức giản đơn.
- Gợi ý cách dạy: Làm mẫu câu hỏi và đáp cho trẻ. Có thể kéo dài thời gian bằng cách làm mẫu câu trả lời của trẻ ngay sau khi bạn nói. Mỗi lần làm trong 2 giây và giảm dần gợi ý cho trẻ.
- Gợi ý bổ trợ: Sau khi bạn làm thành công nhiều lần, hãy yêu cầu con bạn sau khi trả lời phải nhận biết được vật đó (ví dụ: “Đây là con dao”) và biết được câu trả lời cho những câu hỏi mà con bạn chưa biết.
Bài 56 – Dạy trẻ nói “Kia là cái gì?”
Các bước dạy trẻ:
1. Trong khi hướng dẫn trẻ: Đặt lên bàn trước mặt trẻ bốn bức tranh mà trẻ có thể nhận biết được. Yêu cầu trẻ chú ý và nói : “Nói cho mẹ biết con nhìn thấy cái gì trên bàn”. Gợi ý cho trẻ (Cầm tay trẻ hướng dẫn và nói mẫu cho trẻ), chỉ vào đúng các bức tranh từ trái sang phải và nhận biết các bức tranh đó (ví dụ: “con mèo, quả bóng, cái cây, quả táo”). Khen và thưởng cho câu trả lời của trẻ và càng về sau càng giảm gợi ý cho trẻ. Làm lại một vài lần nữa, sau đó lấy một trong các bức tranh mà trẻ đã biết ra và thay vào đó là một bức tranh mà trẻ chưa biết. Yêu cầu trẻ “Nói cho mẹ biết con nhìn thấy gì trên bàn”. Gợi ý cho trẻ biết (vừa cầm tay vừa hướng dẫn vừa nói) để trẻ chỉ vào từng bức tranh từ trái sang phải và nhận biết đúng (ví dụ: “con mèo, quả bóng”). Ngay khi trẻ chỉ vào bức tranh mà trẻ chưa biết, hãy gợi ý để trẻ hỏi: “Kia là cái gì ?”. Khen và thưởng cho trẻ (ví dụ: có thể khen ngợi trẻ : “Con giỏi lắm”) và trả lời câu hỏi đó (ví dụ: “Đó là chiếc máy hút bụi”). Mỗi lần thực hiện lại bày tranh theo kiểu mới, mỗi lần gồm 3 bức tranh trẻ đã biết và một bức tranh trẻ chưa biết, trong đó mỗi lần thực hiện lại thay đổi cách bố trí tranh. Khen và thưởng cho câu trả lời của trẻ và càng về sau càng giảm gợi ý cho trẻ. Cuối cùng chỉ khen và thưởng mỗi khi trẻ trả lời đúng mà không cần gợi ý .
2. Trong khi dạo quanh khu nhà: Để nhiều loại đồ vật mà trẻ chưa biết ở khắp mọi nơi trong nhà. Nên đặt những vật đó ở những nơi mà đúng ra không phải là nơi để của chúng (ví dụ như bạn đặt một chiếc pít – tông trong phòng ngủ). Sau đó đưa trẻ đi dạo trong khu nhà. Khi bạn và trẻ nhìn thấy một vật mà trẻ chưa biết, hãy gợi ý cho trẻ chỉ vào vật đó và hỏi: “Kia là cái gì?”. Khen thưởng lại câu hỏi của trẻ (ví dụ: có thể khen ngợi trẻ : “Con giỏi lắm”) đồng thời trả lời câu hỏi đó (ví dụ: đó là cái pít – tông). Cứ mỗi lần nhìn thấy một đồ vật mà trẻ chưa biết lại làm như vậy. Càng về sau càng giảm gợi ý cho trẻ, dần dần khen và thưởng cho trẻ mà ít phải gợi ý nhất. Cuối cùng chỉ khen và thưởng cho trẻ mỗi khi trẻ trả lời đúng mà không cần gợi ý.
- Giáo cụ: Các đồ vật mà trẻ đã biết hoặc chưa biết.
- Điều kiện trước tiên:Trẻ biết nhận biết đồ vật, bắt trước câu hỏi: “Kia là cái gì?”, biết nói : “Con không biết” với những đồ vật và tranh ảnh mà trẻ biết.
- Gợi ý cách dạy: Đặt câu hỏi mẫu cho trẻ. Có thể kéo dài thời gian bằng cách làm mẫu câu hỏi ngay sau khi trẻ chỉ vào những đồ vật hay tranh ảnh mà trẻ biết. Mỗi lần thực hiện 2 giây đồng thời giảm dần gợi ý cho trẻ. Làm mẫu ngữ điệu của câu hỏi để trẻ làm theo.
- Gợi ý bổ trợ: Hãy xác định trước những đồ vật mà trẻ biết hoặc chưa biết. Khuyến khích việc nêu câu hỏi trong các tình huống tự nhiên (ví dụ: khi xem sách, khi đang đi dạo). Nên sử dụng các tranh ảnh có sức hấp dẫn đối với trẻ.
Giải thích cách đánh giá khả năng tiếp thu của trẻ: Đánh dấu “+” vào ô số:
(1) Nếu trẻ trả lời thực hiện đúng mà không cần nhắc.
(2) Nếu trẻ trả lời thực hiện đúng do sự hỗ trợ và nhắc nhở củ cô giáo.
(3) Nếu trẻ không trả lời / thực hiện được kể cả có sự hỗ trợ và nhắc nhở của cô giáo
Nguồn: Sưu tầm từ internet